Tái cấu trúc mạnh mẽ: Lối thoát hẹp trong gian khó

23/02/2012

Năm 2011 khép lại với những “dư âm” khó khăn, gánh nặng nợ nần và tín dụng. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tình hình khó khăn sẽ chưa thể chấm dứt trong ngày một ngày hai và quyết sách hàng đầu hiện nay là chúng ta phải tìm được lối thoát hẹp trong gian khó. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới).

Lựa chọn hàng Việt cũng là một cách góp phần vào sự phát triển của đất nước trong thời điểm kinh tế khó khăn.
Thưa ông, theo ông đâu là những vấn đề nổi cộm của kinh tế thế giới trong năm 2011?
2011 có thể xem là năm không may của nền kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng nợ công nhen nhóm từ cuối năm 2010, đến tháng 3/2011 chính thức bùng phát khiến cả thế giới khốn đốn. Tiếp ngay sau đó là khủng hoảng thiên tai, hạt nhân ở Nhật Bản cũng giáng đòn mạnh vào kinh tế thế giới. Chưa hết bàng hoàng, chúng ta lại chứng kiến cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, tiêu biểu là Libya, khiến cho giá dầu tăng từ 86USD lên hơn 110USD/thùng. Chưa qua cơn vất vả đầu năm, tháng 7/2011 bắt đầu nỗi ám ảnh mang tên nợ công, trong đó trần nợ công của Hoa Kỳ thu hút sự chú ý nhất. Cách làm việc thiếu trách nhiệm của Standard & Poor’s khi hạ bậc tín dụng của trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ khiến cả thế giới lo âu và căng thẳng. Ngay lập tức, tín dụng thế giới sụt 5 – 6% trong ngày. Mất niềm tin, mọi thứ trở nên rối ren, lập tức các nhà đầu tư rút hết tiền về phòng thủ. Tiền nằm một chỗ đồng nghĩa với việc không có sản xuất, không tạo việc làm, không tăng trưởng.
Tháng 9, châu Âu bắt đầu khủng hoảng khi Hy Lạp đối mặt với khó khăn phải trả nợ mấy chục tỷ đô la Mỹ. Các nhà đầu tư cho rằng, Hy Lạp không giải quyết được nợ nần thì Italia cũng nguy cấp nên họ không mua trái phiếu của Italia. Trong khi hai nước này chao đảo thì cả thế giới ngồi chờ họ bầu thủ tướng mới, phê duyệt nội các mới, trình bản kế hoạch mới,… Khi châu Âu quyết định dùng Ngân hàng Trung ương châu Âu để giải quyết sự việc thì lại vướng hiến pháp chung. Các “trùm” nhận thấy, nếu đợi cải cách hiến pháp thì quá lâu nên phải dùng hiệp ước tài chính, cho phép sử dụng khoản tiền nhất định để hỗ trợ các nước khó khăn…
Theo dự đoán của ông, thời điểm nào thế giới mới thực sự thoát khỏi cuộc khủng hoảng này?
Năm 2012, thế giới còn đối mặt với nhiều nguy cơ nên sự bất ổn chưa hết sớm, theo tôi, tình trạng sẽ kéo dài ít nhất đến hết quý II/2012. Sang quý III may ra mới có những động thái thay đổi rõ ràng. Chúng ta phải nhận thức được đây là cuộc khủng hoảng trăm năm một lần nên chưa thể thoát khỏi trong một vài năm và phải có tư thế chuẩn bị để ứng phó.
Thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới.
Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào từ cuộc khủng hoảng nợ công và chúng ta sẽ làm gì để ứng phó hiệu quả trước khó khăn?
Rất mừng là hai chỉ số cơ bản ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu đều tốt, thậm chí xuất khẩu rất tốt, tăng trưởng 33 – 34%. Có được thành tích này là do chúng ta chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu nên vẫn bán được ổn định.
Thực tế là, dù kinh tế khó khăn, người lao động có bị giảm thu nhập nhưng họ cũng không thể cắt giảm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Khi kinh tế khó khăn, dòng vốn sẽ tìm đến nơi sinh lợi nhiều và Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn. Chúng ta nên ý thức sâu sắc một điều, vốn vào nhiều hay ít là do cơ chế, chính sách và cách làm thực tế nên hơn bất cứ lúc nào, ngay bây giờ chúng ta phải tận dụng những cơ hội hiếm hoi trong hoàn cảnh gian khó.
Vấn đề cốt lõi nhất mà chúng ta phải làm thời điểm này là gì, thưa ông?
Ta phải tranh thủ thay đổi và điều chỉnh bản thân mình để khi thế giới quay lại đà tăng trưởng, ta sẽ có cỗ máy tốt hơn để tăng trưởng cao, kiếm lời nhiều. Tái cấu trúc phải rất căn bản, cốt yếu nhất là từ khu vực tài chính. Rõ ràng là mỗi lần khó khăn chúng ta lại mang ngoại tệ dự trữ ra giải quyết, làm được bao nhiêu lại chi tiêu hết mà không còn tích lũy. Chúng ta phải mạnh tay và quyết liệt hơn với vật cản lớn – doanh nghiệp Nhà nước và cổ phần hóa chỉ là một phần. Tôi thấy việc tái cấu trúc quá chung chung. Nên chăng chúng ta thực hiện một quy tắc của kinh tế thị trường đơn giản nhất, rõ ràng nhất là phá sản. Không cho phá sản là giải quyết nửa vời. Muốn có cấu trúc kinh tế vững vàng thì phải chỉnh đốn mọi bộ phận. Đây là cơ hội ngàn vàng, khi thế giới khó khăn, ta tranh thủ tăng thêm sức mạnh cho mình để sau đó bắt kịp với đà tăng trưởng trở lại. Không thể mang một cỗ xe cũ ra chạy với tốc độ cao để chịu sụp đổ.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/2/32744.html


Tin khác