Nghệ An: Đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

20/10/2011

Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An vừa tổ chức "Hội nghị giao ban công tác quý IV. Triển khai thực hiện chỉ thị số 2783/CT-BNN-TY ngày 27/9/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn".

Theo thông báo của Cục Thú y, trong 9 tháng đầu năm, diễn biến dịch xảy ra trên toàn quốc hết sức phức tạp. Cả nước có 21 tỉnh có ổ dịch cúm gia cầm, 35 tỉnh có ổ dịch lở mồm long móng và 9 tỉnh có ổ dịch lợn tai xanh. Số gia cầm mắc bệnh và tiêu huỷ hơn 120 nghìn con; số gia súc mắc bệnh hơn 155 nghìn con, trong đó số tiêu huỷ hơn 53 nghìn con. Cùng chung với nạn dịch đó, Nghệ An là một trong những tỉnh chịu thiệt hại khá nặng nề do các dịch bệnh trên gây ra. Là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, với hơn 763.000 con trâu bò; 1.340.000 con lợn và trên 13 triệu gia cầm nên công tác phòng chống dịch bệnh ở Nghệ An diễn ra rất phức tạp.
Bên cạnh đó, người dân lại chủ yếu chăn nuôi bằng hình thức nhỏ lẻ, phân tán; tập quán chăn thả trâu bò chung đồng cỏ giữa các xã với nhau. Tỷ lệ gia súc, gia cầm mang trùng lớn, mầm bệnh tồn tại rộng rãi trong môi trường chăn nuôi, khi diễn biến thời tiết phức tạp, mưa nắng thất thường... sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, phát tán và lây lan cho gia súc khoẻ chưa được tiêm phòng.
Thực tế trong nhiều năm qua, các ổ dịch xảy ra chủ yếu ở đàn gia súc gia cầm chưa được tiêm phòng. Nguyên nhân là do nguồn vắc xin tiêm phòng cho các bệnh do vi rút gây ra (tai xanh, cúm gia cầm, lở mồm long móng) hoàn toàn bị động do phải nhập ngoại về. Hiện nay, vắc xin cúm gia cầm chưa có, vắc xin lở mồm long móng lại khan hiếm, vắc xin tai xanh giá cả lại cao, thời gian miễn dịch ngắn, hiệu giá thấp...gây khó khăn cho quá trình thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin phòng bệnh. Đây lại là những dịch bệnh hết sức nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của hàng nghìn, hàng triệu gia súc, gia cầm đang được chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An.
Trước tình trạng này, ông Nguyễn Thế Độ - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An chia sẻ: "Trong thời gian tới sẽ tăng cường công tác giám sát, phát hiện nhanh ổ dịch, báo cáo dịch sớm từ cơ sở, từ người chăn nuôi và tổ chức xử lý kịp thời không để dịch lây lan, đặc biệt chú ý các bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh... Tổ chức tiêm phòng bổ sung cho các gia súc chưa được tiêm trong thời gian vừa qua, đặc biệt là các xã có tỷ lệ tiêm phòng thấp. Chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, nhân lực sẵn sàng để khi có vắc xin lở mồm long móng nguồn Quốc gia cấp sẽ triển khai tiêm đồng loạt. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các loại vắc xin do nhà nước hỗ trợ, tránh làm thất thoát, lãng phí; thu gom và tiêu huỷ vỏ lọ vắc xin đúng quy định. Để hạn chế đến mức thấp nhất các dịch bệnh có thế xảy ra từ nay đến cuối năm, Chi cục thú y Nghệ An đã đưa ra những biện pháp hết sức thiết thực và hữu hiệu triển khai tới tận các thôn, xóm, làng, bản trong toàn tỉnh...”.
Cùng chung tâm huyết quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh gia súc, gia cầm đã và đang có nguy cơ hoành hành trên mảnh đất xứ Nghệ. Ông Vi Lưu Bình - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An cho biết: "Chi cục thú y cần phối hợp chặt chẽ với các trạm thú y huyện để tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật giữa các địa phương có dịch và không có dịch, đặc biệt là kiểm soát vận chuyển trâu bò từ chợ Ú (Đại Sơn - Đô Lương - là một trong những chợ chuyên buôn bán trâu bò lớn nhất nhì nước Việt Nam). Phải báo cáo dịch bệnh định kỳ và đột xuất cho các cơ quan chức năng biết sớm để xử lý nhanh, kịp thời. Bên cạnh đó, về nuôi trồng thuỷ sản, yêu cầu Chi cục thú y tham mưu phải căn cơ hơn. Hướng dẫn người dân khi các đầm nuôi tôm bị mắc bệnh phải ngâm vôi, khử độc rồi mới được xả xuống kênh. Không được xả thẳng làm lây nhiễm mầm bệnh như một số gia đình truớc đây đã làm...”.
Hy vọng trong thời gian tới, với những chính sách, biện pháp cụ thể, hữu hiệu và thiết thực đàn gia súc, gia cầm ở Nghệ An sẽ sớm thoát khỏi những dịch bệnh nguy hiểm đã từng hoành hành trong thời gian qua. Đem lại môi trường sạch sẽ, trong lành để thu hút được nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản có tầm cỡ hơn nữa.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/xahoi/2011/10/30800.html


Tin khác