Yên Bái: Chuyển giao thành công nhiều ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp

27/05/2011

Với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN), hàng ngàn người dân vùng cao như Yên Bái đã cải thiện được đời sống, nâng cao thu nhập. KHCN đã góp phần thiết thực vào quá trình xây dựng nông thôn mới.

Cách đây 2 năm, dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển khoai môn theo hướng sản xuất hàng hoá” thuộc chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao KHCN phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi” đã được triển khai tại tỉnh Yên Bái. Từ mô hình sản xuất khoai môn trên diện tích 12ha tại huyện Lục Yên đạt năng suất trên 12 tấn/ha, đến nay đã triển khai8 ha mô hình sản xuất củ giống khoai môn và 17 ha mô hình thâm canh khoai môn tại 3 huyện Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn. Trồng khoai môn cho thu nhập trên 70 triệu đồng/ha/vụ,so với các loại cây trồng khác như sắn thì hiệu quả kinh tế cao gấp 2 đến 3 lần.
Không chỉ trồng khoai môn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) hiện có hơn 4.200 ha chè, trong đó có 3.800 ha chè kinh doanh, hàng năm cho sản lượng 3.000 tấn chè búp tươi đem lại nguồn thu hơn 70 tỷ đồng. Nhờ cây chè mà hàng nghìn hộ nông dân dân tộc thiểu số trong huyện đã xoá được nghèo, đời sống từng bước ổn định và vươn lên làm giàu. Có được kết quả đó là nhờ việc cải tạo, trồng mới nhiều giống chè lai như: chè Bát Tiên, Phúc Vân Tiên và Kim Tuyên… Thương hiệu chè Văn Chấn hiện rất được khách hàng ưa chuộng. 
Yên Bái còn đặc biệt quan tâm phát triển cây ngô ở vùng cao. Từ việc đưa giống mới vào trồng đại trà, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến đã làm cho sản lượng và chất lượng ngô hàng hóa ngày càng tăng. Đến nay, tỉnh Yên Bái có trên 22 ngàn ha ngô, trong đó riêng diện tích ngô hàng hóa là 6.000 ha.Gần 100% diện tích gieo trồng bằng các giống ngô lai như Bioseed 9698, LVN 25, SB 09-9…, năng suất bình quân đạt xấp xỉ 3 tấn/ha, giá trị kinh tế cao gấp 3 lần so với trồng lúa nương. Cùng với sản lượng ngô tăng nhanh hàng năm, khâu chế biến, bảo quản ngô cũng được hình thành. Các cơ sở chế biến của tư nhân được mở rộng khắp, tạo cho thị trường ngô ngày càng sôi động.
Tuy nhiên, Sở KHCN Yên Bái cho biết, công tác chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHCN còn gặp nhiều khó khăn do trình độ dân trí ở một số nơi còn thấp, người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của KHCN. Các trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, thử nghiệm, kiểm định còn thiếu, chưa đồng bộ và lạc hậu do kinh phí đầu tư cho hoạt động KHCN còn eo hẹp. Đội ngũ cán bộ làm công tác KHCN cũng thiếu và yếu. Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ khoa học. Đồng thời, tiếp tục triển khai hoạt động của Trại thực nghiệm đảo hồ Thác Bà. Xây dựng dự án chuẩn bị đầu tư Trại thực nghiệm ứng dụng KHCN thuộc Trung tâm Ứng dụng KHCN theo quyết định của UBND tỉnh đã phê duyệt.
Sở KHCN Yên Bái cho biết thêm, năm 2011, dự toán dành cho ngân sách sự nghiệp khoa học của tỉnh là 13.518 triệu đồng. Theo đó, sẽ triển khai trên 50 đề tài, dự án, trong đó lĩnh vực nông lâm nghiệp chiếm khoảng 60-70%. Các đề tài, dự án lĩnh vực nông lâm nghiệp tập trung nghiên cứu thử nghiệm các loại cây, con mới, sản xuất và lưu giữ một số giống cây trồng, vật nuôi bản địa..., thử nghiệm và nhân rộng các mô hình chuyển giao và ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn theo hướng hiện đại hoá./.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế Việt Nam

Tin khác