An ninh lương thực là vấn đề sống còn

24/09/2012

Nền sản xuất lúa gạo Việt Nam đã có những bước tăng trưởng hết sức ấn tượng trong một phần tư thế kỷ vừa qua. Tuy nhiên, thu nhập của người nông dân trồng lúa hiện nay vẫn bấp bênh, không được đảm bảo. Việc đề xuất những chính sách an ninh lương thực bền vững hướng đến người trồng lúa, người nghèo là hết sức cần thiết.

Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh lương thực Việt Nam, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, để giải được bài toán an ninh lương thực ở Việt Nam, trước hết hội thảo cần trao đổi, làm rõ bức tranh an ninh lương thực sẽ thế nào vào năm 2050, khi dân số toàn cầu đạt 9 tỷ người, cần có giải pháp cụ thể thế nào về tình trạng khan hiếm lương thực, ở Việt Nam, an ninh lương thực được đề cao tới đâu, và cuối cùng là trong xu thế an ninh lương thực đang là mối quan tâm lớn, vai trò của các chủ thể kinh tế, Chính phủ, các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp với vấn đề này.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khoảng 130 triệu người vào năm 2035 phải cần tới 36 triệu tấn thóc. Để đạt được sản lượng này cần phải duy trì tối thiểu 3 triệu ha đất chuyên lúa 2 vụ để có 6 triệu ha gieo trồng. Theo dự báo, đến năm 2024, dân số nước ta sẽ vượt ngưỡng 100 triệu người, trong khi đó Ngân hàng Thế giới lại dự báo, đến năm 2030, tổng sản lượng lương thực của Việt Nam sẽ giảm khoảng 5 triệu tấn. Nguyên nhân giảm năng suất lúa chủ yếu là do sâu bệnh phá hoại mùa màng, kỹ thuật chăm sóc cây trồng chưa được tốt.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã và đang có những biện pháp tích cực để đảm bảo an toàn lương thực trong thời gian tới. Cụ thể, thời gian tới, Bộ sẽ đưa ra nhiều chương trình hướng dẫn, đào tạo giúp người nông dân Việt Nam tăng cường hiểu biết về các biện pháp phòng tránh mất mùa cũng như nâng cao kiến thức khoa học để bảo vệ lúa và giống cây trồng hiệu quả.
Theo ông Đào Quốc Luận - Vụ phó Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Việt Nam đã đặt mục tiêu sẽ chấm dứt tình trạng thiếu đói vào năm 2012, nâng cao mức độ an ninh lương thực cho các nhóm nguy cơ thiếu lương thực; cải thiện tình trạng dinh dưỡng, hướng tới cân đối dinh dưỡng; cải thiện cơ cấu lương thực và chất lượng tiêu dùng lương thực.
“Việt Nam sẽ giữ vững 3,8 triệu hecta lúa hiện tại, với mức sản lượng 43 triệu tấn thóc, đồng thời các ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản sẽ được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Việt Nam sẽ phát triển công nghiệp chế biến, giảm tổn thất, nâng cao chất lượng và giá trị lương thực cũng như nâng cao khả năng tiếp cận lương thực cho người dân”, ông Luận cho biết.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/9/36399.html


Tin khác