Lời giải cho thách thức kinh tế toàn cầu

09/02/2012

Cách đây vài năm, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới họp thường niên tại Davos, một sáng kiến quan trọng được đưa ra lấy tên là “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” với sự tham gia của nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhiều tổ chức phát triển của thế giới. Mục tiêu của sáng kiến này có thể tóm tắt là: trong 10 năm, cố gắng tăng sản lượng nông nghiệp lên 20% trong khi giảm 20% tỷ lệ đói nghèo và giảm 20% mức phát thải các- bon.

Đây là cách thức mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới- biểu tượng của sự liên kết công - tư toàn cầu trả lời thách thức lớn mà loài người đang phải đương đầu về vấn đề nông nghiệp. Năm 2012, thách thức về lương thực, thực phẩm đối với thế giới càng trở nên gay gắt.
Dân số thế giới đã lên tới con số 7 tỷ người. Đất nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc vừa có ngưỡng dân số đô thị vượt qua dân số nông thôn; trong khi đó vẫn còn 1 tỷ người trên hành tinh không được tiếp cận đầy đủ với lương thực và cân đối dinh dưỡng. Để vượt qua những thách thức đó cần có một nỗ lực đột phá trên quy mô toàn cầu.
Từ Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2010, Việt Nam chính thức tham gia vào sáng kiến này tiếp theo nước đi đầu là Tanzannia. Hai năm qua, Việt Nam đã thành lập 5 nhóm phối hợp với sự tham gia của 5 tập đoàn đa quốc gia và các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Từ ngày 25 tháng 1 năm 2012, Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức tại Davos, một thị trấn của Thụy Sỹ có độ cao 1.700m so với mặt biển. Tại diễn đàn, bên cạnh hàng loạt vấn đề nóng bỏng trong chương trình nghị sự như: Khủng hoảng nợ công châu Âu, kinh tế thế giới khó khăn, chống nạn khủng bố…vấn đề nông nghiệp vẫn là một trong những trọng tâm thu hút được sự quan tâm của các đại biểu tham dự diễn đàn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát trình bày tại phiên họp Tầm nhìn mới cho nông nghiệp tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2012 tại Davos, Thụy Sỹ
Ngày 27 tháng 1 năm 2012, diễn đàn đã tổ chức một phiên họp chuyên đề bàn về việc triển khai thực hiện “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp”. Điều đáng chú ý tại cuộc họp này, những cố gắng của Việt Nam được nêu lên như một điển hình xuất sắc cho việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở các nước đang phát triển. Ngoài Tanzania còn có Indonexia và Mexico tham gia vào sáng kiến này và 2 nước nữa bắt đầu triển khai là Ấn Độ và Nigieria. Từ 16 tập đoàn đa quốc gia ban đầu đến nay đã có 26 tập đoàn đa quốc gia tham gia sáng kiến.
Dự phiên họp đặc biệt cho nông nghiệp có 100 đại biểu, trong đó có Tổng thống Tanzania, Bộ trưởng các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ, Mexico, Nigieria, Mỹ, Indonexia, Na Uy, 50 lãnh đạo các công ty, tập đoàn đa quốc gia toàn cầu cùng với sự hiện diện của nhiều tổ chức quốc tế. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát đã cùng với ông Nandu, Phó Chủ tịch tập đoàn Nestle chủ trì phiên họp giới thiệu về kinh nghiệm của Việt Nam.
Bộ trưởng trình bày hoạt động của 5 nhóm công tác cùng kinh nghiệm triển khai của Việt Nam. Nhóm công tác về ngành cà phê đã xây dựng mô hình cả về phát triển trồng trọt và kỹ thuật chế biến trong chuỗi giá trị ở Phú Thọ và đạt tới 30% nông sản được chứng nhận là đạt tiêu chuẩn “Rừng mưa”, một tiêu chuẩn bắt buộc đối với chè xuất khẩu trong hệ thống của tập đoàn Unilever.
Cho đến nay, 10 ngàn tấn chè đã được xuất bán tiêu thụ theo tiêu chuẩn này. Nhóm công tác cà phê đã tiến hành các nghiên cứu ứng dụng mới thông qua hai mô hình trình điễn ở Đăk Lăk và Lâm Đồng. Nhóm rau quả được tập trung triển khai ở Lâm Đồng để thử nghiệm một số giống khoai tây. Nhóm thủy sản đã xây dựng tại Cần Thơ 1 trung tâm giao dịch áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của tập đoàn Metro.
 Hàng trăm hộ nông dân nuôi trồng thủy sản và các doanh nghiệp đã được tập huấn theo tiêu chuẩn này. Nhóm ngành hàng chung đã tiến hành thử nghiệm để giới thiệu ngô biến đổi gen trồng thử nghiệm ở Việt Nam và tiến hành các hoạt động thông tin giới thiệu kỹ thuật mới này cho người sản xuất và tiêu dùng.
Nhìn chung tất cả các nhóm ngành hàng đều cố gắng áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, áp dụng vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông sản và tái cơ cấu nền kinh tế, những nỗ lực của các nhóm công tác đã đi theo đúng hướng nâng cao giá trị nhằm đạt mục tiêu chung là tăng thu nhập cho nông dân và phát triển vững bền với môi trường.
Bộ trưởng Cao Đức Phát (ngồi giữa) Tổng thống Tanzania và tỷ phú Bill Gates trong phiên họp Tầm nhìn mới cho nông nghiệp tại Davos
 
