Giải quyết vấn đề nông, lâm trường: Thà đau một lần rồi thôi

28/08/2012

Viện trưởng Viện Quy hoạch và TKNN, ông Nguyễn Văn Chinh nói với NNVN về những giải pháp dù có thể đau đớn nhưng sẽ chặt đứt được hậu quả trì trệ kéo dài của các nông, lâm trường…

Ông Nguyễn Văn Chinh
Thưa ông, nông, lâm trường từng là ước mơ, là khát vọng của bao thế hệ?
Đúng, nó chứa bao lý tưởng cao đẹp của các thế hệ, nó là nguồn cảm hứng của bao nghệ sĩ để sáng tác ra các bài hát hay. Thế hệ sinh viên chúng tôi đã đi cuốc cỏ cho cà phê ở Nông trường Đồng Giao (Ninh Bình), đi cuốc cỏ cho dứa ở Nông trường Na Hoa (Lạng Sơn) và lao động trên nhiều nông lâm trường khác. Có những nông lâm trường như ở Phủ Quỳ (Nghệ An) có số mã lực trên một ha canh tác (chỉ số cơ giới hóa - PV) còn cao hơn cả chỉ số bình quân của các nông trường ở Liên Xô.
Có đồng chí Giám đốc Nông trường Mộc Châu (Sơn La) còn nói ở đâu chưa có chủ nghĩa xã hội thì cứ nhìn về Mộc Châu mà học tập. Ngày ấy, không khí ở các nông, lâm trường hừng hực, thu hút lắm! Nông lâm trường ở ta đã có lịch sử phát triển gần 60 năm rồi.
Ông đánh giá ra sao về chuyện đổi mới, sắp xếp các nông, lâm trường?
Công tác đổi mới, sắp xếp nông lâm trường đã tiến hành gần chục năm nay. Năm 2008 chúng ta tổ chức tổng kết có 314/342 nông trường được chuyển đổi, 353/355 lâm trường thành công ty lâm nghiệp nhưng theo tôi đánh giá phần đa vẫn chỉ là chuyển đổi cái vỏ bên ngoài, còn rất loay hoay trong hoạt động sao cho có hiệu quả.
 Đất nông trường hiện được sử dụng dưới ba hình thức. Thứ nhất là khoán theo Nghị định 01 tức nhà nước giao quyền sử dụng đất cho giám đốc nông trường rồi giám đốc giao khoán đến công nhân. Thứ hai là tự nông trường tổ chức sản xuất. Hình thức cuối cùng là liên doanh, liên kết, cho thuê đất. Đất lâm trường hiện chủ yếu vẫn do lâm trường tự sử dụng. Cả nông, lâm trường trên giấy tờ đang quản lý khoảng 4,6 triệu ha đất. Chủ trương là phải chuyển trả khoảng 800.000 ha đất cho địa phương nhưng đến hết năm 2011 vẫn còn khoảng 36% diện tích đất cần chuyển mà chưa làm được.
Công tác quản lý đất đai ở nông, lâm trường bây giờ chỉ cần gói gọn trong hai từ lỏng lẻo. Không có ranh giới rõ ràng, xen với đất ở, đất canh tác của dân, tạo kẽ hở làm thất thoát tài nguyên của nhà nước còn bản thân các đơn vị bị thất thoát nguồn thu.
Ông đánh giá ra sao về tình trạng phần đa là thê thảm của các nông, lâm trường hiện nay?
Theo số liệu khảo sát của chúng tôi những năm 2000 thì bình quân giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp ở nông trường chỉ đạt 11 triệu/ha trong khi bình quân giá trị sản xuất của 1 ha đất nông nghiệp trên toàn quốc là 17,2 triệu/năm. Đáng chú ý là các nông trường lại quản lý những diện tích đất thuộc vào loại tốt nhất.
Hiện nay các nông, lâm trường phần lớn đã chuyển sang công ty nhưng đa số hoạt động chưa hiệu quả và rất vướng mắc trong việc cổ phần hóa. Vướng mắc đầu tiên là đất, xác định giá trị của đất và tài sản trên đất bao gồm cả cây cối lâu năm thế nào? Vướng mắc thứ hai là số nợ kinh niên chưa thể giải quyết được. Vướng mắc thứ ba là do một số đơn vị không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên làm thủ tục vay vốn rất khó.
Vướng mắc cuối cùng là nhiều lao động gần như bị bỏ rơi, không được đóng bảo hiểm bởi nông, lâm trường hoạt động gần như phát canh thu tô.
Không phải hễ muốn giao trả đất về cho địa phương là giao được ngay vì giải quyết tồn đọng nợ nần, chế độ với cán bộ, công nhân viên thế nào và cả vì lãnh đạo không muốn trao trả. Họ sợ khi giao cho địa phương đơn vị sẽ dễ bị giải thể, từ lãnh đạo sẽ thành thường dân nên muốn níu giữ cơ chế nhập nhằng cho dù hoạt động có kém hiệu quả đi chăng nữa.
Vậy liều thuốc nào dành cho các nông, lâm trường hiện nay?
Muốn hoạt động hiệu quả cần điều tra, phân loại. Những đơn vị làm ăn có hiệu quả cần phát huy, những đơn vị làm ăn thua lỗ, đời sống cán bộ công nhân viên kém quá thì dứt khoát giải thể, bàn giao cán bộ về cho địa phương quản lý.
Đây có thể là một giải pháp đau đớn nhưng theo tôi, thà đau một lần còn hơn. Nhà nước nên có chính sách đầu tư cho việc tổng kiểm kê toàn bộ đất đai hiện tại của nông, lâm trường rồi tiến hành cắm mốc. Tôi chắc chắn rằng diện tích đất quản lý được giao và diện tích quản lý thực tế sẽ có độ vênh nhau rất lớn. Hiện nay việc mua bán đất trái phép ở các nông, lâm trường đang rất tùm lum, cần phải siết lại.
 Đất là sở hữu nhà nước, không được bán. Đất là cái gốc của vấn đề nông, lâm trường. Ta nên sửa Luật đất đai theo cách phải giao đất trực tiếp cho từng cán bộ, công nhân viên trong các nông, lâm trường như là hộ nông dân được giao ruộng vậy.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Tin khác