Thay đổi tư duy để định vị lại ngành nông nghiệp

02/09/2012

“Người nông dân không thể tự túm tóc mình để nâng mình lên được. Họ chỉ có thể xoay chuyển được tình hình trong giai đoạn đầu phát triển như dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… chứ khi kinh doanh ra đến chuỗi toàn cầu, đi vào chế biến sâu thì phải toàn bộ hệ thống phải vào cuộc. Phải thay đổi cả tư duy quản lý và quan niệm xã hội mới có được một nền nông nghiệp hiện đại, đưa được người nông dân vào trong chuỗi giá trị cao của sản xuất nông nghiệp”, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị.

 TS Đặng Kim Sơn
 Thưa ông, có ý kiến cho rằng, trong khủng hoảng kinh tế vừa qua, nông nghiệp đã cho thấy vai trò trụ đỡ nền kinh tế, ý kiến của ông?
Không phải đến khủng hoảng này mà đóng góp của ngành nông nghiệp cho đất nước vào lúc khó khăn thì ta đã thấy ba lần: cuối năm 1980, khi xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, công nghiệp tăng trưởng âm, nông nghiệp và dịch vụ phát triển rất mạnh nhờ có khoán 10, và chỉ thị 100.
Thứ hai là vào cuối những năm 1990, khi Đông Nam Á rơi vào khủng hoảng, lần này ở Việt Nam cả công nghiệp và dịch vụ đều giảm tăng trưởng vì khi đó Đông Nam Á là thị trường chính và khách hàng chính. Nông nghiệp khi đó có đổi mới mạnh mẽ nên không chỉ phát triển bình thường mà còn tăng trưởng. Nhờ nông nghiệp mà Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi ở Đông Nam Á không rơi vào khủng hoảng.
Lần này là lần thứ ba, khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới diễn ra, thì nông nghiệp của ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt, nhờ đó đã cứu cánh cho cả nền kinh tế trên nhiều mặt: Trước tiên là đảm bảo được an ninh lương thực và nhu cầu thực phẩm; giữ cho giá cả chung ở mức thấp, vì trong rổ hàng hóa tính CPI thì lương thực thực phẩm chiếm tỉ trọng lớn. Trong cả ba lần khủng hoảng đều gắn với lạm phát, nếu lạm phát không có cái đỡ của giá lương thực thực phẩm ở mức độ thấp thì càng làm cho cán cân thương mại khó cứu.
Trong khủng hoảng lần này, Việt Nam đã hội nhập tương đối sâu, nên thị trường ta bị tác động giá cả đầu vào và đầu ra lớn, thời gian gần đây Việt Nam luôn nhập siêu nhưng chỉ có nông nghiệp là xuất siêu, càng khủng hoảng thì Việt Nam càng đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, và năm ngoái đạt kỷ lục 25 tỉ đô la Mỹ. Thứ nữa là một khi khủng hoảng thì nhà máy công xưởng đóng cửa, lao động nước ngoài cũng trở về, lại quay về với nông thôn, dù không giàu nhưng đủ sống, tạo ra việc làm tại chỗ.
Vì những tác động lớn như thế nên nông nghiệp được coi là tấm đệm cho kinh tế đất nước mỗi khi khó khăn.
Thực tế đời sống người nông dân rất khó khăn. Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang từng nói, việc thu mua lúa đảm bảo cho người nông dân có lời 30% là chưa tính đúng tính đủ chi phí. Làm sao để nông dân tái tạo sức lao động, gắn bó lâu dài với đồng ruộng?
Anh Nhị nói hoàn toàn đúng nhưng ở đây có sự nhầm lẫn. Trước tình trạng phát triển công nghiệp ào ạt, thiếu quy hoạch, lấy vào đất bờ xôi ruộng mật, đất có công trình thuỷ lợi, đất có độ phì cao để chuyển sang làm dự án phi nông nghiệp, bỏ hoang… thì mọi người sốt ruột, đặt ra vấn đề giữ đất lúa. Nhưng câu chuyện cần đặt ra là giữ đất nông nghiệp chứ không chỉ đất lúa. Tức là tư liệu sản xuất quan trọng để tạo ra việc làm và thu nhập căn bản cho người dân nông thôn.
Nếu có sức lao động cộng đất đai thì sẽ ra của cải, còn nếu có sức lao động mà không có đất đai, vẫn giữ hệ thống sản xuất nông nghiệp như hiện nay thì người nông dân vẫn nghèo. Chính thế cho nên phải bảo vệ từng tấc đất nông nghiệp hiệu quả. Nếu chỉ giữ đất làm lúa thì hiệu quả kinh tế không cao, chưa kể lúa tốn nhiều nước nhất, trong khi tài nguyên nước đang rất thiếu. Chúng ta xuất phát lợi thế lúa nhưng chúng ta không nên làm lúa bằng mọi cách.
Nông dân An Giang thu hoạch cá. Đời sống của nông dân nuôi cá lên xuống theo giá cá trên thị trường.
 
