Kon Tum: Bệnh phấn trắng gây thiệt hại lớn trên cây cao su

27/05/2011

Cuối tháng năm, như thường lệ, cây cao su đã cho cạo mủ được hai tháng sau mùa thay lá. Tuy nhiên, năm nay do bệnh phấn trắng hoành hành nên phần lớn diện tích vườn cây cao su của Công ty TNHH Một thành viên cao su Kon Tum vẫn chưa ổn định tầng lá.

Nhiều diện tích vườn cây rụng lá đến ba, bốn lần.Kế hoạch cạo mủ cao su năm 2011 phải chậm lại hơn hai tháng gây thiệt hại cho công ty hàng trăm tỷ đồng.
 Tổng giám đốc Công ty Lê Khả Liễm cho biết: Toàn công ty có gần 10.000 ha vườn cây khai thác bị bệnh phấn trắng. Một số nông trường bị nặng như nông trường Gia Chim; Hòa Bình; ĐácH Ring; Tân Hưng....Đây là các nông trường có diện tích cao su đưa vào khai thác lớn, năng suất cao. Nhiều vườn cây bị bệnh thay lá đến ba, bốn lần không chỉ làm ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch mà còn ảnh hưởng  lớn đến chất lượng vườn cây sau này. Tại vườn cây của nông trường Gia chim, một số cây nhỏ, yếu, bị bệnh nặng rụng hết lá, quang hợp không được đang khô dần và có khả năng chết.
Theo ông Đặng Ưng, Trưởng phòng kỹ thuật công ty, bệnh phấn trắng là bệnh thường gặp ở cây cao su. Nhưng năm nay do thời tiết ở Kon Tum mưa đầu mùa nhiều hơn mọi năm làm cho độ ẩm trong vườn cây cao; cùng với thời tiết đêm ở đây lạnh, buổi sáng sương mù... tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phấn trắng phát triển mạnh. Cùng với bệnh phấn trắng, trên cây cao su đồng thời xuất hiện một số hiện tượng bệnh khác như : héo đen đầu lá; Conynespora, làm cho vườn cây nơi nào bị nặng thì rụng hết lá; nhẹ hơn thì quăn lá treo trên cây.
Trước thực trạng trên, Công ty TNHH Một thành viên cao su Kon Tum đã có văn bản báo cáo Tập đoàn Cao su, mặt khác chỉ đạo các nông trường tích cực các biện pháp chăm sóc vườn cây như bón thêm phân tổng hợp, đào hố giữ màu đa năng bón thêm phân chuồng để tăng sức đề kháng cho vườn cây.
 Về biện pháp trừ bệnh phấn trắng cho vườn cây, ông Đặng Ưng cho biết, do bệnh phấn trắng nằm trên cả hai mặt lá cao su trưởng thành nên rất khó chữa trị. Chỉ bằng cách phun thuốc chống nấm, nhưng do diện tích lớn, phải phun thuốc lên tầng lá cây cao từ năm mét trở lên nên rất khó thực hiện. Để phun thuốc cho cây cần phải có loại máy phun chuyên dụng, xịt thuốc lên tán cây thì mới đem lại hiệu quả.
Tuy nhiên hiện nay ở Công ty Kon Tum chưa có loại máy phun thuốc này.  Biện pháp trước mắt công ty là chỉ đạo các nông trường tăng cường chăm sóc vườn cây, đồng thời giao trách nhiệm cho các nông trường là không nóng vội thu hoạch mủ khi tầng lá của cây cao su chưa ổn định.
Theo kế hoạch, năm 2011, công ty Kon Tum được Tập đoàn Cao su Việt Nam giao 12.400 tấn mủ quy khô. Tuy nhiên do bệnh phấn trắng, dự kiến sản lượng của toàn công ty sẽ sụt giảm mất 20%, tương đương khoảng gần 3.000 tấn, ước thiệt hại gần 300 tỷ đồng từ thu hoạch mủ.
Trước mắt, để giải quyết khó khăn cho hơn 1.000 công nhân trực tiếp làm nghề cạo mủ, hai tháng nay, công ty tạm thời cho mỗi công công nhân tạm ứng mỗi tháng một triệu đồng để đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Công ty đang thành lập đoàn kiểm tra cụ thể các vườn cây để từ đầu tháng 6 mở miệng cạo ở các vườn cây đã ổn định tầng lá. Đối với các vườn cây chưa ổn định, chỉ đạo của công ty là dứt khoát không cho cạo mủ để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của vườn cây.
AGROINFO – Theo Báo Nhân dân

Nguồn:http://nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/kon-tum-be-nh-pha-n-tr-ng-gay-thie-t-ha-i-l-n-tren-cay-cao-su-1.297876#LHD6Bbab4c7O


Tin khác