Dịch bệnh được kiểm soát, nguồn cung thực phẩm dồi dào

11/01/2012

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, vấn đề người tiêu dùng quan tâm nhất hiện nay chính là nguồn cung thực phẩm trong đó có thịt và giá cả các mặt hàng này. Trước những lo lắng này, Bộ Nông nghiệp và PTNT một lần nữa cho biết sẽ đảm bảo đủ nguồn và không phải nhập thêm thực phẩm, đặc biệt sẽ không để xảy ra trình trạng giá tăng đột biến.

Đây là một trong những thông tin được ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết tại cuộc họp tổng kết về các loại dịch trên gia súc, gia cầm phiên cuối cùng của năm 2011 diễn ra vào chiều nay (10/1/2012) tại Hà Nội.
Dồi dào, giá ổn định
Ông Sơn cho biết, tình hình cung ứng thực phẩm và thịt để phục vụ Tết Nhâm Thìn hiện rất khả quan, không lo thiếu thịt. Qua thực tế kiểm tra tình hình cung cầu thực phẩm trong tháng 1 cả nước sẽ có khoảng 270.000 tấn thịt xẻ được tung ra thị trường (tăng 10% so với bình thường) phục vụ nhu cầu và dịp Tết Nguyên đán, trong đó sẽ có khoảng 235.000-240.000 tấn thịt lợn. Ngoài ra, tính lũy kế cho đến nay hiện các ngành chức năng đã cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu tới khoảng 115.000 tấn thịt ngoại, chiếm 3,8% sản lượng thịt trên thị trường. "Vì vậy, lượng thịt cho Tết Nhâm Thìn khá dồi dào, lượng thực phẩm tích trữ trong kho của doanh nghiệp cũng nhiều, có doanh nghiệp còn tích trữ tới 200% so với bình thường, cho nên không cần phải cho nhập thêm thịt ngoại nữa"- ông Sơn nói.
Với xu thế như hiện nay các chuyên gia nhận định sắp tới, giá cả thực phẩm chỉ tăng nhẹ chứ không xảy ra đột biến giá như năm trước. Thậm chí khoảng 2-3 tuần gần đây, giá một số loại thực phẩm còn có xu hướng giảm. Hiện tại, giá thịt heo đang ổn định ở mức 48.000-52.000 đồng/kg, còn thịt gà lông trắng là 32.000-33.000 đồng/kg.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Diệp Kỉnh Tần cũng cho biết, điều đáng mừng là đến thời điểm này cả nước đã không xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng bởi vậy người chăn nuôi cũng được lợi, đồng thời đảm bảo ổn định được nguồn cung hàng hóa cho dịp cuối năm. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý các các địa phương cần tiếp tục giám sát chặt chẽ dịch bệnh.
Kiểm soát tốt dịch bệnh
Trong khi đó, đại diện Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho hay, trong vòng 2 tuần qua cả nước không ghi nhận trường hợp nào về cúm gia cầm, dịch tai xanh và lở mồm long móng trên gia súc. Tuy nhiên, nguy cơ dịch tái phát rất cao khi vi rút vẫn tồn tại trong môi trường; sự gia tăng các hoạt động giết mổ, tiêu thụ gia súc, di chuyển của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Đáng lưu ý, là trong thời điểm này khi khả năng miễn dịch của đàn gia súc không còn thì thời tiết chuyển rét, với độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh nguy hiểm tái phát.
Từ giữa tháng 11/2011 đến tháng 2/2012 Cục Thú y sẽ tiến hành lấy mẫu giám sát cúm gia cầm tại các chợ ở 30 tỉnh, thành trên cả nước; và đã cung ứng 35,6 triệu liều vắc xin cúm gia cầm cho các địa phương tiêm phòng. Hiện, Cục Thú y đang tiếp tục phân bổ vắc xin lở mồm long móng cho các địa phương.
Các vụ vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật tăng cao bị phát hiện thời gian qua cho thấy, nguy cơ dịch có thể tái phát bất cứ lúc nào. Do vậy, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo cần đôn đốc việc tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng trong phòng chống dịch, nhất là các tỉnh giáp biên. Bên cạnh đó, Cục Thú y cần đẩy mạnh công tác kiểm tra tiêm phòng cúm gia cầm của các địa phương để chủ động khi tình huống xấu xảy ra; hướng dẫn các dấu hiệu bệnh, chết kể cả do chết rét phải khai báo cho chính quyền xã và nhân viên thú y kiểm tra. Xử lý nghiêm các cán bộ có hành vi sai phạm phát hiện thời gian qua, đồng thời công khai việc xử lý cán bộ để chấn chỉnh công tác phòng chống dịch.
Trước mắt, từ nay đến Tết Nguyên đán, Thứ trưởng Tần yêu cầu Cục Thú y phối hợp với địa phương, các cơ quan quản lý chất lượng tăng cường công tác kiểm tra giam sát, trước hết là giết mổ, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm ra vào địa bàn… đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác