Phát triển cây ca cao: Liên kết vùng để phát triển bền vững

26/06/2012

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tổng diện tích ca cao cả nước đến cuối năm 2011 đạt 20.100 ha, sản lượng đạt 5.500 tấn. Tuy nhiên, để sản phẩm ca cao Việt Nam ngày càng nâng cao chất lượng và tạo thế cạnh tranh mạnh thì cây ca cao phải cạnh tranh với cây trồng khác và phải tổ chức liên kết vùng sản xuất, đây là điều mà các nhà khoa học và nông dân quan tâm.

Ca cao trồng xen cho hiệu quả kinh tế
Theo quy hoạch, diện tích ca cao cả nước phát triển đến năm 2015 là 35.000 ha và đến năm 2020 đạt 50.000 ha, tập trung tại 8 tỉnh, thành cả nước (Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long) là hướng cụ thể nhất để phát triển cây ca cao. Bên cạnh đó, cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều hướng đến chỉ tiêu sản xuất ca cao sạch, cần được chứng nhận UTZ (là một bộ tiêu chí chứng nhận cho 4 sản phẩm cà phê, cacao, trà, dầu cọ sạch trên toàn cầu) để nâng cao giá trị hạt ca cao cũng là một trong các phương hướng quan trọng hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất ca cao.
Chính vì vậy, tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên như Đắc Nông, Đắc Lắc, Bình Phước, cây ca cao vừa giữ vai trò trồng thuần thay thế cho các vườn cà phê già cỗi, cải thiện kinh tế cho nông dân trồng cà phê cũ. Đồng thời, đặc tính của cây ca cao là ưa bóng râm nên đã được trồng xen trong các vườn cây ăn quả, vườn điều, cà phê để vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất vừa mang lại năng suất cây trồng cao hơn, tăng nguồn lợi về kinh tế. Khi được trồng xen, năng suất của các loại trồng xen ca cao này như điều, cà phê, cây ăn quả đều tăng từ 1,5 đến 2 lần so với lúc chưa trồng xen cây ca cao.
Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi có diện tích đất trồng cây lâu năm với các loại cây trồng chủ yếu tiêu, cà phê, cây ăn quả hơn 41.000 ha. Thế nhưng, trước biến động hiện nay, giá trị kinh tế của các loại nông sản này có chiều hướng giảm. Do đó để giảm rủi ro, nông dân nên đa dạng hóa giống cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích, bằng cách trồng xen thêm ca cao với những loại cây khác.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, nông dân đang trồng xen ca cao với nhiều loại cây trồng khác như cà phê, chôm chôm, tiêu, sầu riêng. Vườn ca cao sinh trưởng, phát triển tốt là nhờ vào nguồn dinh dưỡng, nước tưới các các loại cây trồng xen trên.
Tại các tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long trồng xen cây ca cao trong vườn dừa với tổng diện tích gần 11.600 ha. Ông Phan Văn Khổng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre cho biết, sau 8 tháng tích cực thực hiện chương trình chứng nhận UTZ, đến đầu năm 2012 tại Bến Tre đã hình thành một hệ thống gồm Công ty Phạm Minh cùng 9 câu lạc bộ trồng ca cao với 86 hộ, 50 ha ca cao tại các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam đã được chứng nhận tiêu chuẩn UTZ dưới sự hỗ trợ của tổ chức Helvetas Thụy Sĩ tài trợ. Dự kiến, đến cuối năm 2012, tỉnh Bến Tre sẽ có 30 câu lạc bộ với 750 hộ trồng ca cao đạt tiêu chuẩn UTZ.
Đối với các vườn dừa tại tỉnh Bến Tre thì ca cao như một nguồn kinh tế cứu nông dân thoát khỏi sự bấp bênh của cây dừa hiện nay. Ông Bùi Văn Hoàng, chủ vườn dừa 1 ha tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre chia sẻ, cách đây hai năm, cây dừa mang lại lợi nhuận cho ông khá lớn, có thời điểm dừa tăng lên 6.000 đồng/trái. Nhưng hiện nay trái dừa bị rớt giá, dừa hái xuống không ai mua, cứ đổ thành đống để đó. Cũng may là ông còn vườn ca cao trồng xen dừa đang cho thu hoạch, thay thế cây dừa mang lại kinh tế cho gia đình ông.
