Kho trữ lúa phải gắn với lợi ích nông dân

07/09/2012

Đầu tháng 9, giá lúa ở ĐBSCL tăng mạnh, phổ biến dao động ở mức 5.700 - 5.900 đồng/kg, tăng bình quân 700 - 900 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Điều trớ trêu là thời điểm này, hầu như nông dân trong vùng đã thu hoạch và đa số đã bán hết lúa hè thu. Cùng thời điểm này, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) khởi công xây dựng chợ chuyên doanh lúa gạo Thốt Nốt, với “hứa hẹn” sẽ dành một phần kho dự trữ để nông dân ký gởi lúa gạo, làm nóng lên câu chuyện trữ lúa sao có lợi nhất cho nông dân!

30% diện tích cho nông dân ký gửi lúa
Chợ chuyên doanh lúa gạo Thốt Nốt - Cần Thơ được xây dựng trên diện tích hơn 21,5 ha với tổng kinh phí gần 813 tỷ đồng. Theo đó, giai đoạn 1 công trình sẽ xây dựng trên diện tích hơn 10 ha, gồm 5 kho với tổng diện tích kho hơn 35.000m2, sân phơi lúa gần 11.000m2, toàn bộ dây chuyền, thiết bị chế biến lúa gạo và các hệ thống hạ tầng… dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm nay.
Riêng ở giai đoạn 2 sẽ tiếp tục triển khai các hệ thống kho dự trữ, bảo quản trên phần diện tích đất còn lại và hoàn tất vào cuối năm 2013. Khi đó, lượng lúa gạo giao dịch thông qua chợ khoảng 375.000 tấn/năm. Thốt Nốt là nơi có vị trí thuận lợi về giao thông thủy bộ với các tỉnh lân cận như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp là những tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất ĐBSCL. Khoảng gần 10 năm gần đây, Thốt Nốt đã trở thành khu vực kinh doanh lớn và sôi động về mua bán, chế biến gạo giữa nông dân, thương lái, doanh nghiệp, với sản lượng gạo hàng hóa khoảng 500.000 tấn/năm.
Cần có giải pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp - các địa phương sớm hoàn thành hệ thống kho trữ lúa xây mới.
 
Vinafood II được Chính phủ giao nhiệm vụ chính là tiêu thụ hết lúa hàng hóa vùng ĐBSCL sao có lợi nhất cho nông dân. Hàng năm Vinafood II thu mua, tồn trữ và chế biến lúa gạo với sản lượng khoảng 6 triệu tấn lúa (tương đương 3 triệu tấn gạo). “Mục tiêu của chợ chuyên doanh lúa gạo Thốt Nốt là nhằm thiết lập một trung tâm tồn trữ lúa gạo, kết hợp chợ chuyên doanh lúa gạo để người mua, người bán, người sản xuất, các nhà cung ứng dịch vụ nông nghiệp giao dịch dự trữ, chế biến và xuất khẩu gạo với khối lượng lớn một cách tốt nhất và sao cho nông dân có lợi nhất” - ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Tổng giám đốc Vinafood II, cho biết.
Được biết, khi công trình xây dựng hoàn thành sẽ đưa hệ thống kho dự trữ bảo quản với diện tích gần 75.000m2. Trong đó, dành 30% diện tích kho dự trữ cho nông dân ký gởi lúa gạo. “Vụ hè thu năm nay, tôi sử dụng giống IR 50404 gieo sạ 2,6ha, lúa đạt năng suất 6 tấn/ha. Vào lúc gia đình thu hoạch giá lúa giảm thấp. Thương lái thu mua tại ruộng với giá 3.600 đồng/kg. Biết rằng bán lúa với mức giá này sẽ bị lỗ vốn do mọi chi phí đầu tư tăng cao nhưng không còn cách nào khác vì phải trả tiền cho đại lý vật tư nông nghiệp” - nông dân Đặng Văn Tuấn, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, tiếc nuối khi giá lúa hè thu tại ruộng hiện nay vọt lên 4.900 đồng/kg.
Ông Tuấn tiếc nuối là phải, vì đã mất 1.000 đồng/kg nếu giữ lúa đến nay; tính trên 15 tấn lúa/2,6ha, ông Tuấn mất đứt 15 triệu đồng vì không khả năng trữ lúa đến nay!
Kho lớn mới trữ lúa hiệu quả
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, khoảng 100 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo hiện đạt tổng tích lượng kho 3,6 triệu tấn; trong đó, xây mới là 1,36 triệu tấn. Các kho đã đầu tư trước đây không đảm bảo kỹ thuật và hầu hết các kho chỉ dùng để chứa gạo lưu thông, xuất khẩu. Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang đã làm việc với các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Lương thực Hậu Giang, Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang… về tình hình triển khai xây dựng hệ thống kho tạm trữ lúa, gạo trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Xây dựng kho trữ lúa sẽ hỗ trợ nông dân rất nhiều.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thành Nhơn đã hoan nghênh các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng các kho lương thực tại tỉnh Hậu Giang. Được biết, Hậu Giang là một trong những tỉnh có tích lượng kho hiện có thấp nhất khu vực ĐBSCL với 60.000 tấn. Các tỉnh có tích lượng kho hiện có lớn nhất là: An Giang với 346.000 tấn, Cần Thơ 300.000 tấn, Đồng Tháp 200.000 tấn… Tổng tích lượng kho hiện có của ĐBSCL là gần 1,5 triệu tấn.
Theo Bộ NN-PTNT, tích lượng kho xây dựng mới là trên 3,1 triệu tấn. Trong đó, Vinafood II xây mới trên 855.000 tấn, số còn lại do các thành phần kinh tế khác thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng kho theo chương trình 4 triệu tấn kho dự trữ lúa của Chính phủ đang chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do hầu hết doanh nghiệp khi được phê duyệt dự án nhưng không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng, phải sử dụng vốn tự có hoặc các nguồn khác. Việc giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, làm cho một số dự án không triển khai được. Chính phủ đã có văn bản đồng ý kéo dài thời gian thực hiện dự án xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa tại ĐBSCL đến hết năm 2013.
Theo Bộ NN-PTNT, cần rà soát tổng thể việc triển khai các dự án của Vinafood I và Vinafood II. Nếu hai tổng công ty không thực hiện hết chỉ tiêu xây dựng mới kho thì đề nghị điều chỉnh chuyển giao cho UBND các tỉnh. Hiện các tỉnh trong vùng mong muốn Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sớm tìm tiếng nói chung, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp được phê duyệt đầu tư xây dựng kho mới về vốn vay, hỗ trợ lãi suất vay!
Hiện Bộ NN-PTNT đang mở rộng lấy ý kiến về quy chế tạm trữ lúa, gạo hỗ trợ trực tiếp cho hộ nông dân trồng lúa. Dù còn nhiều ý kiến khác nhau như hỗ trợ nông dân trữ lúa tại nhà hay gởi vào kho của doanh nghiệp. Song, đa số các ý kiến cho rằng nên công bố kế hoạch mua tạm trữ lúa, gạo ngay đầu vụ, tránh để nông dân thiệt thòi như hiện nay. Để chủ động giúp nông dân trữ lúa gạo, chọn thời điểm bán thích hợp; việc xây dựng hoàn chỉnh 4 triệu tấn kho tại vựa lúa ĐBSCL đang trở nên cấp bách!
Theo Sài Gòn giải phóng

Tin khác