Xuất khẩu nông sản: Điểm sáng và những bất ổn

25/09/2012

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn thì việc có đến 7 mặt hàng nông sản của Việt Nam gia nhập câu lạc bộ đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên (thủy sản, lúa gạo, càphê, cao su, đồ gỗ, khoai mì, hạt điều) đã đưa nông nghiệp trở thành điểm sáng trong nền kinh tế.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng mặt hàng thủy sản, trong đó có cá tra, vẫn nằm trong danh sách CLB 1 tỷ USD.
Chinh phục đỉnh cao mới
Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản tháng 8 ước đạt 1,75 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2012 ước đạt 13,96 tỷ USD, chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2011.
Nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu tháng 8 của nhóm hàng nông sản giảm so với cùng kỳ là do giá xuất khẩu trong tháng của hầu hết các mặt hàng (trừ hạt tiêu) giảm so với giá xuất khẩu cùng kỳ. Trong đó, mặt hàng có kim ngạch giảm mạnh là nhân điều, giảm 41,6% (lượng giảm 6%, giá giảm 39%), gạo giảm 19% (lượng giảm 1,7%, giá giảm 18%), cao su giảm 16% (lượng tăng 29%, giá giảm 35%). Hạt tiêu là mặt hàng duy nhất trong nhóm có giá xuất khẩu tháng 8 tăng so với cùng kỳ (tăng 3%) nhưng do lượng xuất khẩu giảm mạnh (giảm 53%) nên kim ngạch xuất khẩu giảm tới 51,2% so với cùng kỳ.
Điều đáng ghi nhận là lần đầu tiên khoai mì (sắn) gia nhập câu lạc bộ kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Hiện, sản lượng xuất khẩu của khoai mì và các sản phẩm từ khoai mì tăng khá mạnh, 49% so với cùng kỳ năm 2010 và 67,5% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, có vẻ như đang tồn tại một nghịch lý là trong khi giá thu mua mì giảm mạnh, đẩy nông dân vào tình trạng thua lỗ thì sản lượng xuất khẩu vẫn tăng đều.
Càphê, hồ tiêu tiếp tục là hai "chiến binh" chinh phục được những mốc mới trong lĩnh vực xuất khẩu cả về sản lượng lẫn giá trị. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2012, sản lượng xuất khẩu càphê của Việt Nam đạt trên 1,26 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,68 tỷ USD, tăng 30% về lượng và 25,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính càphê xuất khẩu trong niên vụ từ tháng 10/2011 đến hết niên vụ (tháng 9/2012) thì khối lượng càphê xuất khẩu của Việt Nam niên vụ vừa qua lên đến 1,5 triệu tấn, kim ngạch trên 3 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Đáng mừng hơn là sau những nỗ lực của doanh nghiệp và nông dân trong việc sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thì sản lượng càphê xuất khẩu loại 1 đã tăng lên. Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), bằng việc đầu tư vào dây chuyền chế biến để làm càphê chất lượng cao thì mỗi tấn càphê xuất khẩu có thể tăng thêm giá trị từ 65-100 USD. Đặc biệt là với giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, nông dân là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Cần chiến lược lâu dài
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và nhiều ngành sản xuất trong nước đang gặp nhiều khó khăn thì việc nhiều mặt hàng nông sản liên tục chinh phục những đỉnh cao mới đã cho thấy lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn thể hiện vai trò "trụ đỡ" cho nền kinh tế. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu nông sản nhiều năm gần đây luôn đạt 22 -23%/năm, trong hai năm 2010-2011, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 15-20 tỷ USD, chiếm 20-21% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Xuất khẩu càphê liên tục khởi sắc.
 
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một nghịch lý là, dù nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam thuộc top đầu thế giới nhưng sức cạnh tranh rất yếu và không thể hiện được vị thế của người đứng đầu, có nghĩa là không quyết định được giá xuất khẩu của thế giới. Nguyên nhân là do chúng ta chủ yếu chạy theo số lượng, các doanh nghiệp cũng không liên kết với nông dân để hình thành vùng nguyên liệu ổn định mà chỉ thu mua theo mùa vụ, khi thiếu hàng có thể "nhảy" vào vùng nguyên liệu của đơn vị khác để thu mua, còn khi ế ẩm lại ép giá nông dân.
Sự bất ổn trong quá trình sản xuất và xuất khẩu còn thể hiện ở chỗ, nông dân vẫn chạy theo phong trào khi ồ ạt trồng khoai mì, tiêu khi giá các mặt hàng này tăng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cơ cấu cây trồng ở nhiều địa phương mà còn phá vỡ quy hoạch vùng, nhiều diện tích rừng cũng tan hoang.
Theo dự báo, trong những tháng cuối năm 2012, kinh tế thế giới sẽ chuyển biến tốt hơn từ cuối quý III do sức tiêu thụ của các thị trường phục hồi. Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá đây là tín hiệu tốt cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, dự kiến xuất khẩu cả năm đạt 26,5 tỷ USD.
Sự bất ổn còn thể hiện ở việc chúng ta không phát huy được vai trò chủ đạo, vị thế độc tôn, không biết cách nâng tầm cái mà chỉ chúng ta có. Đơn cử như sản phẩm cá tra, trên thế giới chỉ có Việt Nam xuất khẩu loại thủy sản này vậy nhưng do nhiều nguyên nhân (chủ yếu là do khủng hoảng kinh tế nên sức mua giảm) nên các doanh nghiệp lại hạ giá xuất khẩu. Điều này có khác gì mình tự hạ thấp giá trị bản thân. Nhưng hệ quả sâu xa hơn của việc làm này là đẩy hàng nghìn nông dân vào cảnh thua lỗ, đẩy ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra rơi xuống bờ vực khi hàng loạt doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải có một chiến lược dài hơi cho xuất khẩu nông sản, thay vì tình trạng mạnh ai nấy làm như hiện nay, trong đó có việc triển khai xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu để nâng cao chất lượng, hiệu quả xuất khẩu; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường nước ngoài; xây dựng và phát triển thương hiệu các mặt hàng nông sản có thế mạnh... 
Theo Kinh tê nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/9/36429.html


Tin khác