Sản xuất lúa theo GAP: Thành tựu và những tồn tại

02/02/2012

Ở ĐBSCL những năm qua, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) tuy còn gặp nhiều khó khăn và đang còn mới mẻ đối với nông dân, nhưng đã có một số vùng có kết quả và đạt tiêu chuẩn được công nhận.

Đáng kể nhất trong đó là xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã được trao giấy chứng nhận GlobalGAP trong sản xuất và chế biến gạo. Được biết, đây là giấy chứng nhận GlobalGAP đầu tiên cho sản xuất lúa gạo của Việt Nam cũng như các nước sản xuất lúa gạo ở Đông Nam Á.
Sản xuất lúa gạo theo GAP là tấm "hộ chiếu" để việc xuất khẩu dễ dàng hơn.
 
Trong vụ đông xuân 2008 - 2009, Mỹ Thành Nam mở rộng diện tích lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đến 500ha. Tất cả gạo đã được Công ty ADC tại TP.HCM bao tiêu ở mức giá cao hơn 20% so với giá thị trường.
Chính quyền tỉnh Tiền Giang cho biết mô hình sản xuất gạo đáp ứng các tiêu chuẩn GlobalGAP sẽ được mở rộng trong toàn huyện Cai Lậy và ở các huyện khác trong tỉnh cũng như trong sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn nhằm tăng lợi nhuận cho nông dân địa phương. Cũng có kết quả tương tự như tỉnh Tiền Giang là các mô hình sản xuất lúa GAP ở Hậu Giang, An Giang,…
Hiệu quả chung nhất của sản xuất lúa theo GAP thành công trong thời gian qua là có sự liên kết “4 nhà”, nhất là trong khâu bao tiêu sản phẩm. Nhờ thế, nông dân không phải lo tìm đầu ra, không bị thương lái ép giá. Đồng thời, hiệu quả của sản xuất lúa theo GAP không những nâng cao giá trị lúa gạo, mà còn như được cung cấp một “hộ chiếu” để xâm nhập sâu vào thị trường lúa gạo cao cấp trên thế giới thuận lợi hơn.
Chẳng hạn như gạo có mùi thơm đặc sản nổi tiếng của Sóc Trăng mang tên ST đã có mặt trên thị trường trong nước và nước ngoài. Việc cấp chứng nhận gạo đạt chuẩn GlobalGAP sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh và khẳng định vị trí của lúa gạo Sóc Trăng trên khắp các thị trường trong nước và thế giới.
Tuy nhiên, nhìn chung quy mô vẫn còn quá ít ỏi mà nguyên nhân chủ yếu là nông dân chưa được tổ chức, đào tạo tập huấn và nhất là chưa có đầu ra cho sản phẩm rộng rãi theo tiêu chuẩn GAP này. Vì sản xuất lúa gạo theo hướng GAP không phải dễ dàng mà phải tuân theo những quy định rất khắc khe như phải thực hiện 238 điều kiện, trong đó có 140 điều nông dân bắt buộc phải đáp ứng theo yêu cầu.
Chẳng hạn việc sử dụng thuốc BVTV phải theo quy định không gây độc hại và tồn lưu chất độc hại trên sản phẩm, đất và nước của vùng sản xuất không bị ô nhiễm các kim loại nặng hoặc vi sinh vật gây bệnh, sản phẩm sau sản xuất phải được kiểm nghiệm và công nhận. Vì vậy, sản phẩm GAP đầu tư cao nên việc tiêu thụ không thuận tiện sẽ làm cho sản xuất gặp khó khăn gấp nhiều lần.
TS Nguyễn Công Thành
(Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam)
Theo Nông thôn ngày nay

Tin khác