"Bão" vỡ nợ cà phê ở Tây Nguyên: Phải trị bệnh từ gốc

23/04/2012

Đa số cà phê ký gửi ở Tây Nguyên cho phép doanh nghiệp sử dụng “tùy tâm - tùy ý - tùy thích”, nên chuyện vỡ nợ là điều tất yếu.

Những đại lý… từ trên trời rơi xuống!
Khi tiếp nhận tài liệu của một số đại lý cà phê vỡ nợ ở huyện Đak Mil, tỉnh Đăk Nông, chúng tôi đã đến Văn phòng luật sư THT, Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk, để nhờ phân tích những lỗ hổng trong các chứng từ này.
Ngoài chỉ ra các thiếu sót rất nguy hiểm trong giao dịch, cho phép đại lý tùy tâm, tùy ý, tùy thích quyết định tài sản của nông dân, các luật sư còn đặt vấn đề: Các đại lý này là thành viên của công ty cà phê nào? Theo các luật sư, việc này là rất quan trọng, bởi phải là đại lý thật sự, mới có thể xem xét một cách thấu đáo trách nhiệm của đại lý, của doanh nghiệp.
Luật sư Tạ Quang Tòng, Văn phòng Luật sư THT phân tích: "Làm đại lý thật thì phải có một hợp đồng đại lý. Cơ quan chủ quản của đại lý phải chịu trách nhiệm về đại lý của mình. Tuy nhiên, các đại lý này có làm đại lý cho ai không? Hay là họ dựng lên một cái gọi là đại lý. Có gì để đảm bảo cho giao dịch với người dân được thực hiện một cách chặt chẽ từ đầu đến cuối? Có điều, gửi vào là nhanh nhất, nhưng lấy ra thì không biết đến bao giờ”.
Thực tế là có rất ít cơ sở thu mua cà phê ở Đắk Lắk và Đắk Nông làm đại lý chính thức cho một doanh nghiệp nào đó và tuân thủ các quy trình làm đại lý như quy định của pháp luật. Đa phần các cơ sở này coi khái niệm “đại lý” như thứ từ trên trời rơi xuống, đem lắp lên bảng hiệu, lên chứng từ của mình, mà không cần tuân thủ các quy định liên quan đến việc mở đại lý.
Nông dân gửi hàng cho đại lý "trên trời" và... đi đòi nợ
Và tất nhiên, các đại lý chẳng tội gì phải làm cái việc thừa ấy, vì không tuân quy định, “đại lý” của mình vẫn hoạt động bình thường, vẫn vô tư nhận cà phê ký gửi của nông dân.
Trải nghiệm từ những “thân chủ” của mình - tức là các nạn nhân của vỡ nợ cà phê muốn khởi kiện, đòi lại tài sản, Luật sư Tạ Quang Tòng cho rằng, mức độ rủi ro trong giao dịch ký gửi này quá cao. “không cần phải kinh doanh khó khăn, không cần cà phê trượt giá, chỉ cần chủ đại lý thua một canh bạc, trượt một “kèo” cá độ, thì tài sản của nông dân đã có thể “coi như xong” – ông Tòng cho hay.
Lợi nhuận cám dỗ, không ai tuyệt đối đáng tin
Không chỉ các luật sư mới nhìn thấy những nguy cơ trong giao dịch ký gửi cà phê hiện nay. Các doanh nhân cũng tự thấy môi trường giao dịch này thật sự không ổn.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Anh Minh, 1 trong 3 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, ông Phan Hùng Anh, cho rằng các đại lý luôn chịu sự cám dỗ rất lớn bởi yếu tố lợi nhuận. Bất kỳ doanh nghiệp nào, dù lớn, nhỏ, hay hộ cá thể mà nhận cà phê ký gửi của nông dân một cách tự do, thì việc lạm dụng, như đầu cơ, “đánh quả” là điều khó tránh khỏi. Và vì thế, sớm muộn cũng lại dẫn chuyện nông dân mất tài sản vì đại lý, doanh nghiệp vỡ nợ. Và cũng vì vậy, không doanh nghiệp nào là tuyệt đối đáng tin để nông dân ký gửi tài sản của mình.
Quan điểm này được Luật sư Tạ Quang Tòng chia sẻ bằng một thực tế: Không phải đại lý tự do mới vỡ nợ. “Tôi đã từng tiếp nhận một trường hợp đại lý chỉ định đàng hoàng, đã làm sai nguyên tắc, không chuyển cà phê ký gửi của dân về công ty mẹ; tự ý đầu cơ, rồi thất bại, vỡ nợ. Nhưng nông dân cũng có đòi được tài sản đâu” – ông Tòng dẫn chứng.
