Lợi ích từ gia nhập WTO: Chậm lan tỏa đến nông nghiệp

04/09/2013

Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đến nay, nông nghiệp là lĩnh vực chịu nhiều bất lợi nhất trong nền kinh tế. Nhiều cơ hội từ WTO chưa được tận dụng, năng lực cạnh tranh của ngành chậm cải thiện. Điều này cho thấy, lợi ích của gia nhập WTO chậm lan tỏa đến nông nghiệp, nông thôn và đại bộ phận nông dân.

Chòng chành trên biển lớn 
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhận định, việc chủ động và thực thi đầy đủ các cam kết của WTO đã đem lại sự tiến bộ nhất định cho nền nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu nông sản mấy năm gần đây tăng trưởng mạnh. Việt Nam đã bình đẳng với các quốc gia khác trong thực thi chính sách thương mại, tạo điều kiện thu hút đầu tư của nhiều thành phần kinh tế. 
Tuy vậy, theo bà Thu, do biên độ mở của nền kinh tế lớn hơn nhiều so với GDP nên nước ta dễ bị tổn thương trước các biến động của thị trường thế giới. Mặt khác, vẫn còn nhiều cơ hội từ WTO chưa được tận dụng, năng lực cạnh tranh chậm cải thiện. Lợi ích từ việc gia nhập WTO chậm lan tỏa đến nông nghiệp, nông thôn và đời sống của đại bộ phận nông dân. Cơ hội việc làm trong nông nghiệp ngày càng giảm, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội. 
TS.Phạm Lan Hương, chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra những đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và cú sốc bên ngoài đến ngành nông nghiệp. Theo đó, tăng trưởng bình quân của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 6 năm từ 2007-2012 là 3,4%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 5 năm trước khi gia nhập WTO là 4,1%/năm. Ngay cả khi loại trừ những yếu tố có ảnh hưởng bất lợi tới ngành này như thời tiết, giá đầu vào tăng, giá nông sản thế giới sụt giảm thì chất lượng tăng trưởng của ngành nông nghiệp vẫn chưa vững. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành cũng như chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ còn chậm, việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp vẫn chưa có nhiều chuyển biến, chủ yếu là sản xuất nhỏ phân tán, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng thấp... Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, các biện pháp bảo hộ cần được thay thế bằng những chính sách phát triển gắn với mạng sản xuất và chuỗi giá trị, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành sản xuất của Việt Nam.
Bà Hương cũng phân tích sâu vào tác động của việc tăng giá xăng dầu đến ngành nông nghiệp. Giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian gần đây có lợi cho kinh tế vĩ mô của Việt Nam, vì nước ta xuất khẩu dầu thô, nhưng với ngành nông nghiệp thì gặp vô vàn bất lợi, bởi các khâu thủy lợi, cày bừa, gặt bằng máy nông nghiệp, vận chuyển nông sản sử dụng lượng xăng dầu rất lớn. Đặc biệt, phân bón là một trong những nguyên liệu đầu ra của thành phẩm chế biến dầu. Trong vòng 5 năm qua, giá phân bón tăng gấp 2,5 lần, trong khi giá bán lúa chỉ tăng 1,2 lần. Chính việc tăng giá xăng dầu đã tác động tăng giá thành sản xuất nông nghiệp lên tới 35-40% trong 5 năm qua, trong khi giá nông sản tăng không đáng kể, kéo lợi nhuận của ngành nông nghiệp ngày càng xuống thấp. Ngành bị thiệt hại lớn nhất là đánh bắt thủy - hải sản, vì bình quân mỗi chuyến tàu ra khơi đánh bắt được 500kg hải sản, tiêu tốn tới 800-1.200 lít dầu. 
Tích lũy kinh nghiệm, chủ động đương đầu
Bà Hương dự báo, đến năm 2017, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào khối ASEAN sẽ tăng 18-20% về khối lượng, trong đó gạo tăng 22-23%; hạt có dầu tăng cao nhất, trên 50%; sữa nguyên liệu và lâm sản đều có mức tăng xấp xỉ 50%. Xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc cũng sẽ tăng nhanh, dự kiến sản lượng của năm 2017 sẽ thay đổi so với năm 2012 như sau: gạo tăng 25-30%; rau quả tăng 15%; mía đường tăng 20-22%; hạt có dầu tăng 40-50%; sữa nguyên liệu tăng gần 50%; đại gia súc tăng gần 30%, lợn và gia cầm tăng 20%; thủy -hải sản tăng 24-25%; lâm sản tăng 48-50%. Phúc lợi cao nhất mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại cho giao thương nông sản là ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản khi những nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, sữa nguyên liệu, rau quả được dự báo sẽ tăng mạnh vào các thị trường này. 
TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) cho rằng, tham gia WTO, nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với những thách thức từ bên ngoài như một số mặt hàng yếu thế thua thiệt (mía đường, muối, sản phẩm chăn nuôi,...); khả năng cạnh tranh yếu (càphê, chè, thủy sản,...); thị trường trong nước phát triển không lành mạnh (vệ sinh an toàn thực phẩm, bệnh dịch,...); sức ép về môi trường tài nguyên. Ngoài ra, còn có những thách thức từ bên trong như quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, khoa học công nghệ kém phát triển, khả năng hợp tác liên kết yếu, thị trường đất, lao động, vốn, công nghệ chưa thuận lợi, sự phối hợp của toàn ngành kinh tế yếu… Mặc dù vậy, nông nghiệp Việt Nam cũng đứng trước nhiều cơ hội để phát triển. Việc giảm thuế thương mại nông sản từ các cam kết FTA khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài tranh thủ cơ hội này để đầu tư vào Việt Nam để xuất khẩu nông sản sang nước thứ ba. Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đương đầu với thị trường, tự tích lũy nên khả năng thích ứng với sự biến động của thị trường và chủ động trong hội nhập cao, sản xuất hàng hóa hướng về xuất khẩu. 
Nếu hóa giải tốt thách thức cả từ bên trong lẫn bên ngoài, chắc chắn ngành nông nghiệp sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn, thể hiện tốt vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác