Nguy cơ nông nghiệp hóa đất rừng: Đất lâm nghiệp mù mờ về ranh giới

23/07/2012

Khi đầu tư ở đồng bằng bị hạn chế (để bảo vệ đất lúa), áp lực đầu tư trong những năm tới đây sẽ đổ dồn lên miền núi và đất lâm nghiệp. Trong khi sử dụng đất lâm nghiệp hiện rất kém hiệu quả, bởi vậy quản lý đất lâm nghiệp; những hiện trạng, xu hướng và thách thức như một bài toán đang là vấn đề được đặt ra cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu chính sách tìm lời giải.

TS Lê Đức Thịnh
Cuối tuần vừa qua, Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) tổ chức tọa đàm “Quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp: Hiện trạng và thách thức”. Với địa lý tự nhiên 2/3 lãnh thổ Việt Nam là đồi núi, đất lâm nghiệp chiếm 57% trong tổng số 26,2 triệu ha diện tích đất nông lâm nghiệp. Đây là khu vực cư trú, tạo sinh kế của 25 triệu dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo. Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị và Chính phủ về đổi mới phương thức quản lý đất lâm nghiệp và sắp xếp đổi mới nông lâm trường quốc doanh, tình hình quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp, đặc biệt là đất nông, lâm trường đã có những bước tiến bộ đáng kể, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục.
TS Lê Đức Thịnh, Trưởng Bộ môn Thể chế chính sách của Viện Ipsard cho biết, tình trạng lấn chiếm, tranh chấp, xung đột về đất rừng ngày càng phức tạp. Trong đó có cả tình trạng đất nông nghiệp “lấn” sang đất lâm nghiệp và rừng tự nhiên. Chẳng hạn, tại xã Đắk Song ở tỉnh Đắk Nông, từ năm 2008 đến nay, đã có 13 nghìn ha trong số 41 nghìn ha rừng tự nhiên (chiếm32%) đã phải chuyển cho dân trồng cây hàng năm. Công ty lâm nghiệp Gia Nghĩa ở đây quản lý 26 nghìn ha đất, rừng nhưng đã có 4.000 ha đất (chiếm 15%) bị xâm chiếm để làm nông nghiệp. Trong số 16 triệu ha đất lâm nghiệp của cả nước, hiện có tới 3 triệu ha “đất trống, đồi trọc”, đây chính là cơ hội cho tình trạng “đất nông nghiệp” dần nuốt đất lâm nghiệp chưa có cây trồng. Đơn cử tại xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, có tới 1.423 ha đất trống đồi trọc người dân tự lấn để làm nông nghiệp. Những loại hình canh tác đang lấn vào đất rừng chủ yếu là sản xuất các cây nông nghiệp, cây công nghiệp hàng hóa, như cà phê, cao su ở Tây Nguyên. Ở các tỉnh miền núi Tây Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La , từ khi có chủ trương phát triển cao su, thì rừng đã bị “ăn” nhiều hơn. Trong khi đó rất ít trường hợp rừng sản xuất là rừng trồng lấn được đất trống. Hiện nay và trong những năm tới, áp lực đầu tư đang đổ lên rừng và đất lâm nghiệp do việc đầu tư ở đồng bằng bị hạn chế bởi mục tiêu bảo vệ diện tích đất lúa.
 Quang cảnh buổi Tọa đàm (Ảnh: AGROINFO)
 
Theo ông Lê Văn Bách, Phó trưởng Ban Chính sách về các tổ chức quản lý rừng (Tổng cục Lâm nghiệp), đến nay đã giải thể 256 nông lâm trường cũ, chuyển thành 148 công ty TNHH một thành viên. Sau khi chuyển đổi, có 32% số công ty hoạt động sản xuất hiệu quả hơn trước, 54% hiệu quả sản xuất vẫn như trước kia, và 14% đi xuống. Ở các nông lâm trường và các công ty lâm nghiệp hiện nay chưa có sự phân định rạch ròi giữa nhiệm vụ dịch vụ công ích với hoạt động sản xuất kinh doanh. Diện tích đất quản lý của khối lâm trường đã giảm đáng kể, từ 4,1 triệu ha trước kia xuống còn 2 triệu ha. 50% đất nông lâm trường được cam kết trả lại địa phương. Thế nhưng, thực tế mới chỉ có 585.000 ha giao cho địa phương, có tới 1,2 triệu ha từ các lâm trường đã bàn giao cho ban quản lý rừng phòng hộ. Còn vài trăm nghìn ha nữa, phương án bàn giao đi đâu thì còn rất mù mờ. Kết quả khảo sát của các tổ chức phi Chính phủ đều đưa ra nhận định rằng: việc đổi mới nông lâm trường ở nước ta đã gặp thất bại. Khảo sát của tổ chức IFAD tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La đưa ra nhận xét: có tới 35 nông lâm trường trong số 148 công ty nông lâm nghiệp ở 2 tỉnh này đáng ra phải cho họ giải thể.
Ông Bách nhận định: Phổ biến tình trạng rà soát bàn giao đất lâm nghiệp chỉ diễn ra trên giấy, mà không bàn giao thực địa là nguyên nhân khiến tranh chấp đất lâm nghiệp ngày càng gia tăng. Hiện có tới 2,6 triệu ha đất lâm nghiệp được giao cho khối UBND cấp xã quản lý. UBND cấp xã quản lý rất lớn diện tích đất lâm nghiệp, nhưng họ không phải đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng không phải cơ quan bảo vệ rừng. Nếu UBND xã quản lý thì cũng không đúng so với vai trò thật của họ vì tất cả đất của chúng ta hiện nay (kể cả đất lâm nghiệp trên núi) đều phải có chủ. Hộ dân là người đang sử dụng, nhưng lại không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. UBND xã thực chất là đầu mối quản lý diện tích chưa được xác định rõ ràng, đã tạo ra loại đất lâm nghiệp như kiểu không có chủ, chưa xác định được trách nhiệm cuối cùng của người sử dụng đất đó. Giao đất lâm nghiệp cho dân rất mù mờ về ranh giới, hiện trạng sử dụng nên sinh ra tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột. Có những diện tích lại có chủ sở hữu, sử dụng chuyển từ người nọ sang người kia nhưng không khai báo. Vì vậy, ngành Lâm nghiệp phải đến từng xã, đo đạc từng mảnh đất để lập được những quy hoạch một cách minh bạch và rõ ràng.
TS Lê Đức Thịnh cho rằng: cần phải tiếp tục giảm diện tích đất lâm nghiệp của khối các nông lâm trường, đất nào không sử dụng hết phải chuyển cho địa phương để tăng diện tích cho dân sử dụng, nâng cao hiệu quả sản xuất rừng trên đất sản xuất đó. Một trong những cách thức để minh bạch hóa việc giao sử dụng đất lâm nghiệp là phải áp dụng hình thức đấu giá, đấu thầu đất lâm nghiệp. Mặc dù đã có chủ trương của Chính phủ, nhưng cho đến hiện nay thực sự việc đấu thầu, đấu giá đất lâm nghiệp chủ yếu chỉ là chủ trương. Trên thực tế chưa thể cho đấu thầu, bởi nhức nhối nhất trong việc quản lý đất lâm nghiệp hiện nay là xác định cụ thể được thửa, mảnh, chủ thực sự, diện tích, quy hoạch. Tất cả diện tích đó mà chưa quy hoạch thì chưa thể nói tới chuyện đấu giá đấu thầu trong đất lâm nghiệp được. Chính sách cho người hưởng lợi trong việc sử dụng đất lâm nghiệp rất quan trọng, nhưng mới chỉ được đề cập sơ sài. Do đó, trong thời gian tới, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới chính sách cho người trồng rừng, đảm bảo lợi ích cho họ để quản lý và bảo vệ rừng bền vững.
Theo Chu Khôi - Thời báo Kinh tế Việt Nam số ra ngày 23-07-2012

Tin khác