Cả chục năm nay chúng ta vẫn nói phải hướng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa… nhưng thực tế nền nông nghiệp ta vẫn đang giai đoạn thấp nhất- hay nói cách khác là người nông dân vẫn chỉ tham gia công đoạn thấp nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm và chịu quá nhiều rủi ro?
Tăng giá trị sản phẩm là cả hệ thống sản xuất từ giống, biện pháp canh tác, bảo quản chế biến, thương mại. Cho đến gần đây ta chỉ tập trung khuyến khích sản xuất theo hướng tăng sản lượng, năng suất. Gần đây có chú ý đến hiệu quả.
Tuy nhiên cách quản lý sản xuất cắt đoạn theo ngành không khuyến khích cho người nông dân gắn với người kinh doanh, người làm công nghiệp. Bộ Nông nghiệp tập trung sản xuất, phần chế biến, thương mại thì bộ Công thương, ví dụ tính GDP cho nông nghiệp thì chỉ phần sản xuất, còn phần chế biến có giá trị cao hơn thì rơi vào bộ khác. Tương tự, các tỉnh sản xuất nông nghiệp thì thu ngân sách chủ yếu sản xuất chứ chế biến thì lại đưa về trung ương hoặc ít nhất ở tỉnh chứ không ở huyện, ở xã.
Chính cách tổ chức sản xuất cắt đoạn như thế nó không khuyến khích và thể hiện được bản chất tự nhiên của cả chuỗi giá trị của mỗi ngành hàng. Càng lên cao thì chuỗi giá trị càng cao nhưng chuỗi giá trị đấy phải bắt nguồn từ sản phẩm đầu tiên. Khâu đầu tiên mà hỏng thì toàn bộ chuỗi giá trị ấy cũng thất bại.
Như lúa gạo hiện nay họ tổ chức cánh đồng mẫu lớn, tổ chức thuỷ lợi thống nhất, phối cùng một giống, tổ chức sản xuất trong cùng một ngày, thu hoạch bằng máy, sấy đảm bảo độ ẩm tốt, sau đó mới chế biến, đống bao và đề nhãn hiệu được. Chứ nếu hàng trăm giống trộn vào với nhau thì không thể.
Từ đó, nếu chế biến sâu thì có nhiều nông sản, như cao su, cà phê thì giá trị 70 - 80% nằm ở khâu chế biến, nhưng ở Việt Nam rất ít. Nếu như ở Đài Loan thập kỷ 60 khi bắt đầu công nghiệp hoá thì 90% sản phẩm nông sản của họ là chế biến. Còn ở ta, đã đẩy mạnh công nghiệp hoá nhưng 80 - 90% vẫn là xuất khẩu thô. Đấy là chưa nói thương hiệu, tiêu chuẩn, chuỗi phân phối. Tất cả khâu đấy mới đem lại giá trị.
Muốn có khâu cuối phải có khâu đầu, nếu nông dân sản xuất nhỏ lẻ, quá đa dạng, không theo tiêu chuẩn nào cả, nếu chế biến đàng sau không lần ngược được quy trình, tiêu chuẩn, xuất xứ thì không ai dám đưa ra thương hiệu, đảm bảo an toàn vệ sinh lương thực… Chính vì thế vấn đề là phải có nền nông nghiệp khác, nền nông nghiệp mà nông- công- thương gắn với nhau.
Vật tư nông nghiệp đã được các Đại lý cho mua nợ (có tính lãi suất theo lãi suất ngân hàng), tới mùa nông dân bán lại nông sản theo giá hiện tại. Trong ảnh: Nông dân chở phân ra đồng.
 
