“Cò” lúa- Nhìn từ chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo

04/10/2012

Sự xuất hiện của lực lượng chuyên làm dịch vụ môi giới cho chủ máy gặt và hàng xáo với tên gọi "cò" đã tạo nên những luồng dư luận khác nhau xung quanh lực lượng này. Tuy nhiên, dù có đồng tình hay phản đối, thì "cò" vẫn đã và đang tồn tại như một mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo hiện nay.

Thông qua “cò”, hàng xáo đưa ghe đơn đi tới nơi là đầy lúa.
Nếu như trước đây, "cò" chỉ làm mỗi vai trò trung gian cho hàng xáo, thì nay "cò" kiêm luôn nhiệm vụ "bắt mối" cho những ông chủ máy gặt. Thu nhập của "cò" vì thế cũng tăng lên đáng kể nên hấp dẫn người dân ở nông thôn "nhanh tay, lanh miệng" tham gia đội quân "cò". Hiện nay, địa phương nào có trồng lúa cũng có vài ba "cò" hoạt động. Sự cạnh tranh vì thế cũng trở nên quyết liệt hơn nên để tồn tại, hơn ai hết, các "cò" đều phải tạo lập cho mình hệ thống khách hàng (chủ máy gặt, hàng xáo và nông dân) dựa trên chữ tín trong quan hệ làm ăn.
"Cò" lúa Nguyễn Phú Điền, ở xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng xuất thân từ ruộng đồng. Anh kể: "Trước đây, cứ tới vụ, tôi lại đi tìm đối tác cho người em làm dịch vụ cày, xới, rồi sau này là máy gặt. Thời gian này, tôi bắt đầu nhận ra, các chủ máy thường không đủ thời gian để đi quan hệ làm dịch vụ với nông dân, nên mới làm thử cho một vài chủ máy. Thấy thu nhập cũng sống được nên tôi làm luôn dịch vụ môi giới cho chủ máy gặt và hàng xáo". Bình quân phí môi giới cho chủ máy gặt và hàng xáo, mỗi công khoảng 30.000 đồng. Còn nếu sang địa bàn khác đã có sẵn "cò", phải liên hệ trước và ăn chia theo tỷ lệ 50-50. Tuy nhiên, có thể sống được với nghề là chuyện không dễ. Ngay từ đầu vụ, "cò" phải nắm được thời điểm gieo sạ, diện tích và giống người dân sử dụng là giống gì. Gần cuối vụ, "cò" cũng phải "bay đi, bay lại" vài cánh đồng ước lượng năng suất, chất lượng lúa tốt, xấu ra sao, lúc nào vô vụ thu hoạch rộ để thông tin cho chủ máy, hàng xáo và báo giá ngược lại cho nông dân. Muốn có nhiều mối, "cò" phải giữ uy tín với chủ máy, hàng xáo và cả đối với người nông dân. Bởi không chỉ làm chức năng môi giới, khi vào vụ, "cò" còn phải đi thu tiền gặt về cho chủ máy, thậm chí kiêm luôn việc mua dầu trả chậm cho chủ máy gặt đến cuối vụ mới thanh toán. Đối với nông dân, "cò" phải giúp nông dân thu hoạch lúa được nhanh nhất, bán được giá và thu tiền nhanh chóng. "Cò" Nguyễn Phú Điền cho biết: "Trên cùng một cánh đồng, có những miếng ruộng không thể đưa máy vào gặt được, nên đội bốc vác, vận chuyển của tôi kiêm luôn nhiệm vụ gặt để đảm bảo lúa được thu hoạch đúng độ chín, ít hao hụt cho nông dân".
Anh Trần Thanh Hoàng, nông dân ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, tuyên bố chắc nịch: "Nông dân bây giờ khỏe lắm, tới vụ thu hoạch chỉ cần a lô cho "cò" làm mọi chuyện từ thu hoạch cho đến mua bán. Còn chuyện "cò" thông đồng ép giá cũng không phải lo, vì chỉ cần a lô một cái là mình biết ngay giá lúa, giá công gặt rồi". Như vậy, dù có hay không có "cò", giá công gặt và giá bán lúa của nông dân cũng không đổi, thu nhập chính của "cò" chính từ sự chia sẻ lợi nhuận với chủ máy gặt và hàng xáo. Nhưng không ai dễ dàng chia sẻ lợi nhuận cho người khác, nếu không mang lại lợi ích. Hàng xáo Mã Danh ở xã Long Bình, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Ngày trước, nhiều khi phải đánh ghe chạy lòng vòng mấy ngày trời mới mua đủ số lượng lúa. Bây giờ, chỉ cần chi ra 10-20 đồng/kg lúa cho "cò", bảo đảm ghe tới nơi là lúa đủ số lượng, giá cả được biết trước. Tính ra, vẫn lợi hơn so với trước nhiều". Chủ máy gặt Trần Công Tính, từ tỉnh Đồng Tháp qua Sóc Trăng làm ăn, nhận định: "Từ phương xa tới, tụi tui có biết nông dân nào cần thu hoạch, vào thời điểm nào. Với lại, cũng không biết nhà cửa nông dân ở đâu để mà thu tiền gặt. Vì vậy, yên tâm nhất là nhờ "cò" thôi!".
Thực tế sản xuất cho thấy, ít có doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo nào có đủ mạng lưới thu mua đến tận nông dân. Phần lớn đều qua trung gian hàng xáo. Tương tự như thế, đội ngũ hàng xáo, chủ máy gặt tuy khá đông đúc, cơ động trong mọi điều kiện, nhưng cũng khó nắm vững hết được vùng nào gieo sạ giống lúa gì, thời điểm thu hoạch lúc nào... Trong điều kiện đó, "cò" lúa nổi lên với vai trò trung gian làm cầu nối giữ thông tin giữa chủ máy gặt, hàng xáo, nông dân trong việc tìm kiếm, điều phối nguồn hàng. Từ đây, mối quan hệ giữa chủ máy gặt - thương lái - "cò" - nông dân được hình thành trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo như một quy luật khách quan xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. 
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/10/36589.html


Tin khác