XK nông - lâm - thủy sản tháng đầu năm: Những con số kém vui

15/02/2012

Tháng đầu tiên của năm mới 2012, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) của nước ta sụt giảm mạnh về giá trị kim ngạch. Đây là điều các chuyên gia đã nhận định hồi cuối năm ngoái.

Chế biến cá tra philê xuất khẩu.
Nhiều mặt hàng lao dốc
Theo Trung tâm Thống kê và Tin học (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tháng 1/2012, giá trị xuất khẩu NLTS ước đạt 1,8 tỉ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính đạt gần 1,1 tỷ USD, giảm 19%; thuỷ sản đạt 370 triệu USD, giảm 13,3%; lâm sản 300 triệu USD, giảm 18,2%... Thị trường trong nước, giá các nông sản phục vụ xuất khẩu cũng giảm, đặc biệt là điều, càphê, hồ tiêu. Cụ thể, xuất khẩu càphê ước đạt 170.000 tấn, giá trị kim ngạch 350 triệu USD, giảm 20,9% về lượng và 15,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Theo dự báo của các chuyên gia, trong thời gian tới, giá càphê xuất khẩu có xu hướng giảm.
Với mặt hàng cao su, sau một thời gian các doanh nghiệp Trung Quốc (bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 2/3 giá trị nhập khẩu) tạm ngừng nhập khẩu, giá cao su giảm tương đối mạnh so với hồi đầu năm 2011. Khối lượng cao su xuất khẩu tháng 1 ước đạt 60.000 tấn, thu về 200 triệu USD; giảm 19,3% về lượng và tới 38,7% về giá trị. Một số mặt hàng khác như chè, tiêu cũng giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Viết Chiến, Giám đốc Trung tâm Thống kê và Tin học nhận định, nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu nông sản sụt giảm là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhất là khủng hoảng tại châu Âu, bởi đây là thị trường lớn của Việt Nam.
Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải khẳng định, 2012 là năm đầy khó khăn, thách thức đối với tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Tình hình chính trị, xã hội khu vực châu Phi và Trung Đông có nhiều phức tạp, sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khủng hoảng nợ công đang lan rộng, có nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái, khiến kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động.
Chú trọng xuất khẩu thủy sản, điều
Trong hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu, chỉ có thủy sản và điều được coi là có tương lai sáng sủa hơn cả, mặc dù tháng 1, ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 370 triệu USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ. Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2012 ước đạt hơn 6,6 tỷ USD, đặc biệt, nếu gặp thuận lợi trong sản xuất và thị trường tiêu thụ thì mặt hàng cá tra có thể mang lại hơn 1,9 tỷ USD. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tiến tới kết thúc “có hậu” này, ngành thủy sản phải lấy châu Á là mục tiêu chính trong năm 2012 vì trước hết phải kể đến lợi thế về vị trí địa lý, tiếp đó là nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở khu vực này vẫn cao, khả năng thanh toán tốt.
Mặt hàng điều cũng được đánh giá là có nhiều cơ hội, nhưng cũng không tránh khỏi nỗi lo về thị trường. Tuy vượt qua Ấn Độ, trở thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều, song vị trí này của Việt Nam còn bấp bênh do nguồn lao động và nguyên liệu không ổn định, độ đáp ứng về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của các doanh nghiệp còn yếu. Theo thống kê, xuất khẩu điều tháng 1 ước đạt 12.000 tấn, kim ngạch 98 triệu USD, giảm 12% về khối lượng, còn giá trị xấp xỉ cùng kỳ năm 2011.
Ông Hải cho rằng, kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm là do lượng xuất khẩu của đa số các mặt hàng giảm mạnh, nhưng thực tế cho thấy, giá xuất khẩu tương đối ổn định. Tuy nhiên, nếu xét theo nhóm hàng so với cùng kỳ năm ngoái thì nhóm hàng NLTS ước đạt 1,24 tỷ USD, giảm 29,4%, trong đó càphê giảm gần 40%, gạo giảm 53,4%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 42,2%. Duy nhất có hồ tiêu là tăng trưởng dương.
Còn xét về giá, so với cùng kỳ, hầu hết các mặt hàng trong nhóm NLTS có giá tương đương, chỉ có cao su là giảm mạnh do Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu. Riêng giá hạt tiêu tăng mạnh, làm kim ngạch mặt hàng này tăng 50,6%. Do vậy, Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp khai thác nhiều hơn nữa tiềm năng mậu dịch biên giới.
Một trong những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay chính là thiếu vốn, song đầu tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã khuyến khích Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tăng cường vốn vay cho ngành nông nghiệp, thậm chí có thể chiếm 75-80% tổng vay nợ, một số ngân hàng khác có thể lên đến 20%. Đây được coi là tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, nguyên nhân của sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu tháng 1 là do các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gặp khó khăn về thị trường và giá có xu hướng giảm. Ngoài ra, do nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nên thực tế các giao dịch mua bán chỉ diễn ra trong khoảng 20 ngày của tháng này.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã có phương án tái cơ cấu ngành trong những năm tới. Theo đó, ngành sẽ tập trung vào 3 sản phẩm chủ lực: thủy sản, chăn nuôi và lâm nghiệp. Trong từng lĩnh vực sẽ tìm ra cây, con có lợi thế, giá trị gia tăng cao nhất để tập trung đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, hệ thống tiêu chuẩn có xác nhận nhằm nâng giá bán, gia tăng giá trị xuất khẩu.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/2/32619.html


Tin khác