Bước đầu ta đã có những mô hình như thế rồi đấy chứ, như cánh đồng mẫu ở An Giang. Vậy ông đánh giá thế nào về mô hình này?
Ta có những mô hình rồi nhưng tỉ trọng nhỏ, hiệu quả chưa hoàn chỉnh, ví dụ sản xuất sữa, đương nhiên nhà máy phải dựa vào chuỗi sản xuất của nông dân. Nhà máy đường cũng vậy: gắn với nguyên liệu của nông dân; hay ngành bông… những cái gắn với công nghiệp chế biến.
Nhưng nói chưa hoàn chỉnh là vì trong nhiều trường hợp, đây chỉ là quan hệ hai bên với nhau: người nông dân cứ sản xuất, nhà máy chế biến thì cứ chế biến, hai bên ký hợp đồng với nhau - thường là hợp đồng một chiều mua nông sản chứ chưa có nhiều nhà máy đưa vật tư xuống, đưa kỷ thuật, giống, vốn đến cho nông dân - tức hợp đồng hai chiều. Càng ít mô hình không dừng lại ở hợp đồng mà trở thành tổ hợp với nhau như anh nông dân bỏ cổ phần vào nhà máy, nhà máy thì đầu tư vào đồng ruộng. Ngay cánh đầu mẫu lớn cũng chưa làm.
Thế cho nên ta hay nghe chuyện anh nông dân “bẻ kèo”, ông nhà máy “lật cánh”, ví dụ như nhà máy chế biến cá tra, tôm thì phải là ngành rất gắn bó với nông dân nhưng chuyện như thế lại xẩy ra với họ.
Cánh đồng mẫu lớn, trừ An Giang khá tốt, còn lại đều gặp khó khăn, đa số chỉ “gắn” (với nông dân) chứ chưa “bó”.
Nghĩa là về lý thuyết thì đó là mô hình toàn diện, hoàn chỉnh, ưu việt là thế nhưng trên thực tế không diễn ra được?
Trên lý thuyết “hai nhà là một”, tức nhà máy đấy thì đầu tư cho mảnh ruộng đấy: xây dựng đồng ruộng, thuỷ lợi, đưa cán bộ kĩ thuật xuống, ứng vốn. Còn nông dân không chỉ là người sản xuất mà là thành viên của chuỗi đấy, nhà máy được lợi thì họ được lợi, nhà máy khó khăn thì họ cũng mất cái lợi, nghĩa là rủi ro cũng chia nhau. Khi nhắc đến một thương hiệu nào đấy làm sao cả nông dân ở đấy cũng mang cái tên ấy, nhà máy cũng gắn với cái tên đấy. Nông dân vùng bên cạnh không được đi vào đấy, nhà máy khác không được mua sản phẩm của vùng này. Thực tiễn diễn ra hoàn toàn khác, chúng ta không có.
Đây không phải là chuyện xử lý bằng ý thức mà là một biện pháp về tổ chức. Hai bên là một, hoặc có thể gọi là liên hiệp, cả hai bên đều là thành viên của liên hiệp ấy cả. Liên hiệp ấy, tổ chức ấy chung nhau không chỉ về tên gọi mà chung nhau về thị trường, về vốn, cả rủi ro. Khi chung nhau một hiệp hội, thì ông chỉ huy không phải là nhà máy mà có đại diện của nông dân, đại diện của anh chế biến, đại diện của anh kinh doanh. Một số nước tổ chức hiệp hội ngành hàng như thế, ví dụ ngành cọ dầu của Malaixia, ngành cà phê của Brazil.
Đấy không phải là quan hệ hợp đồng với nhau mà là một thể chế. Đó là cách làm mới mà chúng ta chưa có.
Chuyên gia kỹ thuật của công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao đang hướng dẫn nông dân đo thành phần của đất để xác lập quy trình sản xuất cây tiêu .
 
