Đổi cách tiếp cận về an ninh lương thực?

03/10/2012

Cách tiếp cận hiện nay bỏ qua chi phí cơ hội phải bỏ ra khi duy trì trồng lúa cũng như thu nhập và phúc lợi có được từ việc theo đuổi lợi thế cạnh tranh hiện tại của Việt Nam.

Không nên quá phóng đại tầm quan trọng về chính trị, xã hội và kinh tế của an ninh lương thực ở Việt Nam. Sự đói kém, thiếu thốn lương thực của những năm 1970 và 1980 đã gây ra ảnh hưởng cho nhiều cấp. Khi Việt Nam được xếp trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới với lượng dự trữ ngoại tệ tối thiểu, những khó khăn về lương thực đã trải qua đã là yếu tố hình thành chính sách về lương thực, nông nghiệp và sử dụng đất sau đó. Gạo chiếm đến 90% lương thực được tiêu thụ, cùng với đó là ngô, sắn và khoai lang.
Hiện tại Việt Nam không thiếu gạo vì Việt Nam đang là nước đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo (sau Thái Lan) với lượng xuất khẩu đạt 5 triệu tấn/năm. Con số này tương đương với 8-10 triệu tấn thóc và khoảng gần 1/4 tổng sản lượng quốc gia.
Việt Nam đã có tổng cung về gạo tương đối ổn từ những năm 1990. Tuy nhiên, thực tế này chẳng giúp thay đổi gì về quan điểm chính sách an ninh lương thực hướng tới việc tự cung tự cấp về lúa gạo. Năm 1998, Bộ Chính trị lưu ý rằng mục tiêu số một của đất nước là "phải đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống" và sử dụng mọi biện pháp về kinh tế và hành chính để đảm bảo giữ ổn định diện tích đất lúa. Thủ tướng chỉ đạo công tác dự trữ lương thực quốc gia đảm bảo "lượng gạo dự trữ của Chính phủ phải đảm bảo chất lượng tốt để phục vụ an ninh lương thực quốc gia, khắc phục thiên tai, mục tiêu an ninh quốc phòng và những mục tiêu khác". Trách nhiệm trong việc duy trì đất lúa được phân cho Bộ NN&PTNT và Bộ TNMT và các bộ khác như Bộ GTVT, Bộ XD, Bộ Công thương.
Tự cung tự cấp về lúa gạo là cách tiếp cận không hiệu lực để hướng tới an ninh lương thực
 
Năm 2000, Chính phủ xác nhận lại chính sách coi gạo là lương thực cơ bản để đảm bảo an ninh lương thực cũng như dự trữ lương thực quốc gia. BCHTW Đảng năm 2007 đặt quyết tâm duy trì "...đất lúa bền vững để đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia".
Nhiệm vụ này được cụ thể hóa bằng chương trình được Bộ Chính trị phê duyệt vào tháng 8/2009, để đảm bảo giữ vĩnh viễn đất lúa. Đây là một trong những ưu tiên được Bộ NN&PTNT hoạch định trước, nhằm "xóa nạn đói vào 2012". Mục tiêu cơ bản là "...đảm bảo sản lượng từ 39 đến 41 triệu tấn gạo một năm để đảm bảo an ninh lương thực cho dân số dự báo là 100 triệu người vào năm 2020 và 130 triệu vào năm 2030". Chính phủ tuyên bố sẽ thành lập Ủy ban an ninh lương thực quốc gia, do một Phó Thủ tướng đứng đầu, để triển khai chương trình trên. Nhiệm vụ của UB là đảm bảo đến 2030 "...diện tích canh tác lúa của Việt Nam phải giữ cố định ở mức 3.8 triệu ha, trong đó 3.2 triệu ha là lúa nước".
Trong lịch sử, việc Việt Nam chú trọng vào việc tự cung tự cấp gạo có thể hiểu như giải pháp đơn giản để đảm bảo nguồn cung lương thực thực phẩm cho quốc gia. Không thể phủ nhận lợi ích của chính sách này. Khi Việt Nam đã sản xuất được một lượng gạo nhất định, Chính phủ sẽ không phải đối mặt với vấn đề thiếu gạo hoặc những vấn đề liên quan tới an ninh lương thực.
