Giao đất 50 năm cho dân: Cú hích cho nông nghiệp

26/06/2012

Chủ trương sửa đổi Luật Đất đai tới đây sẽ nâng thời hạn giao đất nông nghiệp lên thành 50 năm. Vậy thời hạn này liệu đã đáp ứng được kỳ vọng của nông dân và cần thực hiện giao đất như thế nào?

Tiến sĩ Vũ Trọng Bình- Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn. (Ảnh: AGROINFO)
Về vấn đề này, phóng viên NTNN đã phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Trọng Bình- Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Cần có quy hoạch trước khi giao đất
Ông có nhận định gì về mức thời hạn 50 năm và ý nghĩa của chủ trương này?
- Đây là chủ trương có ý nghĩa rất lớn, sẽ tạo “cú hích” trong đầu tư nông nghiệp. Nhưng cũng nên làm rõ: Vùng nông nghiệp nào có tính chiến lược quốc gia, an ninh lương thực, thì nên giao lâu dài hơn nữa. Những đối tượng thực sự là nông dân trực canh cũng nên mạnh dạn giao đất thời hạn lâu dài hơn cho họ.
Những vùng đất sẽ bị đô thị hóa và công nghiệp hóa trong tương lai, cần quy hoạch rõ để giao đất phù hợp với tiến trình này nhằm làm cho sự phát triển nông nghiệp, công nghiệp hài hòa hơn. Để khuyến khích sản xuất hàng hóa, nên nghiên cứu từng vùng, quy mô thế nào thì sẽ được giao từ 50 năm trở lên, từ đó thúc đẩy tích tụ ruộng đất.
Cần gắn chủ trương này với khuyến khích tích tụ ruộng đất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp.
Trước đây, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần bỏ hẳn hạn mức, thậm chí GS Đặng Hùng Võ đề nghị cần giao đất đến 99 năm hoặc có ý kiến cho rằng cần giao 70 năm. Vậy ông có nhận định gì về mốc 50 năm?
-Thời hạn giao đất phụ thuộc vào quy hoạch lãnh thổ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đô thị. Những vùng nông nghiệp lõi, quy hoạch ổn định, mang tính sống còn cho an ninh lương thực quốc gia, nên giao vĩnh viễn để người dân được tự do mua bán, chuyển nhượng và thừa kế. Cần có mốc giao đất khác nhau cho các vùng có chiến lược sử dụng đất khác nhau.
Theo ông, nếu giao 50 năm, liệu chúng ta đã có thể đáp ứng được chu kỳ sản xuất lâu dài, ổn định của người nông dân?
-Về nguyên tắc, giao đất càng dài thì sự ổn định hiệu quả của đầu tư nông nghiệp càng cao, cả về hạ tầng thủy lợi, điện, đường, đầu tư sản xuất và nhà đầu tư sẽ càng yên tâm đầu tư. Nhưng cũng chỉ nên giao đất lâu dài cho nhà đầu tư Việt Nam mà không nên giao đất lâu dài cho nhà đầu tư nước ngoài vì nông nghiệp liên quan nhiều đến lãnh thổ, an ninh quốc gia, an ninh lương thực…
Đối với vấn đề hạn mức, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cũng cho biết, sẽ nới lỏng hạn mức chuyển nhượng theo hướng tăng gấp 3-4 lần so với hiện tại. Như vậy, mỗi hộ dân cũng chỉ được giao tối đa không quá 15-20ha. Diện tích này tuy lớn hơn, song liệu trong 10 năm tới, hạn mức này có bị hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người nông dân?
-Thật ra, 15-20ha đã là rất lớn, vì có đến trên 99% nông dân chúng ta là có diện tích dưới 1ha. Cần làm rõ, sự khác biệt giữa chính sách nông nghiệp và chính sách nông dân. Nên ưu tiên nông dân sản xuất trực canh, có diện tích quy định theo từng vùng. Còn khi có diện tích lớn, đi thuê lao động, không trực tiếp sản xuất, thì lúc đó nên coi là doanh nghiệp nông nghiệp.
Việc mở rộng hạn điền sẽ giúp người dân tạo ra được các vùng sản xuất chuyên canh lớn.
Những đối tượng này có thể được hỗ trợ nhờ chính sách nông nghiệp, nhưng họ không còn là nông dân nên không nên hỗ trợ họ như nông dân. Việc giao đất, quy mô càng lớn, cần gắn với quá trình hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp.