Chưa có vì chúng ta chưa nhận thức được?
Chúng ta chưa nhận thức được như thế. Bấy lâu chúng ta nói về hợp đồng với nông dân, chúng ta nói về liên kết “bốn nhà”, thậm chí chúng ta nói về hiệp hội nhưng hiệp hội có doanh nhân chứ không bao giờ có nông dân. Có hiệp hội có nông dân nhưng không có doanh nhân nào. Đấy là chưa kể hiệp hội của chúng ta chưa được nhà nước phân quyền mà các cơ quan nhà nước nắm. Chúng ta chỉ trông nó “giông giống” thôi chứ không phải là chuỗi ngành hàng, chuỗi giá trị.
Vậy Nhà nước cần giúp gì? Nó mắc ở thể chế hay ở đâu?
Giống như đổi mới trước đây, khi giao tư liệu sản xuất căn bản cho người nông dân. Trước đây chúng ta tư duy sai hai cái, một là tất cả tư liệu sản xuất là phải nằm trong tay quốc dân, tập thể. Sau đó chúng ta mới thấy vây là không ổn nên mới giao cho dân, chia lại cho dân. Hai là chúng ta nghĩ thị trường cạnh tranh bừa bãi nên phải do nhà nước quản lý. Sau đó chúng ta phát hiện ra thị trường tự điều chỉnh.
Bây giờ chúng ta vẫn nghĩ thị trường có thể xử lý được quan hệ giữa nông dân với doanh nghiệp nên mới nói đến hợp đồng nông dân với doanh nghiệp, hợp đồng “bốn nhà”. Không phải! Vấn đề phải xử lý bằng thể chế, tổ chức. Cần phải thay đổi tư duy.
Tư duy cần phải thay đổi nữa là tất cả các dịch vụ công, điều hành về sản xuất kinh doanh là phải nhà nước làm, từng bộ phụ trách từng khâu. Không hẳn như thế. Có những cái cần phân cấp phân quyền cho các thành phần kinh tế tham gia làm. Bao giờ thay đổi được tư duy đó thì ta mới có đột phá lớn để có được những tổ chức ngành hàng lớn.
Không chỉ tư duy quản lý mà ngay trong quan niệm xã hội cũng cần thay đổi?
Tư duy tôi nói ở đây chính là tư duy xã hội chứ không phải của nhà nước. Là tư duy toàn dân, của mọi người, bản thân người dân đừng ỉ lại nhà nước, làm ăn thất bát đừng kêu nhà nước.
Vậy e là quãng đường để đến được với một nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa còn rất xa vời?
Xa hay gần là ở chúng ta có nhận thức được vấn đề và quyết tâm làm hay không. Chúng ta mất hàng chục năm để xây dựng hợp tác xã và xây dựng quản lý thị trường kế hoạch. Đến khi chúng ta biết rằng nó sai thì chúng ta thay đổi chỉ trong vài năm.
Câu chuyện này cũng như thế, chúng ta đã mất hàng chục năm để tìm sự gắn bó giữa người nông dân với thị trường, rồi cải tiến dịch vụ công nhưng vẫn chưa ổn. Nếu một ngày nào đó tất cả mọi người đều thấy cần thay đổi lại thì công việc diễn ra rất nhanh.
Khi các tiền đề như ông nói đều sẵn sàng để thay đổi thì ông hình dung nền nông nghiệp khi ấy ra sao?
Nói đơn giản thôi thì Việt Nam có một số ngành hàng lớn: cà phê, lúa gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản… Các ngành hàng ấy sẽ xuất hiện các hiệp hội ngành hàng cực mạnh. Sẽ có những tập đoàn lúa gạo Nam bộ chẳng hạn mà trong lãnh đạo của tập đoàn ấy có đại diện của nông dân- là những người trồng lúa giỏi nhất ở đồng bằng sông Cửu Long; có mặt những nhà khoa học xuất sắc về giống, có những nhà kinh doanh giỏi trên thế giới về lúa gạo. Những người đó sẽ điều hành với những vùng sản xuất được tổ chức quy mô, thủy lợi hoàn chỉnh, kho tàng bến bãi cẩn thận.
Các trang trại lớn cơ giới hóa cao, toàn bộ làm theo một tiêu chuẩn thống nhất, con giống thống nhất, sản phẩm từ đấy đi ra khắp toàn cầu chứ không còn là bán trao tay cho trung gian. Chúng ta sẽ có bảy, tám ngành hàng mũi nhọn như thế.
Người làm nông nghiệp thiếu mọi thứ: vốn, kỹ thuật, dự báo thị trường, bảo hiểm...
 