Tuy vậy, nếu coi đây là một chính sách công thì việc tự cung tự cấp gạo lại không hiệu quả, không hiệu lực và không công bằng. Không có hiệu quả vì nó khóa chặt đất và các nguồn lực vốn khan hiếm khác (lao động, vốn, tài chính) vào hình thức sử dụng đem lại giá trị thấp. Điều này làm giảm sản lượng nông nghiệp và làm chậm tốc độ tăng trưởng của quốc gia. Các đầu vào sản xuất và công nghệ hiện có có thể tạo ra rất nhiều sản phẩm khác có giá trị sản xuất cao hơn gạo như: rau quả, ngô, hoa, thủy sản, chăn nuôi.
Trong hoàn cảnh hiện tại, chi phí cơ hội cho sản xuất gạo rất cao: Việt Nam có thể sản xuất ít gạo hơn hiện tại và có GDP cao hơn trong khi người nông dân Việt Nam có thể có thu nhập và phúc lợi cao hơn. Nhiều nông dân nhận thức được điều này và trong khả năng có thể, họ đang chuyển đổi dần từ trồng lúa sang các hoạt động khác.
Tự cung tự cấp về lúa gạo là cách tiếp cận không hiệu lực để hướng tới an ninh lương thực. Mặc dù sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm rất lớn, nhiều người Việt Nam vẫn thiếu lương thực, trong đó có gạo. Họ quá nghèo để có thể mua lương thực dù nguồn cung lương thực rất dồi dào.
Việt Nam sản xuất ra hàng triệu tấn gạo để người nước ngoài tiêu thụ trong khi bản thân nhiều người Việt Nam (bao gồm cả người trồng lúa) lại không đủ ăn và thiếu dinh dưỡng. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, 37% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu cân vào những năm 1990. Đến 2000-2007 con số này giảm xuống còn 20%. Đây là một cải thiện đáng kể, tuy nhiên nếu tự cung tự cấp về lúa gạo có thể thực sự đảm bảo an ninh lương thực thì tỷ lệ này xuống gần mức 0%.
Tự cung tự cấp lương thực dường như là chính sách không công bằng. Theo cách tiếp cận này, Chính phủ yêu cầu một bộ phân dân cư Việt Nam (chủ yếu là nông dân trồng lúa) tiếp tục sản xuất lúa gạo và điều này khiến họ nghèo hơn mức mà họ có thể đạt được nếu họ được phép sử dụng các nguồn lực hiện có hiệu quả hơn. Sự hạn chế này buộc nhóm nghèo nhất của Việt Nam tiếp tục hỗ trợ phần còn lại của xã hội về lương thực mà không có sự đền bù xứng đáng nào.
Không có nhóm dân cư nào khác ở Việt Nam, ví dụ như lực lượng quốc phòng, chính trị gia, công chức, quan chức đảng và các đoàn thể, hoặc giám đốc các doanh nghiệp nhà nước bị yêu cầu phải hy sinh tương tự về thu nhập và phúc lợi. Ngược lại, nhóm dân cư vừa kể luôn được bù đắp xứng đáng cho các dịch vụ công họ cung cấp.
Điểm cuối cùng, tự cung tự cấp về lúa gạo gây bất lợi cho mục tiêu quốc gia trong việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho xuất khẩu. Khi là thành viên của WTO, Việt Nam phải cam kết các nguyên tắc theo luật trong hệ thống thương mại và trao đổi. Tự cung tự cấp về lúa gạo thông qua những hạn chế trong sử dụng đất là không nhất quán với những cam kết đó. Thực tế, Việt Nam đang trong tình trạng khó xử khi bị bạn hàng kiện vì bảo hộ hoặc phá giá. Việt Nam duy trì quan điểm không phá giá đối với sản phẩm công nghiệp và sản phẩm thủy sản.
