Điều hành tiêu thụ đường: Rối như tơ vò

04/06/2012

Bộ Công Thương vừa chính thức có ý kiến gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị bác đề xuất của Bộ NNPTNT về việc thực hiện thu mua tạm trữ 200.000 tấn đường..

Việc này cho thấy hoạt động điều hành tiêu thụ đường đang rối như tơ vò, khi mỗi bộ có một quan điểm khác nhau
Không tạm trữ, không xuất khẩu
Lý do mà Bộ Công Thương đưa ra kiến nghị không cho tạm trữ đường là các doanh nghiệp (DN) sản xuất đường hiện đã bớt khó khăn khi lãi suất ngân hàng giảm, đồng thời mức tiêu thụ trong nước tăng khoảng 90% so với tháng 3 và 200% so với cùng kỳ 2012. Dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Theo Bộ NNPTNT, lượng đường tồn kho hiện nay lớn nên các nhà máy đang phải sản xuất cầm chừng
Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, cơ chế tạm trữ đường do Bộ NNPTNT đề xuất chưa làm rõ được đối tượng được hỗ trợ cũng như chưa có giải pháp đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà máy đường, nông dân và DN sử dụng đường làm nguyên liệu...
Với những lý do trên, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép thực hiện tạm trữ đường và không cho xuất khẩu đường qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới với số lượng 100.000 tấn như Bộ NNPTNT đề xuất. Cần nhắc lại, tháng 3.2012, Bộ NNPTNT đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho các DN sản xuất mía đường vay 3.200 tỷ đồng với lãi suất 0% trong 3 tháng để tạm trữ 200.000 tấn đường và xuất khẩu 100.000 tấn.
Trao đổi với NTNN về vấn đề này, ông Đoàn Xuân Hoà – Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết: “Niên vụ mía đường năm 2011 – 2012, nước ta đã đạt sản lượng đường cao nhất với 1,35 triệu tấn, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, do khó khăn của nền kinh tế đã làm sức mua giảm, dẫn đến lượng đường tồn kho hồi đầu năm còn lớn. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà máy đã phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng trực tiếp tới người trồng mía do DN giảm thu mua”.
Chính vì thế, theo ông Hòa, Bộ NNPTNT đưa ra đề xuất tạm trữ đường vào tháng 3 nhằm mục đích, vừa giải quyết vốn cho DN để đẩy mạnh sản xuất, từ đó DN có vốn thu mua mía với giá ổn định cho người dân; vừa bảo đảm cung- cầu đường trong nước, không bị “chảy” qua biên giới theo con đường không chính thức”.
Cũng theo ông Hoà, dù không được cấp phép, nhưng do khó khăn, nên một số DN vẫn xuất đường sang Trung Quốc với giá rẻ, có khi chỉ 15.000- 16.000 đồng/kg, để có vốn sản xuất. Chỉ tính từ ngày 15.4 đến 15.5, lượng đường mà các nhà máy bán sang Trung Quốc đã lên đến 132.800 tấn, chủ yếu là xuất lậu. Ước tính DN sản xuất mía đường đã xuất lậu tổng cộng tới gần 200.000 tấn đường.
Trả lời câu hỏi của PV NTNN về việc dù có tạm trữ đường, giá thu mua mía vẫn không lên, mà chỉ có lợi cho DN, ông Hòa lý giải: “Sản xuất đường ở nước ta vẫn tập trung ở các hộ cá thể, nên Nhà nước không thể hỗ trợ tới từng người nông dân, mà phải hỗ trợ đầu ra bằng cách hỗ trợ cho DN để họ thu mua mía”.
Loạn dự báo về đường
Nếu hồi đầu năm, Bộ NNPTNT cho rằng, nước ta đang thừa đường, cần tạm trữ, thì hiện lại có nhiều dự báo, đến tháng 8 - 9 tới đây, có khả năng xảy ra thiếu đường, khiến thị trường đường hiện rất “rối”.
Ông Nguyễn Thành Long- Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: “Dù không có con số thống kê cụ thể, nhưng hiện tại đường lậu vẫn tràn vào nước ta qua nhiều con đường khác nhau, ước tính mỗi ngày tới hàng nghìn tấn. Với lượng đường lậu không kiểm soát được như hiện tại, Bộ NNPTNT đưa ra dự báo thiếu đường là không có cơ sở”.
Tuy nhiên, theo ông Long: “Quan điểm của Bộ Công Thương cho rằng chính sách tạm trữ đường không có lợi cho nông dân cũng chưa phải toàn diện. Bởi việc tạm trữ là hỗ trợ DN dự trữ đường cho Nhà nước, góp phần bình ổn giá cả thị trường của mặt hàng này”.
Theo đánh giá của Hiệp hội Mía đường, với lượng đường lậu đang tràn vào nước ta lớn như hiện tại, DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ.
Chỉ tính từ ngày 15.4 đến 15.5, lượng đường mà các nhà máy bán sang Trung Quốc đã lên đến 132.800 tấn, chủ yếu là xuất lậu.
Hiện giá đường đã giảm từ 18.000 đồng xuống 16.000 đồng/kg, thậm chí có nơi chỉ còn 14.000 đồng/kg. Hơn nữa, năm nay do cả Thái Lan và Ấn Độ đều được mùa mía, dự kiến Thái Lan có khoảng 7 triệu tấn và Ấn Độ 4 triệu tấn đường dành cho xuất khẩu. Trong khi đó, các DN xuất khẩu đường của Thái Lan lại không phải chịu thuế nên giá đường xuất sang Việt Nam rẻ hơn đường của các nhà máy trong nước sản xuất rất nhiều.
Mặt khác, một số DN tạm nhập, tái xuất (nhập đường Thái Lan để xuất sang Trung Quốc) có thể tuồn lượng đường đó vào thị trường trong nước, gây khó khăn cho sản xuất và tiêu thụ của các DN mía đường.
Theo Nông thôn ngày nay

Tin khác