Bởi quy mô càng lớn, thì quản lý và sản xuất phải càng hiện đại, đáp ứng các điều kiện sản xuất xanh và bền vững. Cần bắt đầu xây dựng một nền nông nghiệp có quản lý sản xuất trang trại, không thể để một trang trại 100ha cũng có trình độ sản xuất, chất lượng sản phẩm và quản lý Nhà nước như một nông dân có vài sào đất.
Không thể tách nông nghiệp và nông dân
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu rằng, những chính sách, cách làm về đất đai hiện nay như dồn điền, đổi thửa hay cánh đồng mẫu lớn chỉ là sáng kiến, cách làm của một vài địa phương, còn chúng ta vẫn thiếu một chiến lược tổng thể về đất đai. Như vậy, để những cách làm trên được cụ thể hóa bằng luật, theo ông, chúng ta cần "cởi trói" những gì?
-Cần quy hoạch rõ vùng sản xuất nông nghiệp lâu dài tại từng vùng, tiểu vùng, có thời hạn giao đất lâu dài gắn với chiến lược sử dụng đất nông nghiệp từng vùng, tiểu vùng đó và quyền sử dụng đất rõ ràng thì các nhà đầu tư và nông dân sẽ yên tâm đầu tư. Quy hoạch sản xuất nông nghiệp cần có tính pháp lý cao, có những vùng vĩnh viễn, chỉ Chính phủ hoặc Quốc hội mới có quyền điều chỉnh. Khi điều chỉnh, chỉ các công trình phúc lợi, an ninh quốc phòng thì mới theo giá Chính phủ định, còn lại do thỏa thuận.
Dồn điền, đổi thửa và xây dựng cánh đồng mẫu lớn không thể thực hiện khi chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp từng vùng, tiểu vùng chưa cụ thể và có tính pháp lý cao theo từng thửa đất, giao đất chưa lâu dài và ổn định, việc cấp tín dụng, hỗ trợ về KHCN, quản lý chất lượng, marketing, xây dựng thương hiệu, phát triển chuỗi giá trị, cấp phép xây dựng nhà máy chế biến… chưa thật sự theo đúng quy hoạch của nông nghiệp.
Nước Mỹ, chỉ có 3 triệu nông dân, nhưng họ lại sở hữu hàng chục triệu ha đất nông nghiệp, có nhiều người sở hữu tới vài trăm ha. Liệu trong tương lai, Việt Nam có thể có những cá nhân sở hữu tới hàng trăm ha như thế được không?
- Không thể so sánh với nước Mỹ, sự so sánh này quá thiên lệch, vì họ có cả một nền công nghiệp, dịch vụ khổng lồ để thu hút việc làm. Nếu Việt Nam cũng làm như họ, có thể chúng ta cũng có một nền nông nghiệp hiện đại không kém gì họ, nhưng hàng triệu nông dân chúng ta sẽ làm gì.
Suy cho cùng, phát triển nông nghiệp cũng để phục vụ con người, và nông dân phải là người cần được quan tâm nhiều nhất. Vấn đề nông nghiệp chính là vấn đề nông dân, không thể tách vấn đề nông nghiệp ra khỏi vấn để nông dân.
“Quy mô đất đai càng lớn thì càng phải giám sát sản xuất chặt để hạn chế rủi ro, đảm bảo liên kết trong sản xuất. Những nông dân, doanh nghiệp nào không tuân thủ điều kiện cấp phép sản xuất đối với quy mô lớn, Nhà nước có thể rút giấy phép sản xuất và tổ chức đấu thầu cho nông dân, doanh nghiệp khác mua lại” - TS Vũ Trọng Bình
Tương lai, có thể một người sở hữu hàng trăm ha, nhưng liệu hiệu quả về tạo việc làm, chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng làm ra, khả năng cạnh tranh của sản phẩm của trang trại đó có hơn là 100ha mà do 100 hay 50 nông dân sở hữu không.
Vấn đề không phải là có một nền nông nghiệp hiện đại quy mô lớn, mà nền nông nghiệp đó tạo ra giá trị gia tăng cho ai, nông dân chúng ta có là chủ sở hữu nền nông nghiệp đó hay họ là người bị bần cùng hóa như nhiều nơi trên thế giới.
Chính sách giao đất, nên có sự đa dạng, mức độ theo từng vùng miền trên cơ sở nghiên cứu cụ thể về xu thế phát triển công nghiệp, đô thị, nông nghiệp. Chính sách giao đất lâu dài, cần gắn với quy hoạch pháp lý cao, các quy định quản lý phát triển nền nông nghiệp mới bền vững, cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, xanh.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/93840p1c34/giao-dat-50-nam-cho-dan-cu-hich-cho-nong-nghiep.htm


Tin khác