Bảo quản sau thu hoạch hải sản kém: Mất 8.000 tỷ đồng/năm

22/02/2012

Ước tính, mỗi chuyến biển của ngư dân có khoảng 20 - 30% sản lượng khai thác (tàu lưới kéo bảo quản bằng ướp muối) bị tổn thất. Như vậy, mỗi năm cả nước mất trên dưới 400.000 tấn hải sản, tương đương 8.000 tỷ đồng.

Thu hoạch hải sản ở cảng cá Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn-Bình Định.)
Vẫn dùng đá ướp cá
Vùng biển tỉnh Khánh Hòa có nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế, sản lượng khai thác trên 70.000 tấn/năm. Tuy nhiên, việc bảo quản sản phẩm sau khai thác của ngư dân vẫn còn thô sơ (ướp đá). Vì thế, sản lượng thủy sản xuất khẩu hàng năm chỉ đạt 40- 50%. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Khánh Hòa, toàn tỉnh có 150 cơ sở thu mua thủy sản và nhà máy chế biến, trong đó có 121 cơ sở chưa có hệ thống bảo quản sản phẩm, chỉ dùng đá cây để bảo quản.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện cả nước có gần 130.000 tàu cá các loại, song phần lớn là tàu có kích thước nhỏ, được đóng theo mẫu dân gian, điều kiện bảo quản sản phẩm sau khai thác không tốt. Hơn nữa, vì tàu nhỏ nên thường thiếu mặt bằng để lựa chọn, phân loại sản phẩm.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Oai, Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết, lâu nay ngư dân chủ yếu bảo quản thủy sản bằng nước đá lạnh, nhiệt độ giao động từ 0oC – 5oC, thời gian bảo quản cho phép không quá 10 ngày. Đá sử dụng hầu hết là đá xay có kích cỡ khác nhau; một số địa phương, nước đá có chất lượng thấp, độ lạnh chưa sâu dẫn đến thời gian bảo quản ngắn. Do vậy, những loài tôm, cá, mực có giá trị cao thường được xếp trong các khay hoặc thùng riêng, song lượng sản phẩm nhiều hơn định mức dẫn đến cá bị bầm giập, tạo điều kiện cho vi khuẩn thâm nhập sâu vào thịt cá, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm...
Mặt khác, nhiều tàu không có thiết kế hầm bảo quản sản phẩm hoặc có nhưng chỉ là hầm với những vật liệu đa dạng, không đảm bảo cách nhiệt tốt như gỗ tấm, xốp miếng ghép.
Tổ chức lại sản xuất trên biển
Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm tổn thất sau khai thác hải sản trên các tàu cá. Trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tổ chức lại sản xuất trên các vùng biển, như tăng cường chất lượng dự báo ngư trường, chỉ đạo khai thác hải sản theo mùa vụ (vụ cá Bắc, cá Nam), tổ chức lại công tác hậu cần dịch vụ phục vụ khai thác, xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác trên biển. Đặc biệt, việc tổ chức sản xuất trên biển theo tổ, đội, kết hợp tàu khai thác với tàu thu gom, vận chuyển, tàu mẹ, tàu con; kết hợp giữa chủ tàu khai thác với các tổ chức, cá nhân thu mua, tiêu thụ sản phẩm đã mang lại kết quả khả quan.
Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2011, tổng sản lượng khai thác hải sản đạt trên 2 triệu tấn, trong đó, sản lượng khai thác xa bờ chiếm trên 40%; tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,1 tỷ USD. Để khai thác thuỷ sản đạt hiệu quả, năm nay, Bộ sẽ tăng cường tuyên truyền và đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thuỷ sản. Cùng với đó là ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất, lắp ráp các loại máy móc, thiết bị, dây truyền xử lý, bảo quản sản phẩm; vật tư chuyên dùng cho chế biến, bảo quản, thu gom và vận chuyển thủy sản trên biển.
Vì sao ngư dân khó tiếp cận?
Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản đã triển khai được gần 2 năm nhưng đến nay theo phản ánh của các địa phương, ngư dân gần như không tiếp cận được với chính sách này.
Khai thác thủy, hải sản là một thế mạnh của tỉnh Bình Thuận. Vì thế, số lượng tàu đánh bắt hải sản ngày càng tăng. Chỉ tính riêng số tàu, thuyền có công suất từ 250CV trở lên Bình Thuận đã có 136/38.306 chiếc. Đây là những tàu được trang bị đầy đủ phương tiện, máy móc thiết bị làm lạnh, cấp đông, hầm cấp đông, bảo quản sản phẩm... Do vậy, nhu cầu vay vốn theo diện được hưởng chính sách hỗ trợ của Quyết định 63 khá cao. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, toàn tỉnh Bình Thuận mới có 938 hộ và 2 hợp tác xã đăng ký nhu cầu vay vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất với tổng vốn khoảng 90 tỷ đồng nhưng cũng mới chỉ giải ngân được 2 hộ với số vốn 480 triệu đồng.
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho rằng, do địa phương chưa phổ biến, hướng dẫn đầy đủ, kịp thời đến tận nơi và đúng các đối tượng có nhu cầu thực sự nên Quyết định 63 chưa thực sự đi vào cuộc sống. Song nguyên nhân quan trọng nhất có lẽ chính là do máy móc để người dân mua thường không đáp ứng được điều kiện “giá trị sản xuất trong nước đạt trên 60%”. Mặt khác, thời gian quy định cho vay dài hạn và chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tham gia cho vay là chưa phù hợp. Bởi thực tế thấy, một số loại máy móc giá thấp, thu hồi vốn nhanh, không cần phải vay vốn dài hạn.
Để giải quyết vướng mắc này, Cục Chế biến thương mại nông - lâm - thuỷ sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, thời gian tới, Cục sẽ đẩy mạnh tuyên truyền Quyết định 63 đến các doanh nghiệp thu mua, chế biến hải sản, các chủ thuyền và ngư dân. Đồng thời, phối hợp với các ngân hàng để có thông tin, hướng dẫn cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn. Cùng với đó là thông báo danh sách các doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và danh mục các loại máy móc đáp ứng đủ các điều kiện quy định của Quyết định 63.
Thiết nghĩ, các doanh nghiệp cũng cần tổ chức giới thiệu sản phẩm, trình diễn các máy móc, thiết bị bảo quản sản phẩm sau thu hoạch như thiết bị làm đá, cấp đông, hầm bảo quản sản phẩm trên tàu cá để các đối tượng có nhu cầu sớm tiếp cận... Qua đó giúp các doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm, vượt qua khó khăn.
 
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2012/2/32705.html


Tin khác