Hậu quả của việc theo đuổi chính sách tự cung tự cấp về lúa gạo là phá giá gạo trên thị trường thế giới. Những vấn đề trên có thể xử lý được nếu Chính phủ giảm bớt cam kết về tự cung tự cấp về lúa gạo. Điều này cũng sẽ bao gồm cả việc chấp nhận định nghĩa quốc tế về an ninh lương thực, trong đó nhấn mạnh đến sự sẵn có và khả năng tiếp cận lương thực. Chiến lược tự cung tự cấp về lúa gạo của Việt Nam mới chỉ đảm bảo được sự sẵn có của lương thực trong khi bỏ qua khả năng tiếp cận nó.
Rất nhiều cơ quan quốc tế đang tích cực nghiên cứu khái niệm an ninh lương thực và những hàm ý của nó. Ví dụ FAO định nghĩa an ninh lương thực là tình trạng trong đó "Mọi người tại mọi thời điểm tiếp cận được nguồn lương thực một cách đầy đủ, an toàn và đủ dinh dưỡng để đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và năng động. Yếu tố cơ bản ở đây là sự sẵn có và chất lượng của lương thực, nguồn cung thực phẩm an toàn và đủ dinh dưỡng, khả năng tiếp cận với nguồn cung; khả năng kinh tế để mua lương thực; và những điều kiện đảm bảo người tiêu dùng lương thực có cuộc sống khỏe mạnh và hiệu quả."
Định nghĩa này có nhiều yêu cầu cụ thể hơn việc chỉ tự cung tự cấp về lúa gạo hoặc lương thực. Nó liên quan tới toàn bộ nền kinh tế để đảm bảo rằng mọi thành viên trong xã hội có được đủ lương thực, bao gồm khả năng sản xuất, hệ thống lưu thông, khả năng tái phân phối của cải của xã hội và chính sách liên quan đến kho tàng, dự trữ lương thực, hàng hóa, dự giữ ngoại hối, thương mại lương thực. Điều này cũng đòi hỏi phải xây dựng và triển khai những chính sách đảm bảo khả năng tiếp cận lương thực, đặc biệt là những sáng kiến xóa đói giảm nghèo và tăng phúc lợi xã hội để cho phép người nghèo, đặc biệt là phụ nữ có thể tăng năng suất và thu nhập của họ.
Tự cung tự cấp về lúa gạo chỉ liên quan đến nguồn cung của một mặt hàng mà dù cho đóng vai trò thiết yếu ở Việt Nam, thì cũng không đảm bảo an ninh lương thực. Hơn thế nữa, với hình thái tiêu dùng đang thay đổi tại Việt Nam - có thể thấy rõ qua việc tăng nhập khẩu các sản phẩm như bột mì, sữa và sản phẩm thịt - tự cung tự cấp về lúa gạo không còn là cách tiếp cận thích hợp để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Mở rộng định nghĩa về an ninh lương thực có hai lợi thế. Nó nhấn mạnh đến sự sẵn có của tất cả các loại lương thực và thực phẩm chứ không riêng gì gạo. Điều này quan trọng vì khi tăng thu nhập, đặc biệt là ở khu vực đô thị, người tiêu dùng sẽ nâng cấp bữa ăn của họ một cách có hệ thống.
Lợi thế thứ hai là nó nhấn mạnh vào khả năng của mỗi cá nhân và hộ gia đình trong việc tiếp cận lương thực. Điều này hướng sự quan tâm chính thức tới việc tạo thu nhập và giảm nghèo.
Như đã bàn luận từ trước, vấn đề cốt lõi trong an ninh lương thực tại Việt Nam là vấn đề nghèo. Nguồn cung lương thực đã khá đủ (gạo và lương thực khác) nhưng vẫn còn số lượng lớn dân cư thiếu thu nhập để mua đủ lượng thức ăn cần thiết. Người nông dân trồng lúa phải gánh chịu một chi phí lớn trong chính sách đảm bảo an ninh lương thực của Chính phủ. Canh tác lúa là hình thức sản xuất kém hiệu quả nhất đối với nông dân nghèo nếu họ muốn tăng thu nhập. Ở một số địa phương, thu nhập từ trồng lúa quá thấp đến mức mà người nông dân bỏ hoang ruộng nếu họ không được phép chuyển đổi sang các mục đích khác. Điều này tác động tiêu cực sự phát triển của quốc gia, gây lãng phí đất và không giúp giảm nghèo.
