Nghiên cứu cơ sở khoa học đề xuất chính sách quản lý sản xuất và kinh doanh phân bón ở Việt Nam

01/01/2010

Lê Đức Thinh

Tên đề tài: nghiên cứu cơ sở khoa học đề xuất chính sách quản lý sản xuất và kinh doanh phân bón ở Việt Nam
CNĐT: Ths. Lê Đức Thịnh
1. Mục tiêu nghiên cứu
Đánh giá được thực trạng tình hình quản lí nhà nước về phân bón hiện nay và đề xuất được các nội dung và giải pháp thống nhất quản lí nhà nước đối với các sản phẩm phân bón phục vụ nông nghiệp. Xác định các cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách quản lí nhà nước về sản xuất và kinh doanh phân bón trong tương lai..
- Tổng kết được kinh nghiệm quốc tế đối với vấn đề quản lí nhà nước về sản xuất và kinh doanh phân bón nông nghiệp, từ đó rút ra các bài học cho Việt nam.
- Mô tả và đánh giá được thực trạng hệ thống quản lí nhà nước về phân bón phục vụ nông nghiệp hiện nay và xác định được yêu cầu của việc đổi mới hệ thống quản lí và các cơ chế chính sách quản lí nhà nước về phân bón nông nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quản lí nhà nước của Bộ NN&PTNT.
- Đề xuất được những định hướng tổ chức bộ máy quản lí nhà nước đối với các sản phẩm phân bón nông nghiệp theo tinh thần đơn giản hóa, gọn nhẹ và hiệu quả, tránh tình trạng phân tán chức năng quản lí giữa các bộ, ngành, địa phương như hiện nay.
- Đề xuất được cơ sở khoa học và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lí nhà nước đối với chất lượng các sản phẩm phân bón nông nghiệp sản xuất và lưu thông trên thị trường, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (chủ yếu là nông dân).
2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu trong phòng (desk study): tổng kết kinh nghiệm trong và ngoài nước được thực hiện chủ yếu từ nghiên cứu trong phòng.
a) Phỏng vấn theo các bảng hỏi: Đề tài đã tổ chức phỏng vấn các chuyên gia thuộc các ban ngành quản lí nhà nước về phân bón và các sản phẩm phân bón: phỏng vấn cá nhân theo bảng hỏi và phỏng vấn nhóm.
b) Thực hiện điều tra, phỏng vấn theo bảng hỏi bán cấu trúc (Semi-structure): Đề tài đã thực hiện 360 cuộc phỏng vấn các chủ hộ, những người nông dân sử dụng phân bón ở cả 2 vùng nông nghiệp phát triển mạnh là ĐBSH, ĐBSCL theo phương pháp phỏng vấn với bảng hỏi bán cấu trúc.
c) Phỏng vấn các chuỗi giá trị phân bón: Tất cả đã có 04 chuỗi giá trị được nghiên cứu ở 2 vùng là ĐBSH và ĐBSCL. Số các doanh nghiệp, nhà phân phối, các cửa hàng bán lẻ phân bón đã được phỏng vấn là 63 trường hợp. Đề tài căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ và đặc thù hoạt động kinh doanh của các tác nhân ở mỗi chuỗi giá trị này để thiết kế các bảng hỏi. .
3. Nội dung nghiên cứu
- Kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về phân bón
- Tình hình sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón ở Việt Nam
- Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực phân bón
- Đổi mới quản lý Nhà nước trong ngành phân bón
4. Kết quả đạt được
Nghiên cứu đã đánh giá được đầy đủ những ưu điểm và nhược điểm của vấn đề quản lí nhà nước hiện nay ở mỗi công đoạn như sản xuất, lưu thông và phân phối hiện nay. Một số vấn để quản lý Nhà nước trong lĩnh vực phân bón ở Việt Nam cần được cải thiện: Phương thức quản lý theo danh mục được phép tốn kém và không hiệu quả; hệ thống qui chuẩn kỹ thuật chưa hoàn thiện; Qui định về lấy mẫu phân tích chất lượng và sai số dịnh lượng cho phép thực tế là đã lựa theo doanh nghiệp mà không tính đến lợi ích của nông dân, đã không thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư chiều sâu để cải tiến công nghệ và vô hình chung đã khuyến khích công nghệ thô sơ tồn tại; trước kia chỉ có một số ít các loại phân bón nên sức ép về nhu cầu khảo nghiệm không cao, nay nhu cầu khảo nghiệm tăng rất nhanh cần phải sửa đổi qui trình khảo nghiệm cho phù hợp; quản lý giá theo kiểu buộc doanh nghiệp phải đăng kí giá, niêm yết và bán theo giá niêm yết như hiện nay mang tính chất mệnh lệnh hành chính chỉ tồn tại một cách hình thức, không hiệu quả.
Nguyên nhân của những tồn tại này là do:có quá nhiều Bộ, Ngành tham gia quản lí nhà nước trong lĩnh vực phân bón nhưng lại thiếu đầu mối cụ thể; phân công trách nhiệm trong công tác thanh, kiểm tra, xử lý về sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón ở các địa phương chưa rõ ràng, còn chồng chéo, trùng lặp giữa các đơn vị; chưa có quy định cơ quan nào thẩm định đủ điều kiện và kiểm tra điều kiện đó suốt thời gian sản xuất; nguồn lực trong công tác QLNN về phân bón vừa thiếu, vừa yếu.
Trong số rất nhiều việc cần phải làm, trước mắt Bộ Nông nghiệp cần tập trung giải quyết một số việc sau:
1. Tập trung rà soát các tiêu chuẩn ngành để chuyển đổi sang tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở hoặc hủy bỏ;
2. Hoàn thiện xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các chất độc hại và vi sinh vật gây hại trong phân bón;
3. Đề ra những qui định cụ thể về điều kiện sản xuất kinh doanh phân bón để các cấp các ngành có cơ sở kiểm tra kiểm soát;
4. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các qui định về an toàn và chất lượng;
5. Dành thêm kinh phí cho nghiên cứu nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón;
6. Tăng cường tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân về bón phân cân đối, về phân biệt phân bón giả, kém chất lượng;
7. Tăng cường kiểm soát các chương trình quảng cáo cả trên báo, đài, internet và các kênh khác. Ban hành quy chế quảng cáo, trình diễn phân bón.

Tin khác