Tây Nguyên ồ ạt trồng tiêu

18/06/2012

Giá tiêu cao ngất ngưởng khiến cả ngàn hộ nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên đổ xô trồng, thậm chí còn phá luôn cả cà phê để trồng.

Những vườn tiêu trồng mới như thế này đang đua nhau mọc lên ở Tây Nguyên.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Gia Lai, diện tích tiêu của tỉnh này tăng chóng mặt. Từ 4.381ha năm 2007 lên 7.300ha năm 2011 và có thể tăng thêm khoảng 500-700ha nữa trong năm nay. Hai huyện Chư Sê, Chư Pưh tuy vẫn đứng đầu tỉnh Gia Lai về diện tích, sản lượng tiêu với trên dưới 4.000ha, nhưng vị trí này đang bị đe dọa khi nông dân nhiều huyện khác như Đắk Đoa, Chư Prông... cũng đang ồ ạt trồng tiêu.
Giá tiêu thời điểm này lên đến 120.000 đồng/kg khiến ngay cả các “nhà nông tay ngang” là cán bộ, công chức cũng đua nhau tìm mua đất trồng tiêu. Nhiều hecta cà phê già đã bị phá để trồng tiêu. Hiện 1ha đất để trồng tiêu ở vị trí thuận lợi có giá đến 300 triệu đồng. Giá một dây tiêu giống tăng từ 18.000 đồng trước đây lên 25.000 đồng; trụ tiêu bằng bê tông tăng từ 90.000 đồng lên 120.000 đồng. Thậm chí, trụ tiêu bằng gỗ cà chít cũng tăng lên hơn 200.000 đồng/trụ. Với mỗi hecta đất, nông dân phải đầu tư khoảng 400-500 triệu đồng để trồng tiêu. Anh Hường, một nông dân ở Pleiku mới trồng xong 1ha tiêu ở huyện Ia Grai (Gia Lai) cho biết: “Để có 1ha tiêu mới trồng này, tôi phải bỏ ra hơn 600 triệu đồng. May là mua được đất rẻ. Thấy người ta trồng tiêu ngon ăn quá, tôi cũng trồng. Hy vọng là thu lợi lớn...”.
Tiêu là loại cây “đỏng đảnh”, không hề ngon ăn như tính toán thông thường. Niên vụ vừa qua, toàn tỉnh Gia Lai có trên 300ha tiêu bị nhiễm bệnh, nhiều vườn tiêu chết khiến không ít nông dân trở thành con nợ. Một trong những nguyên nhân chính khiến nông dân đổ nợ là thiếu kỹ thuật canh tác, giống không chọn lọc, thổ nhưỡng không phù hợp, thời tiết thất thường... Ông Lê Sỹ Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Chư Sê, cho biết: “Toàn huyện có trên 2.100ha tiêu, diện tích trồng mới ước chừng 100ha. Dù có khuyến cáo về kỹ thuật canh tác, giống, nhưng nhiều nông dân vẫn trồng theo kiểu tự phát”.
Tại tỉnh Đắk Lắk, diện tích tiêu của tỉnh này đến nay đã nằm ở mức trên 6.000ha, dù theo quy hoạch đến năm 2015, Đắk Lắk chỉ có 4.500ha. Các tỉnh khác như Lâm Đồng, Đắk Nông, diện tích tiêu cũng được mở rộng đáng kể. Như vậy, nếu không kiểm soát được diện tích, nguy cơ thừa tiêu, dịch bệnh trên tiêu không kiểm soát được là nhãn tiền, như sự đổ bể, thua thiệt của nhiều nông sản giá trị khác của Việt Nam khi ra thị trường thế giới.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/6/34761.html


Tin khác