Giấc mơ ấy thật đẹp, nhưng trở lại với thực tại, nông dân vẫn đối mặt với nhiều rủi ro: giá cao một chút nhưng ngày mai còn cao không? Rủi ro về dịch bệnh cũng vậy?
Nếu sản xuất như thế này thì họ luôn luôn phải chịu những rủi ro. Khi làm được như trên thì công tác dự báo thị trường sẽ có tập đoàn lo. Xuất nhập khẩu cũng họ quyết định chứ không còn là nhà nước. Các lưới bảo hiểm cũng không còn đáng lo vì tập đoàn sẽ đưa giống, phân bón xuống, không còn lo chuyện sốt giá, phân bón giả. Làm sao họ đưa đồ giả vào khi quyền lợi của họ cũng gắn trong đó. Thậm chí chuyện vay vốn ngân hàng cũng dễ hơn rất nhiều.
Bây giờ cứ manh mún, nhỏ lẻ thì với con thuyền nhỏ đi ra đại dương lớn của cạnh tranh thị trường đương nhiên sẽ gặp sóng gió. Đã đến lúc chúng ta phải có tàu lớn, có những hạm đội để ra đại dương. Trong khi chúng ta loay hoay với Vinashin, Vinalines chúng ta quên mất thế mạnh này của nông nghiệp.
Nhưng người nông dân vẫn quen với cách làm truyền thống ấy, vậy làm sao để họ tự thay đổi?
Đây là phải thay đổi toàn bộ hệ thống. Phải có anh doanh nghiệp, công nghiệp, anh khoa học, ngân hàng bước vào. Đây không là câu chuyện của người nông dân. Nông dân sao túm tóc mình nhấc mình lên được. Họ chỉ có thể xoay chuyển được tình hình trong giai đoạn đầu phát triển như dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… chứ khi kinh doanh ra đến chuỗi toàn cầu như thế, chế biến sâu như thế, áp dụng những tiêu chuẩn toàn câu như vậy thì phải toàn bộ hệ thống vào cuộc.
Cách thức nào để họ đi vào đi chuỗi giá trị ấy?
Có ba cách: một là nông dân tổ chức lại với nhau thành những hợp tác xã; các hợp tác xã tổ chức thành những hiệp hội. Cách này chắc nhưng chậm vì tích lũy của người dân rất ít, hầu như chỉ đủ để tái sản xuất giản đơn.
Cách hai là phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn để một đầu họ nối với thị trường, đầu kia nối với nông dân. Cách này nhanh hơn cách trên nhưng đòi hỏi môi trường đầu tư rất thông thoáng và thuận lợi. Thực tế hiện chỉ một số tỉnh thực sự quan tâm là những tỉnh có thứ hạng cao trong bảng thứ hạng chỉ số cạnh tranh, có cơ hội thành công hơn.
Cách ba là nối từ đô thị xuống, đưa từ bên ngoài vào: kết nối với các công ty xuyên quốc gia, kết nối với các chuỗi giá trị của các siêu thị. Cách này chỉ làm được với các mặt hàng có giá trị gia tăng mà được bên ngoài họ chú ý như với cà phê, thủy sản. Còn với những mặt hàng lợi ích thấp, bị chính sách bóp méo nhiều như lúa gạo thì rất khó được quan tâm.
Hiện con đường bình thường thì chỉ có ba cách, nhưng có con đường chiến lược, làm thành ưu tiên quốc gia như đã từng xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất thì chúng ta mới xây dựng được. Khó, nhưng có lẽ là con đường duy nhất để Việt Nam công nghiệp hóa thành công.
Nông nghiệp gắn chặt với đất đai, vậy trước khi thay đổi những tư duy, quan niệm như ông nói thì cụ thể với vấn đề đất đai, cần có thay đổi gì về chính sách?
Nếu muốn triệt để thì phải thay đổi về sở hữu nhưng vấn đề này hiện giờ có lẽ rất khó.
Trước mắt cần tháo hạn điền, thời gian giao đất kéo dài ra, định giá đất sát thị trường, chính sách đền bù… Ngoài ra xử lí đất trong tay nông lâm trường, quy hoạch đất đai… Những chuyện này cần tháo gỡ và cần quyết tâm chính trị. Tất nhiên, không riêng gì đất đai mà thị trường tài chính, khoa học công công nghệ, thị trường tài chính cũng phải thay đổi lớn như đất đai mới xử lí được.
Cám ơn ông!
Theo Sài Gòn Tiếp thị

 


Tin khác