Dự báo kém nên giá xuất khẩu rớt

04/05/2013

Theo chuyên gia Nguyễn Đình Bích thuộc Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), trong năm 2013 và nhiều năm tới, giá mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực không thể tăng thêm nữa.

Như bài "Giá xuất khẩu thấp bởi nâng lượng quên chất" đăng ngày 2-5-2013 đã đề cập, các ngành hàng xuất khẩu mải lo đặt mục tiêu năm sau cao hơn năm trước mà quên giải quyết bài toán đầu ra nên giá xuất khẩu giảm mạnh. Đáng lo ngại hơn khi theo chuyên gia Nguyễn Đình Bích thuộc Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), thì trong năm 2013 và nhiều năm tới, giá mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực không thể tăng thêm nữa, trong khi giá đầu vào vẫn tăng cao. Do đó việc nâng giá xuất khẩu càng lúc càng khó khăn.
Không đủ năng lực dự báo
Vì sao các ngành hàng xuất khẩu cứ đặt mục tiêu năm sau cao hơn năm trước, thưa ông?
+ ÔngNguyễn Đình Bích: Con số mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước do các ngành hàng đưa ra đều dựa trên những cơ sở thông tin được dự báo chứ không phải bạ đâu làm đấy! Thế nhưng sai lầm ở chỗ là các ngành đưa ra hướng phát triển mà lại mất khả năng kiểm soát nguồn cung sản xuất lẫn xuất khẩu. Doanh nghiệp (DN) thì có thể tự điều tiết cung cầu để xuất khẩu hợp lý nhưng thông tin dự báo từ hiệp hội, ban ngành sẽ khiến các địa phương phát triển sản xuất tự phát, nguồn cung bung ra gấp nhiều lần con số dự báo đưa ra. Hậu quả là tồn kho lớn, giá trong nước giảm, giá xuất khẩu cũng giảm theo. Xây dựng chiến lược phát triển sản xuất, xuất khẩu là việc phải làm liên tục hằng quý, hằng năm mới bền vững được.
Vậy chỉ tiêu phát triển các ngành đưa ra được dựa trên những cơ sở nào?
+ Kế hoạch xuất khẩu các ngành hàng đưa ra không phải chỉ do hiệp hội mà còn nhiều bô,̣ ngành liên quan dự báo, chủ yếu sử dụng thông tin từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO). Từ đó các đơn vị tổng hợp, gắn vào dự báo của ngành mình rồi đưa ra con số phát triển sản xuất, xuất khẩu tương ứng.
Tuy nhiên, do cơ sở thông tin lấy từ nhiều nguồn nên kết quả rất khác nhau. Thậm chí một thị trường còn có nhiều dự báo khác nhau. Như Mỹ mỗi năm đưa ra 12 lần dự báo thị trường, thông tin công bố không giống nhau và khó xác định nguồn chính xác hay không. Hay như ở Việt Nam mà hiệp hội, hải quan, bộ… mỗi nơi cũng đưa ra một số liệu khác nhau.
Và phải thừa nhận rằng Việt Nam không đủ tiềm lực dự báo thị trường, các kế hoạch đưa ra không có cơ sở chính xác.
Tăng quy định xuất khẩu có điều kiện
Như thế theo ông có nên cấp quota xuất khẩu đối với những ngành có nguồn cung quá mức?
+ Quota xuất khẩu là quy định của một nước về hạn ngạch hay hạn chế số lượng cao nhất của một mặt hàng, một nhóm hàng được phép xuất khẩu trong một thời gian nhất định. Hiện Việt Nam đang áp dụng quota đối với nhập khẩu nhằm bảo vệ hàng sản xuất trong nước, ngược lại ta khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu.
Cấp quota xuất khẩu là cách làm hay nhưng chỉ trong trường hợp chúng ta quản lý được chuỗi sản xuất cung ứng đồng bộ. Việt Nam không làm được bởi không thể cấp quota xuất khẩu cho DN mà cứ để nông dân sản xuất manh mún, tự phát. Hơn nữa, cấp quota dễ dẫn đến tiêu cực, chắc chắn sẽ có trường hợp DN mua rồi bán lại quota. Mức quota bao nhiêu cũng khó xác định vì hiện dự báo của ta vốn đã không chính xác.
Các nước trên thế giới quản lý cung cầu các ngành xuất khẩu như thế nào, thưa ông?
+ Thái Lan họ cũng điều hành xuất khẩu giống Việt Nam nhưng hoạt động bên trong hoàn toàn khác. Ví như mặt hàng nông sản, Thái Lan có các mối thị trường nhập khẩu và họ kiểm soát được nguồn nhu cầu ở đây, từ đó điều chỉnh nguồn xuất khẩu hợp lý. Gạo Thái Lan tồn kho, không bán được không phải do cách quản lý điều hành mà vì chính sách trợ giá cho nông dân. Bằng chứng là giá gạo Thái Lan xuất khẩu vẫn ở mức cao nhất thế giới.
Còn ở Mỹ có một cơ quan chuyên trách về dự báo thị trường, tổng hợp thông tin từ tùy viên các ngành hàng xuất khẩu khắp thế giới. Từ đó, họ đưa ra dự báo chi tiết về nhu cầu thị trường từng ngành xuất khẩu. Với cách cấp quota thì các nước liên châu Âu làm được nhờ cân đối được cung cầu, sản xuất thừa thì bị phạt.
Vậy nước ta cần làm gì để nâng giá các mặt hàng xuất khẩu?
+ Đối với Việt Nam, để tăng giá xuất khẩu phải kiểm soát được nguồn cung, đồng thời kiểm soát đầu mối xuất khẩu thông qua quy định xuất khẩu có điều kiện như một số ngành gạo, cà phê, cá tra… đang làm. Trong các quy định này cần phân tích lợi hại rõ ràng và làm mạnh tay để tạo sự đồng tình trong DN.
Bên cạnh đó, phải tính ngay việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Chẳng hạn như chăn nuôi đang tăng trưởng thấp, phải tính toán để giá đầu vào (thức ăn chăn nuôi) ổn định, từ đó phát triển ngành chăn nuôi có giá trị cao hơn. Và phải tăng cường sản xuất các loại cây trồng phải nhập nhiều như ngô, đậu tương, đậu nành…
Xin cảm ơn ông.
Quy định xuất khẩu có điều kiện là hợp lý
“Quy định ngành hàng xuất khẩu có điều kiện là cách làm hợp lý để đảm bảo nguồn nguyên liệu, sàng lọc những DN xuất khẩu có năng lực, uy tín và cốt yếu là nâng được giá bán. Ngành cà phê đang dự kiến áp dụng quy định này nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng tình từ các DN. Nếu quy định này có sự chỉ đạo từ Chính phủ, đưa ra những quy định hợp lý thì may ra tạo được sự thống nhất DN làm theo.” - Ông NGUYỄN NAM HẢI, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA)
 
Theo Pháp luật TPHCM

 


Tin khác