Vốn tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn: Vẫn còn nhiều rào cản

16/08/2013

Nhà nước đã có không ít các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho vay vốn để phát triển khu vực nông nghiệp-nông thôn (NN-NT), nhưng tại sao đến nay khu vực này vẫn khó tiếp cận với các nguồn vốn vay?

Đây là câu hỏi được đặt ra tại Tọa đàm trực tuyến về “Đáp ứng tín dụng cho NN-NT" diễn ra tại Hà Nội ngày 15.8.
Vốn có nhưng khó vay...
Nghị định 41 về hỗ trợ cho vay vốn với NN-NT ra đời và đi vào cuộc sống chỉ mới 3 năm nhưng đã cơ bản tháo gỡ khó khăn về thiếu vốn trong sản xuất NN hiện nay. Ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Bắt đầu có Nghị định 41 thì tín dụng cho NN là 292.000 tỷ đồng, cho đến nay, sau 3 năm số vốn cho vay đã là 622.000 tỷ đồng, tăng 2,1 lần. "Vốn tín dụng này chiếm trong tổng tín dụng của toàn ngành khoảng 18-19%, nếu cộng cả dư nợ của Ngân hàng CSXH thì chiếm khoảng 20-22%, tương ứng mức đóng góp cho GDP cả nước của ngành NN"- ông Mạnh khẳng định. 
Sản xuất NN thường gặp rủi ro lớn về thiên tai, dịch bệnh nên ngân hàng "ngại" cho vay.
 
Tuy nhiên, ông Lại Xuân Môn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã thẳng thắn cho rằng, kể từ khi Nghị định 41 đi vào cuộc sống đến nay, tín dụng dành cho nông dân (ND) thông qua Hội ND mới chỉ là 13.000 tỷ đồng, trong khi số hộ ND trong cả nước là 14 triệu hộ. Như vậy "chưa đến 4% số hộ ND được vay vốn trong khi bình thường khoảng 50% số hộ ND hoặc hơn có nhu cầu vay vốn. Do vậy, vốn tín dụng cho NN-NT như vậy vẫn là quá nhỏ" - ông Môn nói.
Theo số liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ nông thôn VN (VARHS) 2006 - 2012 với 50% số hộ ND được khảo sát vay nợ tại cuộc tọa đàm này cũng cho thấy, quy mô vay vốn của ND còn rất thấp, chỉ chiếm 13,6% trong tổng lượng vay. Ông Môn cho rằng: "Điều này đã cho thấy, thực tế vẫn còn quá nhiều rào cản tiếp cận vốn ngân hàng với NN-NT". Những "rào cản" mà ông Môn liệt kê đó là sản xuất NN thường rủi ro lớn về thiên tai, dịch bệnh nên ngân hàng "ngại" cho vay. Dù chính sách Nhà nước đưa ra là "cho nông dân vay không thế chấp" nhưng vẫn phải có sổ đỏ họ mới được vay. Doanh nghiệp thì càng không muốn đổ vốn vào NN-NT vì lãi ít, rủi ro cao. "Có thể nói, dù có nhiều chính sách tháo gỡ về vốn nhưng ND vẫn chịu thiệt thòi nhất, mất mùa ND chết, nhưng được mùa họ cũng thiệt vì giá lại thấp" - ông Môn nêu thực tế.
Gỡ cách nào?
Theo ông Mạnh, hiện nay, lãi suất cho vay với doanh nghiệp có tài chính tốt chỉ còn 6,5-7%, mặt bằng lãi suất chung chỉ còn 10-11%, đây là điều rất tích cực với khu vực NN-NT. Tuy nhiên, ông Mạnh cũng cho rằng, nếu sản xuất NN không thay đổi theo hướng hàng hóa lớn, có quy hoạch từng vùng, có chuỗi giá trị bền vững thì vẫn khó gỡ tín dụng cho khu vực này.
"Chúng ta phải phát triển hợp tác xã để đứng ra hỗ trợ ND, rồi phát triển các mô hình cánh đồng mẫu lớn để sản xuất hàng hóa thì mới có thể hấp thụ được vốn tín dụng (mô hình cánh đồng mẫu lớn giảm được 2% chi phí so với sản xuất nhỏ lẻ). Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay thì giống như việc đưa cho một hộ gia đình 500 triệu đồng thì người ta cũng chưa chắc biết sản xuất thế nào cho ra 600-700 triệu đồng. Nhưng nếu hợp tác với nhiều người thì số tiền đạt được sẽ lớn hơn rất nhiều" - ông Mạnh nói. 
Phó chủ tịch Hội nông dân việt nam Lại Xuân Môn: Kiến nghị tăng vốn vay cho nông dân 
Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho NN-ND-NT nhưng vấn đề là nguồn tài chính dành cho các chính sách này đang còn hạn chế. Bản thân Hội ND cũng đã ký kết với Ngân hàng Chính sách xã hội, Agribank… để cấp vốn tín dụng qua kênh Hội ND cho thấy hiệu quả rất tốt, tỷ lệ trả nợ đúng hạn cao, nợ xấu thấp… được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Tuy nhiên, nguồn vốn đến với bà con ND vẫn còn ít. Chúng tôi kiến nghị vốn cho ND phải được tăng lên.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cũng nhấn mạnh rằng, gỡ tín dụng phải trên cơ sở tái cơ cấu của ngành NN. Theo đó, chọn những sản phẩm chủ lực, có thị trường và phát triển chuỗi giá trị, kể cả tín dụng vay vốn cũng phải bám sát với tổ chức lại sản xuất thì mới hiệu quả. "Tôi mong muốn trong chính sách tín dụng tới đây, ngoài chính sách chung thì phải có những chương trình tín dụng riêng, phù hợp với đặc thù sản xuất - thị trường cho những sản phẩm chủ lực như, cá tra, lúa gạo, cà phê..." - ông Tám nói.
Ông Mạnh cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các chính sách tín dụng trong lĩnh vực NN, ND đã được quy định. Đồng thời sẽ tiếp tục thực hiện dãn, hoãn nợ; giảm một phần lãi đối với những khoản nợ xấu của một số ngành nông sản… Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan sửa Nghị định 41. Theo đó, có thể nâng mức cho vay không thế chấp lên cao hơn (hiện là 50 triệu đồng), nghiên cứu để nông dân ở các đô thị, thị trấn, thị tứ cũng được vay vốn theo nghị định này, nghiên cứu để bãi bỏ việc giữ hay không giữ sổ đỏ của ND khi vay vốn... 
Theo Dân Việt

Tin khác