Nghịch lý phân chia lợi nhuận trong chuỗi Sản xuất - kinh doanh cao su: Đe dọa sự phát triển bền vững

04/09/2013

Theo Báo cáo ngành hàng cao su của Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tình trạng mủ cao su giảm giá từ đầu năm đến nay khiến người trồng cao su tiểu điền và các nông trường lao đao. Thế nhưng, khối doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cao su thì vẫn thu lãi “khủng”. Vì sao có nghịch lý này?

Người trồng lao đao, doanh nghiệp lãi cao
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, 7 tháng đầu năm 2013, sản lượng cao su xuất khẩu của nước ta đạt 498.000 tấn, kim ngạch 1,21 tỷ USD, giảm 4,5% về khối lượng và 18,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam (chiếm 44,8% tổng giá trị xuất khẩu) nhưng đã giảm 12,9% về khối lượng và 24,1% về giá trị. 
Thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ hai của Việt Nam là Malaysia với 20% tổng giá trị xuất khẩu, tuy có tăng 17% về khối lượng nhưng giảm 7,5% về giá trị so với cùng kỳ. 
Khối lượng xuất khẩu vào một số nước châu Âu và các thị trường khác như Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Hàn Quốc… cũng giảm. 
Tình hình xuất khẩu không mấy khả quan khiến nhiều doanh nghiệp tồn kho hàng nghìn tấn mủ cao su. Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế thế giới. Thị trường quen thuộc của các tỉnh Tây Nguyên là Trung Quốc nhưng gần đây không chỉ giá thấp mà còn nhập khẩu rất ít sản phẩm mủ cao su. Đó là chưa kể còn bị cạnh tranh gay gắt về giá với các nước Campuchia, Indonesia. 
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại, giá cao su xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt bình quân 2.540 USD/tấn, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thu mua mủ cao su trong nước giảm gấp nhiều lần so với tốc độ giảm giá cao su xuất khẩu. Nếu như vào giữa năm 2012, người trồng cao su tiểu điền còn bán được mủ tươi dạng nước với giá 25.000 - 26.000 đồng/kg thì hiện chỉ còn trên dưới 10.000 đồng/kg. 
Không khí ảm đạm cũng đang bao trùm lên các nông trường cao su khi giá bán mủ thấp hơn giá thành sản xuất, tồn kho hàng chục nghìn tấn khiến người lao động đối mặt với tình trạng giảm lương, mất việc. Điển hình như Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang đã có hơn 100 người bỏ việc vì lương khoán trả thấp. Vườn cao su tiểu điền của các nông hộ cũng đang lâm vào tình trạng lao đao. Tại huyện Đức Cơ (Gia Lai), nơi có diện tích cao su tiểu điền khá lớn với hơn 4.200ha, người dân đang có nguy cơ thua lỗ. Ông Đoàn Công Á ở thị trấn Chư Ty, người đang sở hữu khoảng 7ha cao su cho biết: “Vì giá mủ hạ thấp, cao su đến thời điểm mở miệng cạo mà tiền công phải trả cho nhân công quá cao, sản lượng mủ ít, chúng tôi lỗ nặng nhưng không thể không làm. Hầu hết các hộ có vườn cao su lâu năm đang phải khai thác cầm chừng vì giá bán chỉ ở mức 10.000 đồng/kg mủ tươi”. 
Trong khi nông dân và nông trường trồng cao su thua lỗ thì báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trong ngành vẫn thể hiện con số lãi khổng lồ. Với doanh nghiệp sơ chế và kinh doanh cao su, tuy khối lượng xuất khẩu, giá bán giảm, kéo theo doanh thu giảm nhưng do giá thu mua mủ cao su nguyên liệu đầu vào thấp (chỉ bằng một nửa so với năm ngoái) nên tổng lợi nhuận thực tế lại tăng lên. Điển hình như Công ty Cao su Tây Ninh, 6 tháng đầu năm 2013, lãi trước thuế đạt gần 113 tỷ đồng, bằng 44% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông đạt hơn 93 tỷ đồng, cho dù hàng tồn kho của công ty này gia tăng gần 55,6%, lên mức 118,9 tỷ đồng. Tổng doanh thu của Công ty cổ phần Cao su Hòa Bình trong quý II/2013 là gần 107 tỷ đồng. 
Khối các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ cao su càng thắng lợi nhờ giảm được chi phí nguyên liệu đầu vào. Trong quý II/2013, giá cao su nguyên liệu đầu vào tiếp tục giảm 11% so với quý I và thấp hơn 18% so với cùng kỳ năm 2012 đã giúp lợi nhuận của doanh nghiệp săm lốp đạt kết quả khả quan. 
Đe dọa sự phát triển 
Từ đầu tháng 8 đến nay, thị trường cao su đã có dấu hiệu “ấm” trở lại. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/8, giá cao su RSS 3 trên sàn TOCOM Nhật Bản, hợp đồng giao tháng 1/2014 đạt 2.700,8USD/tấn (tăng 8,4% so với một tuần trước đó); giá SVR 3L Việt Nam đạt 2.305 USD/tấn (tăng 5,4%). Tại sàn SICOM Singapore và Sở Giao dịch MRB Malaysia, giá TSR 20 hợp đồng tháng 9/2013 đạt 2.279 USD/tấn (tăng 1,7%) và giá SMR 20 đạt 2.288,5 USD/tấn (tăng 1,2%). Sản lượng nhập khẩu cao su của Trung Quốc cũng tăng trở lại. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 7/2013, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 3,1% trong tháng 6. Trong tuần từ 5/8 - 10/8/2013, giá cao su Việt Nam xuất khẩu không thay đổi trong các ngày đầu tuần nhưng tăng lên trong hai ngày cuối tuần. Kết thúc tuần, giá SVR 3L xuất khẩu ngày 10/8 đạt 2.305 USD/tấn, tăng 120 USD/tấn (5,5%) so với ngày 5/8 và ngày cuối tuần trước đó. 
Tuy nhiên, có một nghịch lý là, trong khi giá xuất khẩu tăng trở lại thì giá thu mua mủ từ các vườn cao su vẫn tiếp tục giảm. Tại Bình Phước, giá thu mua mủ cao su dạng nước từ 13.280 đồng/kg vào khoảng cuối tháng 6 giảm xuống còn 11.680 đồng/kg vào đầu tháng 7, đến ngày 12/8 chỉ còn 10.720 đồng/kg. Chỉ tính 10 ngày đầu tháng 8/2013, giá thu mua mủ dạng nước đã mất gần 1.000 đồng/kg. Nghịch lý phân bố lợi nhuận trong chuỗi trồng trọt, sản xuất, chế biến, xuất khẩu của ngành cao su vẫn đang có xu hướng trầm trọng thêm. Hậu quả là, nông dân trồng cao su tiểu điền, các nông trường cao su không còn muốn đầu tư chăm sóc, đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành.
Theo Chu Khôi

Tin khác