Khoảng trống trong kiểm soát rau an toàn

22/06/2012

Kết quả điều tra của VINASTAS và Viện IPSARD, gần 90% người tiêu dùng tại các tỉnh miền Bắc đánh giá rau an toàn (RAT) là quan trọng nhất trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Đa số người tiêu dùng đều chấp nhận mua RAT với mức giá cao hơn rau thông thường từ 10-20% thậm chí đến 50%. Nhưng làm thế nào để mua được sản phẩm RAT, vẫn còn là bài toán khó chưa có lời giải.

Chiều 19/6/2012, Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (IPSARD) phối hợp với Tổ chức VECO, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (CASRAD) tổ chức hội thảo “Khoảng trống trong kiểm soát ATTP hiện nay đối với sản phẩm rau”. RAT trở thành chương trình mục tiêu quốc gia bắt đầu từ năm 2000, ban đầu tập trung tại các vùng ven đô và vùng phụ cận nhằm đápứng cho nhu cầu rau của các thành phố lớn. Đặc biệt là Thành phố Hà Nội từng đề ra mục tiêu đến năm 2010, 100% diện tích rau sản xuất tại ở Hà Nội đủ điều kiện sản xuất RAT. Thế nhưng đến hết tháng 12/2010, trong tổng số 11.650ha của Thành phố Hà Nội mới có 321ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Đến năm 2012, diện tích RAT của Hà Nội không những không tăng lên mà còn giảm đi so với năm 2010. Nhìn rộng ra cả nước, diện tích sản xuất rau có kiểm soát chất lượng trên toàn quốc mới chỉ xấp xỉ 0,1%. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến một sản phẩm có nhu cầu thị trường cao, được Nhà nước tập trung đầu tư nhưng sản xuất không mở rộng được?
TS Trần Công Thắng trình bày tại Hội thảo (Ảnh: AGROINFO)
 
TS Trần Công Thắng, chuyên gia của Viện IPSARD cho biết, khảo sát mới đây của IPSARD cho thấy nhu cầu tiêu dung rau ở khu vực nội thành Hà Nội khoảng 1.500 tấn/ngày. Tuy nhiên sản lượng RAT mới chỉ đáp ứng 14% nhu cầu của người tiêu dùng. Mức tỷ trọng RAT trong tổng chi phí mua rau của các hộ gia đình chiếm từ 20-60%, trong đó lớn nhất là tại quận Ba Đình, tiếp theo là các huyện Từ Liêm, quận Đống Đa, Cầu Giấy. Có tới 92,2% số người tiêu dùng RAT cho rằng RAT bán trên thị trường có chất lượng tốt hơn so với rau thường. Thế nhưng, phần lớn người tiêu dùng không thực sự phân biệt được RAT với rau thường thông qua cảm nhận bề ngoài, đó là nguyên nhân khiến họ không mua RAT. Có 55% số người tiêu dùng kiểm tra chất lượng RAT chỉ căn cứ vào giấy chứng nhận; 29,4% kiểm nghiệm thông qua thực tế tiêu dùng; 5,9% dựa vào uy tín của cửa hàng; chỉ có 9,8% số người tự sử dụng các thiết bị kiểm tra chất lượng nhưng là thiết bị rất thô sơ. Đa số người tiêu dùng cho rằng giá RAT chỉ nên bán đắt hơn rau thường khoảng 20% thì họ sẽ chấp nhận, chỉ có một số ít trường hợp chấp nhận mức giá bán gấp đôi so với rau thường. 
Tại thị trường Hà Nội, một phần do tính phức tạp của các nhóm dân cư, phần khác do những bất cập, hạn chế trong khâu phân phối RAT, đến nay có thể nói nhu cầu tiêu thụ rau an toàn (RAT) của người tiêu dùng Hà Nội chưa được đáp ứng đúng mức, trong khi người sản xuất rau vẫn gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Theo Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương thì hiện nay chỉ có 15-20% lượng RAT được tiêu thụ qua các bếp ăn, siêu thị, cửa hàng, còn lại phần lớn được tiêu thụ tại các chợ lân cận, tỉnh bạn, giá bán chỉ tương đương với rau sản xuất đại trà. Hiện nay tại Hà Nội có 22 mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ nhưng sản lượng quá nhỏ so với nhu cầu của Hà Nội. Ngoài ra, một số doanh nghiệp nhỏ có liên kết với nông dân trong sản xuất, song kinh nghiệm khai thác thị trường chưa tốt, hiệu quả không cao, nên không mở rộng ra sản xuất.
TS Dương Ngọc Thí phát biểu tại Họi thảo (Ảnh: AGROINFO)
 
