Cho nông dân tạm trữ lúa gạo: Sẽ không “bàn lùi”

26/09/2012

Mặc dù còn nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc cho nông dân trực tiếp tạm trữ lúa gạo và vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo, nhưng Bộ NNPTNT đã chính thức đưa ra quan điểm là sẽ không “bàn lùi”...

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng tại Hội nghị sơ kết sản xuất lúa vụ hè thu, thu đông và mùa năm 2012 tổ chức ở Long An cuối tuần trước, đã khẳng định sẽ cho nông dân trực tiếp tạm trữ lúa trên tinh thần khó thì gỡ khó, khó thì làm ít trước, sau tăng dần.
Nông dân có thể tạm trữ lúa tại nhà, không cần xây kho nếu bảo đảm được các điều kiện về bảo quản.
 
Để nông dân hưởng lợi
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nêu quan điểm, nếu cứ cho rằng nông dân (ND) không thể tạm trữ được, doanh nghiệp (DN) không thể mua lúa trực tiếp với ND để tạm trữ thì không có lối ra để giải quyết cơ chế tạm trữ hỗ trợ trực tiếp cho ND. Bởi việc tạm trữ là lâu dài, không phải chỉ áp dụng trong 1, 2 năm. Vì vậy trong quá trình đó, cơ sở vật chất cho tạm trữ ở cấp độ ND sẽ được cải thiện do các chính sách của Nhà nước tác động.
“Một vài năm đầu có thể số ND có điều kiện tạm trữ ít nhưng sẽ tăng dần ở các năm sau, số lượng lúa được DN bao tiêu trực tiếp cũng sẽ tăng lên. Nói chung phải kiên trì với mục đích là việc hỗ trợ lãi suất để tạm trữ, ND phải trực tiếp được hưởng lợi” – Thứ trưởng Bổng kiên quyết.
Để ND có thể tham gia tạm trữ thuận lợi, Bộ NNPTNT cũng xác định các điều kiện về cơ sở vật chất để tạm trữ sẽ đơn giản hơn, chủ yếu quy định về điều kiện bảo quản chứ không bắt buộc phải xây kho nữa và chỉ tạm trữ lúa, không tạm trữ gạo. Giá định hướng cũng bảo đảm ND có lãi 30% cho từng vụ chứ không phải tính bình quân cả năm. Các điều kiện về chứng nhận, giám sát việc tạm trữ cũng rành mạch, đơn giản và dễ thực hiện hơn.
Trao quyền cho các tỉnh
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh đều cho rằng trách nhiệm tạm trữ chính vẫn thuộc về các DN kinh doanh, xuất khẩu gạo, trong đó Tổng Công ty Lương thực Miền Nam phải làm “đầu tàu”. Để “ép” các DN này bao tiêu lúa gạo trực tiếp cho ND và cũng để phát triển cánh đồng mẫu lớn, các đại biểu đều cho rằng nên đưa vào quy chế điều kiện bắt buộc là các DN kinh doanh, xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu.
“Song song cơ chế tạm trữ, Nhà nước tiếp tục rà soát các chính sách, đẩy mạnh hỗ trợ vốn vay để xây dựng cơ sở sấy, kho và các cơ sở vật chất bảo quản theo các quy mô lớn, vừa và nhỏ”. - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng
“Hãy cứ thử tính 150 DN xuất khẩu gạo hiện nay mỗi DN có vùng nguyên liệu từ 3.000 – 5.000ha thì đã bao tiêu được từ 30 - 45% diện tích sản xuất lúa vụ đông xuân” – ông Trần Quang Củi - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang phân tích.
Trong Dự thảo Quy chế tạm trữ mới, Bộ NNPTNT đề xuất các tỉnh sẽ là người “cầm trịch” từ việc ra chỉ tiêu tạm trữ tối đa từng vụ cho địa phương mình thực hiện đến công tác kiểm tra và giám sát DN, ND thực hiện. “Trong những năm đầu, khi có tình trạng lúa ứ đọng, rớt giá mà 2 đối tượng tạm trữ ưu tiên được hỗ trợ là ND và DN bao tiêu trực tiếp chưa tạm trữ được nhiều, thì UBND cấp tỉnh sẽ chỉ định DN có kho trên địa bàn mua lúa gạo tạm trữ dưới sự giám sát của tỉnh” – Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nêu rõ.
Theo Nông thôn ngày nay

Tin khác