Dạy nghề cho nông dân: Tăng chế tài, tìm cách làm mới

20/09/2012

Tại Hội nghị giao ban thực hiện Đề án 1956, Bộ LĐTBXH công bố dạy nghề nông dân mới chỉ đạt 28,4% kế hoạch. Ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề) nhận định, để đẩy mạnh tiến độ, các tỉnh cần chủ động hơn nữa.

Phối hợp chậm, làm chậm!
Tại Hội nghị giao ban thực hiện Đề án 1956, Bộ LĐTBXH cho rằng việc chậm triển khai đề án trong năm 2012 là do chậm về kinh phí. Theo ông, còn có nguyên nhân nào khác không?
- Việc chậm, ngoài vấn đề tài chính còn liên quan tới khâu tổ chức. Khi Đề án 1956 mới ban hành, bên cạnh việc tổ chức dạy nghề của các tỉnh, Tổng cục Dạy nghề tham gia xây dựng những mô hình điểm.
Hiện nay, việc dạy nghề nông dân đã chuyển về Bộ ngành, tổ chức nghề nghiệp như Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Liên minh Hợp tác xã, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi…
Dạy nghề thủ công mỹ nghệ cho nông dân Hưng Yên.
 
Ngoài ra, các tỉnh cũng được trao quyền chủ động triệt để trong việc chọn nghề, chọn chương trình và tổ chức lớp học… Ngành LĐTBXH có nhiệm vụ điều phối, tổng hợp các kế hoạch và kiểm tra. Những ngày đầu phối hợp, có rất nhiều vấn đề cần phải bàn bạc, tháo gỡ nên cũng mất nhiều thời gian.
Cụ thể việc phối hợp sẽ thế nào, thưa ông?
- Theo quy định mới, UBND tỉnh sẽ phê duyệt kế hoạch dạy nghề nông dân và phân bổ kinh phí. Các cơ quan được UBND cấp tỉnh ủy quyền đều có thể tổ chức lớp học trên cơ sở nhu cầu học nghề của nông dân, trình kế hoạch, nội dung đào tạo, cơ sở đào tạo, dự báo về việc làm sau đào tạo…
Sở LĐTBXH sẽ tổng hợp các kế hoạch này và thẩm định xem việc mở lớp có đúng không, có phù hợp nhu cầu của lao động không và làm kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt. Công việc này không mới nhưng vì có sự hoán đổi nhiệm vụ nên một số chính sách cũng phải sửa cho phù hợp.
Trong cuộc họp, báo cáo của các tỉnh cho thấy có một số tỉnh đã tổ chức mở lớp được 70% kế hoạch, trong khi có tới 14 tỉnh chưa khởi động tổ chức lớp. Vì sao cùng một hoàn cảnh, có tỉnh làm được, có tỉnh lại chưa làm được?
- Một số tỉnh đã hoàn thành 70% kế hoạch dạy nghề như Hậu Giang, Đồng Nai là do họ chuyển kế hoạch từ năm 2011 sang. Chẳng hạn như Hậu Giang có tới 112 lớp chuyển kinh phí từ năm 2011 sang năm 2012 để mở lớp.
Ngoài ra, các tỉnh này cũng bổ sung thêm kinh phí cho dạy nghề, thậm chí còn tự cân đối kinh phí để dạy nghề mà không chờ kinh phí T.Ư phân bổ nên họ làm rất chủ động. Như tỉnh Đồng Nai chi 30 tỷ đồng, Cần Thơ chi 7 tỷ đồng. 14 tỉnh triển khai chậm là những tỉnh trông chờ vào ngân sách T.Ư. Như vậy, muốn đẩy nhanh tiến độ, vai trò của chủ động của các tỉnh và hạt nhân là cấp huyện rất quan trọng
Tìm cách làm mới
Ông có nhận định, các Sở LĐTBXH đã thực hiện vai trò điều phối và kiểm tra việc mở lớp, nếu lớp học không chuẩn sẽ tuýt còi. Thực tế đã có lớp học “không chuẩn” nào bị tuýt còi chưa, thưa ông?
- Ta phải nhìn nhận với nhau công bằng thế này, nông dân hiện nay không lãng phí thời gian đi học những thứ vô bổ. Thực tế các lớp học đều mở ra trên nhu cầu thật sự của bà con, vì nếu không thật, hoặc dạy không thực chất, họ sẽ không đi học. Không có chuyện họ tới ghi tên rồi bỏ về. Tuy nhiên, cũng có một số lớp học mở ra, bà con đi học được một thời gian thì bỏ nửa chừng, vì vướng việc đồng áng, vì lý do cá nhân… Những lớp học mà vắng quá nhiều như vậy thì tất yếu sau đào tạo sẽ không đạt tiêu chí 70% trở lên có việc làm. Như vậy ở đây, vai trò thẩm định rất quan trọng.
Việc “tuýt còi” cũng đã có, Đề án 1956 có chế tài những lớp học mà không đạt trên 70% có việc làm thì cứ mỗi % việc làm giảm đi sẽ phạt 5% kinh phí. Sắp tới, chế tài có thể bổ sung thêm là đơn vị mở lớp, cơ sở đào tạo mà không hiệu quả sẽ bị loại ra khỏi danh sách tham gia dạy nghề nông dân.
Quý IV/2012, Tổng cục Dạy nghề thực hiện việc thanh tra dạy nghề nông dân trên diện rộng. Theo đó, sẽ có 7 đoàn thanh tra đi 7 khu vực thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động phối hợp dạy nghề, các vấn đề về tài chính, thực tế mở lớp…
Từ nay tới cuối năm chỉ còn hơn 3 tháng, làm thế nào để vừa đạt tiêu chí việc làm, vừa đạt tỷ lệ người được học như mong muốn?
- Dạy nghề nông dân hiện cũng có trở ngại là do kinh tế khó khăn, sản xuất và kinh doanh ở nhiều nơi bị đình trệ nên vấn đề tạo việc làm ngắn hạn hay chuyển đổi việc làm rất khó, ngay cả ở trong lĩnh vực nông nghiệp. Vấn đề này ngành LĐTBXH hay ngành nào cũng không tháo gỡ được vì đó là vấn đề của cả nền kinh tế.
Hiện Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và một số mô hình điểm cũng có cách làm hay là đào tạo lao động cho các tập đoàn, các tổng công ty. Hoặc các tỉnh liên kết với các viện nghiên cứu để chuyển giao kỹ thuật mới nhất cho bà con sản xuất, liên kết với doanh nghiệp để dạy nghề có địa chỉ. Về chỉ tiêu, giờ khó đặt vấn đề kịp hay không kịp, mà quan trọng là chất lượng đào tạo và khả năng tạo việc làm.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/104609p1c34/day-nghe-cho-nong-dan-tang-che-taitim-cach-lam-moi.htm


Tin khác