Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn: Thủ tục còn rườm

08/02/2012

Được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, một số doanh nghiệp, trang trại trên địa bàn huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã vượt qua khó khăn trong bối cảnh tín dụng khó khăn.

Giữa năm 2009, trong bối cảnh tình hình kinh tế suy giảm, để giảm thiểu tác động, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn huyện Kinh Môn đã phải cắt giảm lao động. Công ty Sơn Thái đóng trên địa bàn xã Hiệp An cũng nằm trong tình trạng này.
Được tiếp sức vốn ưu đãi, công nhân Công ty Sơn Thái tiếp tục có việc làm.
 
Tiếp vốn kịp thời
"Kế hoạch cắt giảm lao động đã sẵn sàng thì tôi nhận được gói tín dụng ưu đãi từ nguồn vốn tín dụng quốc gia giải quyết việc làm vào tháng 10.2009. Tuy số vốn vay chỉ có 400 triệu đồng, nhưng đã tiếp sức kịp thời để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì công ăn việc làm cho người lao động"- anh Mạc Văn Sơn-Giám đốc Công ty Sơn Thái nhớ lại.
Không chỉ duy trì được gần 80 lao động hiện hữu, vượt khó thời điểm khó khăn nhất, trong 2 năm tiếp theo, Công ty Sơn Thái còn mở rộng sản xuất sang các mặt hàng vật liệu xây dựng như cát, đá và tạo thêm hơn 80 việc làm mới. Mức lương công ty trả cho công nhân hiện từ 5-6 triệu đồng/người/tháng, lao động thời vụ có thu nhập 130.000 đồng/người/ngày.
Trang trại nuôi thuỷ sản của anh Nguyễn Văn Quyết ở thôn Dương Nham, xã Phạm Mệnh (Kinh Môn) cũng được tiếp sức đúng thời điểm anh cần vốn nhất.
Anh Quyết kể lại: "Giữa năm 2009, tu bổ, xây dựng xong bờ bao cái ao diện tích 1 mẫu thì tôi cạn vốn. Thời vụ thả cá đến rất sát thì tôi được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kinh Môn cho vay 100 triệu đồng. Số tiền này đã giúp tôi mua hàng chục vạn con giống và hàng chục tấn thức ăn".
Từ năm 2009 đến nay, bên cạnh nuôi ba ba, cá thuần, gia đình anh Quyết đã nuôi cá rô đồng thương phẩm. Với cá rô đồng, mỗi năm anh Quyết nuôi 2 lứa với tổng sản lượng đạt trên 12,5 tấn, bán 35.000-38.000 đồng/kg, doanh thu đạt tới gần 400 triệu đồng…
Thủ tục vay còn rườm rà
Cho vay vốn giải quyết việc làm là một trong những chương trình tín dụng ưu đãi tác động khá rõ tới việc tạo công ăn việc làm, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng cho tới nay quy mô, tốc độ tăng trưởng lại rất chậm.
Ông Nguyễn Duy Thanh - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kinh Môn cho biết: "Tổng dư nợ 6 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện Kinh Môn là hơn 194 tỷ đồng, nhưng nguồn vốn cho vay chương trình giải quyết việc làm chỉ vỏn vẹn có hơn 6,6 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn huyện mới chỉ cho vay 7 trang trại”.
Để đáp ứng nhu cầu vốn, Phòng giao dịch đã sử dụng nguồn huy động tiết kiệm để cho vay. Ông Vũ Tuấn Hùng - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Hà cho hay: Chương trình cho vay giải quyết việc làm, mức cho vay đối với hộ sản xuất cá thể hiện nay chỉ là 30 triệu đồng nên rất khó để tạo được nhiều việc làm ổn định.
Tổng dư nợ 8 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh Hải Dương hơn 1.950 tỷ đồng với 143.500 khách hàng, trong đó dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm chỉ có hơn 70 tỷ đồng, chiếm chưa tới 3,6% tổng dư nợ, giải quyết vốn cho 1.530 khách hàng.
Nguồn: NHCS Hải Dương
Thêm vào đó, thủ tục vay rất rườm rà. Chẳng hạn, để giải ngân được vốn, phải có phiếu thẩm định của các cơ quan đoàn thể, cơ quan quản lý về lao động việc làm. Nhiều khi, không phải lúc nào phiếu thẩm định của các cơ quan này cũng đáp ứng được tính kịp thời với nhu cầu bức thiết của đối tượng vay vốn".
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/75695p1c25/ho-tro-doanh-nghiep-vay-von-thu-tuc-con-ruom.htm


Tin khác