Ông Tạ Văn Toàn, Chủ nhiệm HTX Minh An, huyện Đắk Mil, Đắk Nông (từng nhận cà phê ký gửi và vỡ nợ cách đây mấy năm), cũng thừa nhận: Kiểu hoạt động của các doanh nghiệp cà phê hiện nay rất không ổn. Ông Tạ Văn Toàn cho biết: “Ký gửi hàng là một bất cập. Thiếu vốn, nhà cung ứng đã phải bán hàng ký gửi của dân để hoạt động. Giá cả bấp bênh làm nhà cung ứng thua lỗ, nông dân mất tài sản. Nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ, đổi mới thì các đại lý sẽ tiếp tục đi vào đường hầm không lối thoát”.
BCEC: Liều thuốc “3 trong 1”?
Trong cảnh “dầu sôi lửa bỏng” của vỡ nợ cà phê, mọi người lại nhìn tới Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Thuột (BCEC) mà cám cảnh. Được đầu tư hàng chục tỷ đồng, tọa lạc tại thủ phủ cà phê của Việt Nam, gánh trên vai kỳ vọng hiện đại hoá giao dịch cà phê ở Việt Nam, nhưng sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, lượng giao dịch qua trung tâm vẫn gần như là điều điều bí mật. Bí mật, bởi nếu công bố ra, sự quá ít ỏi của những giao dịch khiến người ta thấy ngượng.
8.000m2 kho, 5.000m2 nhà xưởng (tổng công suất tương đương 150.000 tấn/năm) đang bị… nhện giăng. Sự hỗ trợ tài chính của Techcombank, hỗ trợ kỹ thuật của Cafe Control, hầu như chưa được dùng đến. Chọn lựa “đổi mới hay là chết”, đang thúc vào lưng trung tâm này.
Giám đốc BCEC, ông Nguyễn Tuấn Hà nói rằng, đổi mới mà BCEC cần là đổi mới về cơ chế, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của trung tâm và hoạt động giao dịch cà phê nói chung. Cơ chế này phải do Trung ương đề ra thì mới đủ sức nặng pháp lý để cộng đồng cà phê công nhận. Thế nhưng hiện nay, Trung tâm vẫn do tỉnh quản lý. Mà tỉnh ban hành cơ chế thì không đủ sức thuyết phục.
Và vì thế, thị phần cà phê ký gửi vẫn thuộc về các đại lý cấp thôn, cấp xã, cấp huyện; tình trạng đại lý vỡ nợ-nông dân trắng tay vẫn dai dẳng đến tận bây giờ.
Theo ông Phan Hùng Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Anh Minh, sự bất lực của BCEC là vô cùng lãng phí và đáng tiếc, vì đơn vị này đang nắm giữ liều thuốc trị bệnh “tùy tâm-tùy ý- tùy thích” của các doanh nghiệp và đại lý cà phê.
“BCEC là đơn vị Nhà nước, là trung tâm môi giới, nên nó không bị cám dỗ bởi lợi nhuận, mức độ đáng tin là gần như tuyệt đối. BCEC còn được Techcombank bảo lãnh tài chính, nên có thể cho nông dân ký gửi được vay vốn, nên cũng rất thuận lợi”, ông Phan Hùng Anh đánh giá.
Vấn đề bây giờ là khắc phục những bất cập trong tổ chức bộ máy, cụ thể là phải thành lập các thành viên môi giới tại cơ sở, giống như các đại lý cà phê bây giờ, để nhận cà phê ký gửi của nông dân. Điểm khác là các đơn vị môi giới này được cấp chứng nhận thành viên, chịu sự quản lý toàn diện, và hoạt động theo quy trình mà BCEC xây dựng. Mặt khác, cần nghiêm cấm hoạt động nhận ký gửi một cách tự do như các đại lý hiện nay.
Ông Phan Hùng Anh đề xuất: “Cần nghiêm cấm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh không phải là thành viên của BCEC, tức là chỉ BCEC mới là đơn vị có chức năng nhận ký gửi. Các doanh nghiệp không là thành viên, không có chứng nhận thì không được nhận. Đề nghị bà con nông dân chỉ đem ký gửi tại BCEC hoặc các đại lý thành viên ở cấp huyện, xã. Khi bà con đem đến, sẽ được cấp một cuốn sổ. Và chỉ cần cầm sổ đó, bà con có thể tới Trung tâm hoặc các đơn vị thành viên bán sản phẩm và nhận tiền bất kỳ lúc nào”.
Giữa đề xuất và hiện thực hóa đề xuất là một khoảng cách xa. Nhưng nếu được quan tâm, đây sẽ là liều thuốc trị được cả 3 bệnh: Sự ốm yếu của BCEC, sự tùy tiện của giao dịch ký gửi cà phê, tạo sự thuận tiện và an toàn rất cao cho nông dân trong việc bán, ký gửi sản phẩm và vay vốn trên cơ sở ký gửi sản phẩm của mình, chấm dứt những trận “bão vỡ nợ cà phê” như đã từng xảy ra./.
Theo VOV Online

Tin khác