Để hoàn thành mục tiêu XK thủy sản đạt 6,5 tỷ USD: Phải sớm tháo gỡ nhiều việc

02/07/2013

Tại Hội nghị sơ kết tình hình sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm vừa tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng gặp phải muôn vàn khó khăn, thách thức, song điều đáng mừng là, giá trị sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm vẫn tăng, ước đạt trên 83.000 tỷ đồng, tăng 2,53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng khai thác vẫn tăng khá
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (TCTS), giá trị nuôi trồng thủy sản (NTTS) 6 tháng đầu năm ước đạt 45.185 tỷ đồng, khai thác thủy sản (KTTS) ước đạt 38.133 tỷ đồng. Về sản lượng, trong khi KTTS đạt kết quả khá (1.311 nghìn tấn, tăng 3,5%) thì nuôi trồng lại giảm nhẹ, đạt 1.405 nghìn tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ và chỉ đạt 40,6% so với kế hoạch. 
Trước đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, xuất khẩu thủy sản trong năm 2013 có thể đạt 6,5 tỷ USD, tăng khoảng 300 triệu USD so với năm 2012, dù xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực vẫn đang gặp khó.
 
Riêng trong tháng 6, ước tính, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 600 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm lên 2,8 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 800 triệu USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2012; tôm đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ và hải sản đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ.
Ông Đào Hồng Đức, Phó cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: "Từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến khá thuận lợi cho KTTS, trong đó, các tỉnh có sản lượng khai thác lớn là Bình Thuận đạt 74.096 tấn; Bà Rịa - Vũng Tàu 140.177 tấn, Kiên Giang 208.218 tấn. Tuy nhiên, do giá xăng dầu vẫn ở mức cao (đến tháng 6, giá dầu diezel ở mức 21.670 đồng/lít, cao hơn tháng 1/2013 là 120 đồng/lít) nên khả năng khai thác và bám biển của ngư dân bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là với nghề lưới kéo, do quá trình khai thác tiêu tốn nhiều nhiên liệu, trong khi giá bán sản phẩm không tăng, lao động lại thiếu. Hiện, khá nhiều tàu hành nghề lưới kéo có công suất dưới 90CV phải nằm bờ hoặc hoạt động cầm chừng do hiệu quả sản xuất thấp, thua lỗ kéo dài".
Đáng chú ý, là sản lượng khai thác cá ngừ tăng cao trong những tháng đầu năm nhưng chững lại và có xu hướng giảm vào tháng 5, tháng 6, do giá liên tục ở mức thấp. Cuối quý II, giá cá ngừ vây vàng câu tay dao động trong khoảng 120.000-140.000 đồng/kg, giảm 40.000 - 50.000 đồng/kg so với đầu năm và chỉ bằng một nửa giá của năm ngoái. Giá cá ngừ câu đèn còn 40.000 - 60.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 40.000 - 60.000 đồng/kg.
Nguyên nhân giá cá ngừ giảm mạnh là do nhiều ngư dân chuyển từ nghề câu giàn sang câu đèn cao áp nên chất lượng cá giảm. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ cá ngừ đại dương ở các địa phương phần lớn phải qua trung gian nên thường xuyên bị thương lái ép giá. Theo ông Đức, với mức giá trên, các tàu khai thác cá ngừ đại dương phải đạt sản lượng từ 2 tấn cá/chuyến (30 - 40 con/chuyến biển 15-18 ngày) trở lên mới đảm bảo có lãi. Điều đáng mừng là, theo báo cáo của một số địa phương, sản lượng mỗi chuyến biển của nghề câu tay cá ngừ đại dương đều đạt trung bình 2,5 - 3 tấn nên sau khi trừ chi phí, các tàu vẫn có lãi, khoảng 40 - 60 triệu đồng/chuyến.
Dự báo, thống kê chậm chạp
Trong khi khai thác biển thuận lợi thì việc NTTS lại gặp khá nhiều khó khăn. Với 2 đối tượng chủ lực là tôm và cá tra, tiến độ thả giống chậm hơn cùng kỳ năm 2012 do hiện tượng tôm bị nhiễm bệnh diễn biến phức tạp ngay từ đầu vụ, khiến bà con lo ngại dịch bệnh bùng phát, trong khi nguồn vốn để duy trì việc nuôi trồng lại thiếu nghiêm trọng. Nhất là do nhu cầu trên thị trường thế giới giảm sút nên giá cá tra thương phẩm liên tục duy trì ở mức thấp, dưới giá thành sản xuất, khiến nhiều hộ nuôi bị thua lỗ kéo dài. 
Về điều này, đại diện TCTS cho rằng, nguyên nhân là do sự phối hợp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giữa các đơn vị chưa thực sự nhịp nhàng nên chưa đáp ứng kịp tiến độ cũng như chất lượng; một số việc còn chồng chéo (quản lý dịch bệnh, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, kiểm tra kiểm soát con giống…). Đặc biệt là công tác thống kê, dự báo chưa kịp thời và đầy đủ, đây không chỉ là thiếu sót, tồn tại của ngành trong năm nay mà đã là căn bệnh trầm kha từ lâu, khi thường xuyên có hơn 10 Sở Nông nghiệp và PTNT không có báo cáo số liệu NTTS hàng tuần, hàng tháng. Đáng nói là, việc dự báo, thống kê không kịp thời đã khiến ngành rơi vào thế bị động trong công tác kiểm tra, chỉ đạo, điều hành. 
