Tìm cách thức hỗ trợ nông dân

14/11/2011

Hôm 9/1, tại Hà Nội, Diễn đàn Quốc tế về NN-PTNT đã diễn ra phiên khai mạc dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát. Với tiêu chí bàn bạc kinh nghiệm về chính sách, phương thức, triển khai các chương trình phát triển nông thôn quốc tế, diễn đàn đã diễn ra sôi nổi với nhiều bản tham luận, ý kiến được đưa ra.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thảo luận tại Hội nghị
NGƯỜI PHÁP ĐẶT NIỀM TIN VÀO LỚP TRẺ
“Chúng tôi đã triển khai chương trình PTNT quốc gia bằng hình thức thành lập các nhóm nông dân trẻ tuổi, bởi tôi tin người trẻ luôn có nhiệt huyết, sáng tạo và đủ khả năng, cập nhật được tình hình chung của vấn đề lương thực quốc gia cũng như thế giới” - ông Bruno Vindel (Ban châu Á, Cơ quan phát triển Pháp) nhận định về chính sách phát triển nông thôn tại Pháp.
Nói về những kinh nghiệm PTNT tại Pháp, ông Bruno Vindel chia sẻ thêm: “Sau khi đặt niềm tin vào lớp trẻ, chúng tôi triển khai công việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho lâm nghiệp; song song là các biện pháp nông nghiệp – môi trường nhằm bảo vệ diện tích đất xanh; hỗ trợ các khu vực khó khăn…”. 
Theo tài liệu từ các báo chí địa phương của Pháp mà NNVN thu thập được, nhóm các nông dân trẻ tuổi ở Pháp được đào tạo và hỗ trợ nhiều từ tài trợ ngân hàng, tài trợ địa phương.  Cùng với đó là sự hỗ trợ từ những tổ chức nông nghiệp nằm trên địa bàn trong việc cung cấp tài liệu, kinh nghiệm, cũng như tìm hiểu cách tính lợi nhuận từ nông sản làm ra, thậm chí là cách bảo quản sau khi thu hoạch, ứng phó với các thách thức trong thời điểm hiện tại như biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, đất đai, môi trường… 
NGƯỜI HÀN ÁP DỤNG MÔ HÌNH: LÀNG MỚI 
Theo Trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Hàn Quốc, Edward P.Reed, Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng trong quá trình xây dựng NTM như tỷ lệ lao động, thu nhập bình quân đầu người và cơ sở vật chất, hạ tầng... Nhưng ông Edward P.Reed cho rằng, không thể bê hoàn toàn mô hình của Hàn Quốc áp dụng vào Việt Nam, mà cần lấy những bài học kinh nghiệm Hàn Quốc đã trải qua để xác định các bước đi đúng đắn, khoa học. 
Ông Edward P.Reed nhấn mạnh, vào những năm 1970, Hàn Quốc có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp đến tận tay người dân mặc dù vấp phải sự chỉ trích rất gay gắt của Liên Hợp quốc và Mỹ lúc bấy giờ. Do vậy, ông Edward P.Reed khuyến cáo Chính phủ Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ đích đáng hơn nữa cho khu vực kinh tế nông nghiệp để người dân yên tâm SX vì họ nhìn thấy lợi nhuận xứng đáng với công sức bỏ ra và các DN cũng cảm thấy môi trường nông nghiệp đủ an toàn và ổn định để đầu tư lâu dài.  
Cổng làng một xã NTM tại Hải Phòng
 
NÔNG DÂN THAM GIA QUY HOẠCH
Trước câu hỏi của ông Tăng Minh Lộc - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Chánh văn phòng điều phối Chương trình MTQG về xây dựng NTM về việc nước Pháp hay Hàn Quốc thực hiện quy hoạch nông thôn như thế nào, có đặt ra tiêu chí hay không, nguồn ngân sách lấy từ đâu và thực hiện theo cấp nào?  Đại diện Quỹ Châu Á tại Hàn Quốc và Ban Châu Á, Cơ quan phát triển Pháp chia sẻ, tại hai quốc gia này khi tiến hành xây dựng nông thôn cũng tiến hành làm quy hoạch, nhưng người dân là đối tượng trực tiếp tham gia vào công việc này với sự hỗ trợ kinh phí của Chính phủ, chính quyền sở tại và khu vực tư nhân.
Mục tiêu là trao đổi, học hỏi kinh nghiệm các nước
“Các chuyên gia quốc tế hiện đang quan tâm đến các mô hình phát triển nông thôn mới ở Việt Nam” – ông Lương Thế Phiệt, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc khẳng định với NNVN bên lề Diễn đàn Quốc tế về NN-PTNT.
Ông có thể cho biết các hình thức hỗ trợ của quốc tế với công cuộc nông thôn mới ở Việt Nam?
Đó có thể là kinh nghiệm, kĩ thuật công nghệ, tài liệu, chuyên gia hay chỉ đơn thuần là góp ý. Tuy vậy, trong tương lai gần, chúng ta cũng không nên kì vọng nhiều vào sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các nước khác, nên hiểu đơn thuần đây là sự trao đổi. Người ta quan tâm tới nhiều tới các lĩnh vực khác nữa, nông thôn mới chỉ là 1 lĩnh vực mà thôi.
Như vậy, chúng ta mới chỉ mới chú trọng giới thiệu với bạn bè quốc tế chứ chưa đi vào cụ thể?
Đúng vậy. Chúng tôi giới thiệu và trên hết, đó là học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thành công của các nước khác.
Tuy nhiên, tại Pháp hay Hàn Quốc đều không đặt ra tiêu chí xây dựng nông thôn ngay từ đầu làm mục tiêu mà chỉ coi đó là thước đo để đánh giá sau 5 - 10 năm triển khai chương trình. Nếu trong quá trình thực hiện nảy sinh bất cập, những tiêu chí đó sẽ được thay đổi ngay lập tức.
 Có một vấn đề trong khi tiến hành xây dựng NTM đã được các học giả nước ngoài nhấn mạnh rất nhiều lần, Việt Nam cần phải trao thêm quyền lãnh đạo nhiều hơn nữa cho phụ nữ tại các địa phương, bởi đây là thành phần không thể thiếu góp phần cho thành công của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận của các học giả, chốt lại ngày làm việc đầu tiên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cảm ơn những đóng góp rất chân thành, ý nghĩa từ các đại biểu tham dự. Bộ trưởng khẳng định, mục tiêu xuyên suốt trong quá trình xây dựng NTM của Việt Nam là nâng cao thu nhập và tạo cho người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Theo Bộ trưởng, việc chuyển dịch cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn là điều tất yếu sẽ phải làm. Nhưng quá trình CNH sẽ mất rất nhiều thời gian nên Việt Nam tiến hành song song việc đẩy mạnh CNH và đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
 

Tin khác