Sản xuất chè bẩn là tự tay đánh mất thương hiệu

05/08/2011

Qua khảo sát tại một số vùng nguyên liệu chè ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc, Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas) đã phát hiện tình trạng sản xuất chè bẩn diễn ra một cách tràn lan, nếu tiếp tục kéo dài sẽ gây nên những tác hại khôn lường.

Hãi hùng chè trộn với... lân
Ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Vitas cho biết: "Qua khảo sát tại những vùng nguyên liệu chè ở Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên... thấy, khoảng 3 tháng trở lại đây, trên nhiều vùng nguyên liệu chè xuất hiện tình trạng sản xuất chè bẩn, không theo quy chuẩn, phá vỡ mọi nề nếp sản xuất chè từ trước đến nay". Tại huyện Văn Chấn (Yên Bái), chè bẩn được trộn với một thứ hồ (còn gọi là cháo sắn) giúp chè dẻo và nặng hơn; ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), chè được trộn với một số loại phụ gia khác như lân, nước bùn để giúp chè thêm nặng, dẻo và nước có màu xanh hơn; ở Đồng Hỷ (Thái Nguyên), chè được trộn thêm bột quặng cho nặng…
Tại xã Thái Hòa (Hàm Yên), khảo sát ở 10 hộ thì cả 10 đều sản xuất chè bẩn. Sản xuất chè đã trở thành phong trào, nhiều người có công ăn việc làm ổn định cũng bỏ việc về làm chè vì lợi nhuận cao. Sau công đoạn sao, sấy, người dân đổ chè ra đường, mặc cho xe ô tô, gia súc, gia cầm tự do đi lại...
Thông thường, để xây dựng một nhà máy sản xuất chè đạt tiêu chuẩn phải tốn khoảng 10 tỷ đồng; ngoài ra còn phải đảm bảo vấn đề nguyên liệu và nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, với cách làm thủ công, người dân chỉ cần bỏ ra 4-5 triệu đồng là đã có một "dây chuyền" sản xuất chè, gồm máy vò, máy sao, trộn phụ gia. Với kiểu sản xuất như thế, bình quân người dân lãi 1.000-2.000 đồng/kg.
Cũng theo Vitas, chè bẩn chủ yếu xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch qua cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh). Vitas khẳng định, loại chè này không tiêu thụ ở Việt Nam, không ai dám uống và không một quốc gia nào có thể chấp nhận được loại chè bẩn trên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, vì sao Trung Quốc mua chè bẩn với giá cao thì Vitas chưa lý giải được. Ông Tuân cho rằng, có một điều mà không ai có thể khẳng định chắc chắn được, đó là chè bẩn khi xuất đi sẽ không quay trở lại thị trường Việt Nam với những nhãn mác "đặc sản" khác nhau? Và nếu điều này xảy ra thì khi đó, chính người tiêu dùng Việt Nam sẽ gánh chịu hậu quả.
Làm gì để ngăn chặn?
Theo Vitas, nếu việc sản xuất chè bẩn tiếp tục kéo dài sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Trước hết, những nhà máy được đầu tư bài bản sẽ lâm vào cảnh điêu đứng, phá sản vì không có nguyên liệu để duy trì hoạt động. Mặt khác, việc sản xuất chè bẩn sẽ phá vỡ tập quán sản xuất và trồng chè từ trước đến nay ở nước ta, thêm vào đó, tình hình trật tự an ninh xã hội tại địa phương sẽ bị đảo lộn; xảy ra tình trạng thất thu thuế (theo tính toán của Vitas, riêng ở Văn Chấn mỗi ngày có 150 tấn chè được xuất đi theo đường tiểu ngạch, tính ra huyện thất thu khoảng 60 triệu đồng tiền thuế/ngày và trong 1 tháng là 1,8 tỷ đồng).
Ngoài ra, ngành chè Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn, bởi một khi các nhà máy thiếu nguyên liệu thì việc xuất khẩu chè sang 70 quốc gia và vùng lãnh thổ thời gian tới đây khó có thể tiếp tục. Thực tế là trong 6 tháng đầu năm 2011, sản lượng chè xuất khẩu nước ta đã giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2010.
Bài học "chè vàng" năm 2007 vẫn còn đó, vì thế, để giúp ngành chè phục hồi và phát triển, Vitas khuyến cáo người dân cần có nhận thức đúng đắn, không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt mà gánh chịu hậu quả về sau.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/8/29486.html


Tin khác