Ông Bùi Đức Quý, Vụ trưởng Vụ NTTS cho biết: Thành công lớn nhất của ngành NTTS thời gian qua là đã tìm hiểu được nguyên nhân của hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính ở con tôm nước lợ là do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Tuy nhiên, việc triển khai phổ biến tuyên truyền về nguyên nhân, giải pháp phòng chữa bệnh này đến các địa phương còn hạn chế; hạ tầng NTTS chưa đáp ứng được nhu cầu". 
"Đặc biệt là, hiện nay nguồn vốn cho NTTS hết sức khó khăn, nếu không khoanh nợ, giãn nợ, hoặc cho vay lãi suất thấp thì việc tháo gỡ khó khăn cho NTTS sẽ không hiệu quả (dư nợ trong nuôi tôm hiện khoảng 23.000 tỷ đồng). Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, các ngân hàng thương mại cần phối hợp nghiên cứu giải pháp giúp người nuôi tôm", ông Quý nhấn mạnh. 
Ngoài ra, cũng theo ông Quý, tình hình an ninh trên biển ngày càng diễn biến phức tạp nên việc khai thác gặp nhiều khó khăn hơn so với mọi năm, đặc biệt là liên tục xảy ra tranh chấp với phía Trung Quốc. Rất nhiều lần tàu cá và ngư dân Việt Nam khi sản xuất ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa đã bị phía Trung Quốc xua đuổi, uy hiếp hoặc bắt giữ. 
Tính đến hết tháng 5/2013, TCTS đã chỉ đạo tổ chức 6 đợt kiểm tra, kiểm soát và thu thập thông tin hoạt động ở vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ. Kết quả đã quan sát và phát hiện 226 lượt tàu cá Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam. Những tàu cá này chủ yếu hoạt động ở vùng dàn xếp quá độ đã hết hiệu lực và đã được yêu cầu rời khỏi khu vực vi phạm.
Cần tổ chức lại sản xuất
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Điền, Phó tổng cục trưởng TCTS đề nghị, từ nay đến cuối năm, ngành phải tập trung vào công tác tổ chức lại sản xuất cả trong nuôi trồng và khai thác; quy hoạch lại các cảng cá, bến cá, trong đó cần nghiên cứu, phát triển các kho lạnh, tránh tình trạng khi ngư dân về bến, cá bán mấy ngày mới hết, không khẩn trương ra khơi được. Việc tái cơ cấu ngành cần gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, trong nửa đầu tháng 7, cần nhanh chóng hoàn thiện để trình Chính phủ Nghị định về sản xuất và xuất khẩu cá tra; ban hành Thông tư quản lý chế phẩm sinh học và chất xử lý cải tạo môi trường, mà lẽ ra hiện nay phải hoàn thành rồi.
Ước tính, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 2,8 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 800 triệu USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2012; tôm đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ và hải sản đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ.
Tính đến giữa tháng 6/2013, cả nước có khoảng 3.691 tổ, đội sản xuất trên biển với khoảng 22.846 tàu cá tham gia/158.723 lao động. Ngoài ra, trên địa bàn cả nước đã thí điểm thành lập gần 50 nghiệp đoàn đánh cá với quy mô lớn, tổ chức điều hành bài bản.
Về nhiệm vụ của ngành trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh: "Duy nhất con tôm nước lợ đang cho lãi khá lớn, tôi cho rằng đây là cơ hội của chúng ta, bởi hiện nay các nước cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh giống chúng ta năm ngoái. Do đó, chúng ta phải có giải pháp để bảo vệ và phát triển con tôm nước lợ, nhất là tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và con giống". 
Thời gian tới, ngành thủy sản cũng như các lĩnh vực nông nghiệp khác cần phấn đấu thúc đẩy phát triển sản xuất, tháo gỡ khó khăn để bù lại tốc độ tăng trưởng chậm 6 tháng đầu năm nhằm đạt mục tiêu đề ra. Trong khai thác, đề nghị tăng cường kiểm ngư với lực lượng trên biển để hỗ trợ ngư dân, đồng thời nâng cao tỷ lệ bảo quản sau thu hoạch để giảm tổn thất, nâng cao thu nhập cho ngư dân.
Đặc biệt, với đối tượng tôm nước lợ, đề nghị TCTS tập trung chỉ đạo phát triển nuôi tôm nước lợ, đẩy mạnh giải quyết vấn đề giống; tập trung nghiên cứu và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; tích cực tuyên truyền và hướng dẫn ngư dân về kỹ thuật xử lý dịch bệnh. Đồng thời tập trung triển khai chương trình hành động đề án tái cơ cấu, xây dựng kế hoạch năm 2014 bám sát với nội dung tái cơ cấu. 
Tăng cường kiểm tra các yếu tố đầu vào, nhất là chất lượng thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường và con giống, đồng thời tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc nuôi trồng theo quy trình VietGAP, thực hiện quy trình nuôi tốt trong vùng dịch bệnh. 
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2013/7/41979.html


Tin khác