Xét trên bình diện rộng hơn của chiến lược an ninh lương thực, có thể đưa ra phản biện cho răng: nếu nông dân không bị buộc phải trồng lúa, liệu có gì để bảo đảm nguồn cung đáp ứng được cầu lương thực trong tương lai? Dân số Việt Nam đang tiến tới con số 90 triệu và kỳ vọng đạt 130 triệu vào năm 2030. Với mức tiêu thụ gạo của cả nước ước tính từ 38-41 triệu tấn, và khoảng 60 nghìn ha đất lúa bị chuyển đổi hàng năm sang mục đích hạ tầng, thương mại, dân cư và công nghiệp, diện tích canh tác lúa (và phần lớn các nông sản khác) sẽ giảm.
Diện tích đất lúa giảm còn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà cụ thể là mực nước biển dâng sẽ làm gây ngập lụt và giảm chất lượng phần lớn diện tích canh tác của Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.
Các dự báo về mất đất nông nghiệp như nói ở trên dường như giúp nhấn mạnh thêm tầm nhìn xa trông rộng của nhà nước trong kế hoạch duy trì lâu dài đất trồng lúa. Vấn đề lại nằm ở chỗ cách tiếp cận hiện nay bỏ qua chi phí cơ hội phải bỏ ra khi duy trì trồng lúa cũng như thu nhập và phúc lợi có được từ việc theo đuổi lợi thế cạnh tranh hiện tại của Việt Nam.
Trong tương lai, tăng trưởng kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào việc mở rộng hoạt động phi nông nghiệp. Giữ đất lúa sẽ tạo ra chi phí cơ hội lớn bao gồm suy giảm thu nhập ở thành thị, bỏ qua cơ hội sản xuất công nghiệp, giảm xuất khẩu, giảm mức sống của cả nước. Chính vì những chi phí này lớn, sức ép để chuyển đổi đất lúa và đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp ngày càng lớn hơn.
Chính phủ có thể chống đỡ với sức ép này thông qua cấm chuyển đổi đất nhưng điều này lại chẳng làm được gì để giảm chi phí cơ hội kể trên.
Mở cửa nền kinh tế quốc tế tạo ra nhiều lợi ích. Nó cho phép Việt Nam tăng thu nhập quốc gia và tích lũy ngoại tệ. Điều đó có nghĩa các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh (cà phê , cao su, hoa quả, điều, rau, hải sản) có thể tiếp tục tạo ra thu nhập cần thiết để đảm bảo nhập thêm lương thực và thực phẩm cho quốc gia (bột mì, dầu ăn, sữa, thịt và gạo nếu cần). Sử dụng chính sách thương mại theo cách này phản ánh khả năng tự chủ về lương thực, và đây là chiến lược mà tất cả các nước phát triển sử dụng.
Vì vậy có thể đưa ra các gợi ý rất rõ ràng cho chính sách đất đai. Thay vì giữ đất lúa làm giảm thu nhập của nông dân mà lại không giải quyết được vấn đề an ninh lương thực, Chính phủ cần đảm bảo đất nông nghiệp được sử dụng hiệu quả và đạt hiệu suất đến mức cao nhất có thể. Điều này sẽ giúp đất nước có thêm lương thực, thu nhập cao hơn cho nông thôn, tiếp tục tăng trưởng kinh tế nhanh và an ninh lương thực.
Nhóm tác giả: Hồ Đăng Hòa, Lê Thị Quỳnh Trâm, Phạm Duy Nghĩa và Malcolm F. McPherson
Theo Tuần Vietnamnet

Nguồn:http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/90960/doi-cach-tiep-can-ve-an-ninh-luong-thuc-.html


Tin khác