Tuy mới ở những bước đi đầu tiên nhưng hoạt động tương đối đều tay của 5 nhóm công tác đã thể hiện sự cam kết và nỗ lực của cả nông dân- doanh nghiệp- nhà nước. Trong năm vừa qua, khi triển khai “ Tầm nhìn mới trong nông nghiệp”, một nội dung mới đã xuất hiện. Đó là biện pháp hỗ trợ tài chính cho nông dân thông qua hoạt động tín dụng ở cơ sở. Hưởng ứng yêu cầu quan trọng này, tổ chức phát triển nông nghiệp quốc tế IFAD và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng bàn thảo để đưa giải pháp này phát triển lên thành nhóm hoạt động thứ 6 kết hợp với 5 nhóm công tác đã hình thành từ trước đó.
Tại Diễn đàn Davos năm nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát sau khi điểm lại các hoạt động của Việt Nam thời gian qua đã nêu lên định hướng các công tác chính sẽ bắt đầu trong năm 2012 là: đẩy mạnh hoạt động của 5 nhóm ngành hàng và nhóm tín dụng nông thôn mới hình thành, đưa thêm các hoạt dộng nhằm bảo vệ môi trường theo hướng “Tăng trưởng Xanh” vào hoạt động các nhóm. Bắt đầu nghiên cứu và áp dụng các giải pháp để nhân rộng các mô hình cho toàn ngành hàng và xây dựng chính sách, cơ chế để thể chế hóa các sáng kiến này trên quy mô vùng và quốc gia.
Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận bằng một số đề nghị để các đối tác trong diễn đàn cùng tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến. Trước hết là kêu gọi sự tham gia tích cực và chủ động hơn nữa của giới doanh nhân vào cả hoạt động đầu tư, tư vấn kỹ thuật và góp ý xây dựng chính sách.Tạo điều kiện để nông dân tham gia hiệu quả hơn vào các hoạt động sản xuất và phát triển. Có sự hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức phát triển quốc tế cho sự phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Những đề nghị này đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ các đại biểu tham dự diễn đàn.
Trong các phần tiếp theo của phiên họp, rất nhiều ý kiến đã đánh giá những việc đã thực hiện ở Việt Nam như một hướng đi tích cực và có triển vọng để thực hiện “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp”. Các kiến nghị tại diễn đàn sẽ được đưa vào nội dung các cuộc họp G8 và G20 sẽ nhóm họp trong năm nay. Những cuộc gặp gỡ, các ý kiến đề xuất, được các nhà kinh doanh, nhà đầu tư, các tổ chức phát triển đề nghị với phái đoàn Việt Nam chứng tỏ triển vọng thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển nông nghiệp, đồng thời mở ra cánh cửa để nông sản Việt Nam tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam đã trải qua thời kỳ sôi nổi đầu tư FDI vào các khu công nghiệp và các hoạt động dịch vụ với nhiều bài học đắt giá được đúc rút về môi trường, hiệu quả kinh tế và tác động xã hội. Đồng thời trong giai đoạn phát triển vừa qua, đầu tư xã hội nói chung và đầu tư nước ngoài cho nông nghiệp là rất ít ỏi. Để nắm bắt được cơ hội mới đầu tư vào nông nghiệp, Việt Nam phải đưa ra các quyết sách và chiến lược tổng thể hợp lý và đúng đắn. Nếu làm được như vậy, rất có thể, nông nghiệp sẽ trở thành mũi phát triển đột phá cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đưa đất nước lên một giai đoạn phát triển ổn định, hiệu quả và vững bền.
TS ĐẶNG KIM SƠN  (Gửi từ Davos, Thụy Sỹ)

 


Tin khác