Tổ chức lại SX nông nghiệp: Cần làm ngay!

06/06/2012

Việc một số người dùng chất tạo nạc trong nuôi lợn, hay khoai lang giảm giá mạnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cách làm ăn theo phong trào và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của người dân. Hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc giúp bà con tổ chức lại sản xuất.

Thông tin chất tạo nạc có trong thịt lợn đang khiến người chăn nuôi điêu đứng vì giá lợn hơi giảm.
Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ
Việc một số người nuôi lợn sử dụng chất tạo nạc hay chuyện phát hiện chất cấm trong cá điêu hồng tại TP. Hồ Chí Minh đã khiến người tiêu dùng hoang mang vì không biết nên chọn thực phẩm nào cho bữa ăn hàng ngày của gia đình. Nhưng vì sao các loại hóa chất này vẫn được sử dụng, dù đã nằm trong danh mục cấm nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và PTNT?
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Phạm Đức Bình, các cơ quan chức năng ban hành danh mục chất cấm nhập khẩu nhưng lại bỏ ngỏ khâu kiểm tra, kiểm soát nên doanh nghiệp (DN), cá nhân vẫn vi phạm pháp luật. Thực tế là Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường của Bộ Công an vừa thu giữ 1,4 tấn Gold Protein Peptide (SSI) của một DN, do cơ quan chức năng phát hiện chất tạo nạc được trộn lẫn trong lô hàng trên.
Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho biết, hàng năm, Bộ Nông nghiệp và PTNT đều có chương trình kiểm tra, giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN), song do nguồn lực có hạn nên không thể hoàn tất việc kiểm soát ở mọi khâu của quá trình chăn nuôi, trồng trọt.
Để góp phần ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, phân phối sản phẩm nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư 66, yêu cầu các lô hàng TĂCN nhập khẩu đều phải kiểm tra chất lượng. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/7/2012. Nhưng thực tế cho thấy, chất cấm sử dụng được đưa vào nước ta không chỉ qua đường chính ngạch mà còn qua đường tiểu ngạch, thậm chí là nhập lậu. Và theo nhiều chuyên gia, các giải pháp của cơ quan chức năng lâu nay vẫn chỉ dừng lại ở mức chữa cháy, việc kiểm tra, kiểm soát chỉ được tăng cường khi đã xảy ra sự việc. Và như vậy, lệnh cấm của cơ quan chức năng sẽ không có hiệu lực.
Người tiêu dùng có đặc quyền là được lựa chọn hàng hóa, sản phẩm. Nhưng dù có thông thái đến mức độ nào thì họ vẫn khó có thể bảo vệ mình bằng đặc quyền này khi mà các vi phạm ngày càng tinh vi hơn. Vì vậy, người tiêu dùng rất cần những hành động thiết thực của cơ quan quản lý trong việc giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, lực lượng hải quan cần lấy mẫu kiểm tra các loại hóa chất nhập khẩu trước khi thông quan để xác định chúng có trong danh mục cấm hay không, hoặc có bị trộn lẫn những loại chất cấm khác không; mức phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm cũng cần phải được chỉnh sửa, thay vì chỉ phạt hành chính như hiện nay.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần sớm thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm ở thị trường trong nước, chứ không chỉ dừng lại ở thực phẩm, hàng hóa xuất khẩu. Các công ty chế biến thực phẩm, hệ thống thương lái phải có nhật ký thu mua từ nông dân. Điều này sẽ giúp xác định rõ trách nhiệm của các thành phần tham gia trong chuỗi sản xuất; dễ cho cơ quan quản lý khi kiểm tra, kiểm soát…
Tổ chức lại sản xuất
Giá thu mua khoai lang tím Nhật Bản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm mạnh trong thời gian gần đây. Nếu so với thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán thì giá thu mua khoai lang đã giảm 300.000-350.000 đồng/tạ (1 tạ Nam Bộ = 60kg).
Mức tuột giá mạnh trên được lý giải là do diện tích trồng khoai lang tăng đột biến trong năm qua. Còn nhớ năm 2011, lợi nhuận thu được từ việc trồng khoai lang tím cao gấp 10-13 lần so với trồng lúa, khiến nông dân rủ nhau bỏ lúa, đổ xô trồng khoai. Tiêu biểu như tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long), diện tích trồng khoai lang đã tăng từ 4.500ha lên 6.000ha, rồi tiếp tục tăng lên 6.500ha. Với giá bán như hiện nay, người trồng khoai lỗ nặng.
Điệp khúc này không mới, nhưng chúng ta cũng phải hiểu cho tâm lý của nông dân, vì canh tác nông nghiệp có lợi nhuận thấp nên để bảo đảm cho nhu cầu tối thiểu của cá nhân, gia đình, bà con chỉ biết chạy theo những loại nông sản có giá bán cao. Chưa kể là giới thương lái thường ép giá người trồng vì bà con vẫn canh tác nhỏ lẻ, chưa có nguồn cung lớn. Đồng thời, do nguồn lực tài chính hạn chế nên rất khó để người dân đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Do đó, nếu không chấp nhận bán giá thấp để giải quyết lượng nông sản tồn đọng thì bà con cũng không biết làm cách nào.
Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc các cơ quan quản lý cần có những hành động tích cực hơn để giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, theo đó cần hướng tới sản xuất lớn; đầu tư của Nhà nước cho khu vực nông nghiệp, nông thôn cũng cần thay đổi để ngành nông nghiệp có thể làm điểm tựa vững chắc cho nông dân.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác