Ngành chè Việt Nam - Cần nâng cao "sức đề kháng"

02/08/2012

Mặc dù là một trong những quốc gia xuất khẩu chè lớn nhất thế giới hiện nay, tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ngành chè Việt Nam vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều để có thể khẳng định được thương hiệu cũng như nâng cao tính cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Chưa chú trọng tới thương hiệu
Là quốc gia đứng thứ 5 về diện tích trồng và sản lượng chè xuất khẩu trên thế giới, năm 2011, mặc dù diện tích chè cả nước giảm 2,8% so với năm 2010 song sản lượng thu hoạch vẫn đạt 888.600 tấn, tăng 6,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 198 triệu USD.
Hiện tại, ngành chè Việt Nam đã xuất khẩu đến 110 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó có 3 nước đạt kim ngạch trên 10 triệu USD là Pakistan, Nga, Trung Quốc. Với tổng công suất theo thiết kế 4.646 tấn/ngày, năng lực chế biến gần 1,5 triệu tấn búp/năm, ngành chế biến chè của Việt Nam hiện đứng hàng đầu thế giới. Trong đó, có hơn 450 cơ sở chế biến chè quy mô công suất từ 1.000 kg chè búp tươi/ngày trở lên.
Tuy nhiên,  ngành chè Việt Nam hiện tại cũng đang gặp phải không ít khó khăn và thách thức. Đặc biệt là khi tham gia "sân chơi" WTO. Nhiều cơ hội đã được mở ra nhưng cũng đồng nghĩa với việc có thể bị “nuốt chửng” bởi vòng xoáy của hội nhập nếu như ngành chè của chúng ta không giải quyết được những vấn đề cố hữu.
Đánh giá của Hiệp hội Chè Việt Nam cho thấy, thương hiệu chè Việt hiện vẫn khá mờ nhạt, bởi những hạn chế trong phương thức canh tác, ý thức sản xuất của người trồng chè. Phần lớn diện tích chè hiện cả nước là giống chè trung du lá nhỏ, năng suất, chất lượng thấp, không ổn định.
Trong những năm qua, mặc dù đã mở rộng được sang nhiều thị trường, tuy nhiên, do chất lượng sản phẩm thấp, ít có thương hiệu, lại không có phương thức bán hàng qua sàn đấu giá nên luôn bị thương lái ép giá.
Cũng phải nói thêm, ngay tại thị trường trong nước, ngành chè cũng chưa tạo được sự thống nhất. Có không ít doanh nghiệp dùng nhiều "chiêu thức" thiếu lành mạnh để bán và lôi kéo khách hàng. Chính điều này đã làm cho “sức đề kháng” của ngành chè Việt Nam ngày một yếu trước sự xâm nhập mạnh mẽ của các doanh nghiệp và thương nhân nước ngoài.
Theo Ông Đoàn Anh Tuân - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, chè xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng chè rời, mẫu mã và bao bì còn rất hạn chế nên chỉ bán được với giá thấp. Nhiều công ty tham gia xuất khẩu chè không chuyên về chè mà chỉ kinh doanh thuần túy là có lãi nên có thể sẵn sàng chào bán các loại chè chất lượng thấp. Đây là một trong những nguyên nhân để các cơ sở sản xuất chè vẫn tiếp tục sản xuất ra chè chất lượng thấp, giá rẻ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành chè Việt Nam.
Xây dựng chiến lược đồng bộ
Ngành chè đã đề ra mục tiêu đến năm 2015, sản lượng chè búp tươi đạt 1,2 triệu tấn, sản lượng chè búp khô đạt 260.000 tấn, trong đó xuất khẩu 200.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 440 triệu USD. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây đã có yêu cầu ngành chè phải triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó tập trung chú trọng đầu tư kĩ thuật, chiến lược trong xuất khẩu…Theo đó, phải duy trì được diện tích ổn định ở mức 130.000ha, tăng trưởng sản lượng đạt 6%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng ít nhất 2 lần so với hiện nay. Năm 2012, phấn đấu xuất khẩu chè đạt 135.000 tấn, giá trị 220 triệu USD. Đặc biệt là đến năm 2015, đưa giá chè xuất khẩu  của Việt Nam ngang bằng với giá bình quân của thế giới.
Theo TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Việt Nam có nhiều thế mạnh trong phát triển chè, tuy nhiên người trồng lại bị phân tán, quy mô nhỏ, chưa chú trọng đầu tư thâm canh và quan tâm tới chất lượng; công nghệ chế biến lạc hậu, không đồng đều giữa các cơ sở.
Thu nhập thấp khiến cho người nông dân không tha thiết với ngành chè, không tự học hỏi để nâng cao tay nghề. Nhiều địa phương đã cho phép xây dựng nhiều nhà máy chế biến nhưng lại không có chiến lược đồng bộ giữa cung, cầu hợp lý, dẫn đến tình trạng xây dựng tràn lan, chồng chéo, lấn át nhau...
Ông Nguyễn Quốc Vọng - Đại học RMIT lại đưa ra một số giải pháp về việc thành lập một cơ quan quản lý nhà nước để quản lý một cách thống nhất, có hiệu lực. Cơ quan này có nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật và quy trình kỹ thuật để có thể đảm bảo việc quản lý ngành chè theo pháp luật. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cần thành lập một ban chỉ đạo để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai tổ chức lại ngành chè.
Để có thể tăng sản lượng chè, theo Hiệp hội chè Việt Nam, ngoài việc nghiên cứu những giống mới, cần phải đầu tư, cải tiến quy trình thu hoạch và chế biến bằng cách đầu tư đồng bộ dây chuyền máy móc, ứng dụng những công nghệ hiện đại.
Ngoài ra, để có thể nâng cao thương hiệu chè Việt Nam cũng như nâng cao giá thành sản phẩm thì cần thiết phải tổ chức một sàn giao dịch để các đơn vị giới thiệu và bán sản phẩm một cách minh bạch, công bằng. Xây dựng chiến lược phát triển phù hợp cho các đơn vị sản xuất và chế biến chè tại thị trường trong và ngoài nước để hạn chế tình trạng bán chè xuất khẩu qua trung gian như hiện nay./.
Theo Báo Điện tử Đảng cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=10004&cn_id=535750


Tin khác