Hướng đến liên kết vùng
Hiện nay, với diện tích gần 5.000 ha cho thu hoạch, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước như Cargill, Olam, Phạm Minh, Thành Đạt... tham gia thu mua ca cao đã tạo nên thị trường cạnh tranh, góp phần tạo tâm lý an tâm cho người sản xuất. Hệ thống các điểm thu mua của nông hộ vươn rộng khắp các vùng trồng ca cao tập trung. Phần lớn hạt ca cao được lên men đạt chất lượng tốt.
Giám đốc Công ty TNHH TM-DV-SX Ca cao Thành Đạt, ông Trịnh Văn Thành cho biết, ngay từ ban đầu, những hộ nông dân và doanh nghiệp có đầu tư thực sự vào cây ca cao mới thu được kết quả tốt. Với xu thế hiện nay, bất kì ngành nào cũng cần có tính liên kết. Vì vậy, nông dân phải liên kết với doanh nghiệp, vùng này cũng phải liên kết với vùng khác để đảm bảo giá cả sản phẩm không chênh lệch quá nhiều. Hiện Thành Đạt đang tập hợp 500 nông dân tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, với diện tích 1.200 ha. Các hộ nông dân trồng ca cao đều được đào tạo kỹ thuật và chia thành nhiều câu lạc bộ khác nhau, mỗi câu lạc bộ đều có nhóm trưởng quản lý khoản 40 hộ. Mỗi ngày doanh nghiệp đều tổ chức công bố giá ca cao lên men cho nông dân, tránh tình trạng bị ép giá. Mặt khác, những hộ này đều được tập huấn kỹ thuật trồng theo UTZ. Tính đến nay, trong 500 hộ này đã có 230 hộ đạt chứng chỉ UTZ trong sản xuất ca cao, những hộ còn lại sẽ được cấp chứng chỉ vào cuối năm 2012. Trong thời gian tới, công ty mở rộng quy mô câu lạc bộ sang các tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ, và cả kết hợp đưa khách du lịch nước ngoài tham quan các vườn ca cao đạt chuẩn UTZ để nâng cao giá trị ca cao hơn nữa.
Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật tại vườn cây, doanh nghiệp cũng thay nông dân phối hợp nghiên cứu quy trình lên men với các nhà khoa học để đạt chất lượng như mong muốn. Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Ca cao Phạm Minh nhận định, trước sản lượng ca cao Việt Nam ngày một tăng cao, đồng thời nhu cầu tiêu dùng của thị trường quốc tế tăng theo, chính vì vậy doanh nghiệp không chỉ thu mua gói gọn trong khu vực tỉnh Bến Tre, mà còn thu mua ca cao sạch ở những tỉnh khác như Bình Phước, Tiền Giang, Bà Rịa Vũng Tàu để đáp ứng cho xuất khẩu. Ông Minh cho biết thêm, với những vườn ca cao được chứng nhận UTZ và hạt ca cao lên men đạt chất lượng, công ty thu mua với giá cao hơn so với giá thị trường. Đây là hoạt động hỗ trợ các nông dân được chứng nhận UTZ, tạo niềm phấn khởi cho họ trong sản xuất. Ngoài thu mua ca cao chất lượng của các tỉnh khác, những câu lạc bộ nông dân trồng ca cao còn được công ty hỗ trợ kĩ thuật trồng và chăm sóc cây ca cao, hướng dẫn tham gia tiêu chuẩn UTZ do Helvitas Thụy Sỹ và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre tổ chức.
Tuy nhiên, dù cây ca cao đang phát triển và cho hiệu quả kinh tế khá cao, nhưng thực tế sản xuất tại các địa phương, tỉ lệ diện tích trồng ca cao được đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật không nhiều (20%), còn lại là chăm sóc cầm chừng, khả năng đến đâu thì đầu tư đến đó hoặc chăm sóc không đúng kĩ thuật, một số ít không chăm sóc. Đối với các vườn không được quan tâm chăm sóc ngay từ đầu cây ca cao bị suy kiệt nên sẽ rất khó phục hồi và cho năng suất tốt. Mặt khác, việc chuyển giao kỹ thuật đến người sản xuất còn hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Những người tham gia sản xuất còn thiếu vốn, thiếu quan tâm chăm sóc, ít đầu tư cho cây ca cao như canh tác một số loại cây trồng khác. Cây ca cao còn đối diện với sự cạnh tranh mạnh về kinh tế của một số loại cây trồng khác như hồ tiêu, cao su…/.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=529187


Tin khác