Theo một cuộc nghiên cứu về thương mại rau an toàn tại Hà Nội do Viện IPSARD, Viện Rau quả Trung ương và một số chuyên gia Bộ Công Thương phối hợp tiến hành năm 2011, trên mẫu là 50 cơ sở kinh doanh tại các quận nội thành của Hà Nội, kết quả cho thấy việc xây dựng kế hoạch kinh doanh giữ một vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự thành công của các cơ sở kinh doanh rau an toàn. Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ số cơ sở sản xuất xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm kinh doanh rau an toàn mới chiếm khoảng 48,98%. Điều này cho thấy mức độ chuyên nghiệp và có định hướng trong sản xuất rau tuy vẫn chưa đồng đều nhưng đã được cải thiện so với những năm trước. Có 28% số cơ sở cho rằng sẽ mở rộng cửa hàng, chi nhánh và 2% cho biết sẽ phát triển các kênh phân phối khác (như giao hàng tại nhà, bán hàng qua mạng). Khoảng 80% số cơ sở bán lẻ RAT được điều tra cho biết đã đầu tư cho việc xây dựng, quảng bá thương hiệu RAT. 
Theo Chi cục BVTV Hà Nội, việc tiêu thụ RAT lại gặp rất nhiều khó khăn do chưa phân biệt được rau bẩn, rau sạch, sự nhập nhèm giữa RAT và rau đại trà khó được kiểm soát. Năm 2011, Chi cục lấy 600 mẫu rau “mang danh” RAT trên thị trường Hà Nội để phân tích kiểm tra chất lượng. Kết quả phát hiện 25 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn tối đa cho phép (chiếm 4,1%). Điều này cho thấy tình trạng không minh bạch trên thị trường rau tại Hà Nội hiện nay. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ hạn chế động lực tham gia thị trường của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh RAT, khiến hoạt động thương mại RAT không có cơ hội phát triển.
Các chuyên gia của Viện IPSARD đề xuất những giải pháp nhằm đẩy mạnh thương mại RAT. Minh bạch hóa thị trường RAT là một trong những yêu cầu tất yếu cho việc phát triển thương mại bình đẳng về rau quả tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Từ trước tới nay, kinh doanh rau thường được thực hiện theo các phương thức truyền thống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại nhiều nước trên thế giới và một số đơn vị tiên phong của Việt Nam, việc ứng dụng thương mại điện tử và các phương thức thương mại hiện đại khác đang giúp cho việc kinh doanh RAT trở nên dễ dàng hơn. Nhiều trang điện tử kinh doanh rau sạch hoặc thực phẩm sạch trong đó có rau đang góp phần cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về vai trò của RAT đối với sức khỏe.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (VINASTAS) cho biết, năm 2012, VINASTAS đã chính thức công bố bản đồ vùng sản xuất và các điểm bán lẻ RAT tại Hà Nội và các khu vực lân cận. Bản đồ RAT được xử lý bằng GIS, vị trí cửa hàng rau được kết nối với Google Map qua địa chỉ  http://taya.dyndns.info/rausach. Tại đây, các cửa hàng có đầy đủ các thông tin như địa chỉ, số điện thoại... Các vùng sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ cũng được chia sẻ trên bản đồ kèm theo các thông tin về loại hình sản xuất (hợp tác xã, nhóm sản xuất, công ty), quy trình sản xuất và chứng nhận chất lượng (VietGAP, rau hữu cơ, rau an toàn), quy trình kiểm tra chất lượng...
Điều đặc biệt, đây là bản đồ "mềm" chứ không cố định. VINASTAS sẽ theo dõi, giám sát các cửa hàng, điểm bán lẻ (thanh, kiểm tra thường xuyên; đột xuất các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh RAT trên địa bàn Hà Nội). Trong trường hợp phát hiện ra cửa hàng RATkhông đảm bảo các tiêu chí đề ra sẽ bị loại khỏi bản đồ. Tại hội thảo, TS Đào Thế Anh, chuyên gia của (CASRAD) cũng đã trình bày ý tưởng về việc xây dựng Hệ thống bảo đảm RAT (PGS) – đây sẽ là hướng đi mới cho RAT. Hệ thống này sẽ huy động được sự tham gia của các tác nhân trong ngành hàng rau, hình thành và tăng cường lòng tin vào chất lượng sản phẩm RAT.
Theo Chu Khôi - Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 20/6/2012

Tin khác