Giám sát sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp: Hội viên nông dân sẽ an tâm sản xuất

22/07/2014

Đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp (VTNN) đúng pháp luật là trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam (NDVN), các bộ, ngành, địa phương đối với ND - đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lều Vũ Điều khi trao đổi với phóng viên NTNN về việc phối hợp giám sát thực hiện chính sách pháp luật về sản xuất, kinh doanh VTNN.

Phó Chủ tịch Lều Vũ Điều cho biết: Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Hội NDVN, Ủy ban T.Ư MTTQ VN, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương vừa diễn ra cuối tuần qua, 17.7 tại Hà Nội. Chương trình phối hợp nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN giả, kém chất lượng, ngoài danh mục lưu hành, không rõ nguồn gốc; đồng thời phát hiện những nhân tố mới, những mặt tích cực để tuyên truyền, nhân rộng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân (doanh nghiệp, hội viên, ND…).

Thông qua các hoạt động giám sát để kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém trong quản lý, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN, từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước…

 

Thưa ông, chương trình phối hợp giữa Hội NDVN, UBTƯ MTTQ VN, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương được xây dựng dựa trên cơ sở nào?

- Chương trình phối hợp được xây dựng trên cơ sở căn cứ quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ VN và các đoàn thể chính trị-xã hội; chức năng, nhiệm vụ của Hội NDVN, UBTƯ MTTQ VN, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương.

Thứ nữa, công tác quản lý cũng như chất lượng VTNN là một trong những vấn đề bức xúc của cử tri gửi tới các đại biểu Quốc hội thông qua “kênh” MTTQ VN; hội viên, ND phản ánh với các cấp Hội NDVN… Đây cũng là vấn đề “nóng” được điều tra, đưa tin, phản ánh nhiều trên báo chí những năm qua.

Chương trình phối hợp giữa Hội NDVN, UB MTTQ VN, Bộ NN PTNT, Bộ Công Thương khẳng định sự tham gia của toàn xã hội, giám sát xã hội trong bối cảnh đội ngũ thanh tra chuyên ngành còn mỏng, thị trường VTNN rộng lớn, phức tạp. Cả nước hiện có tới hơn 700.000 điểm sản xuất, kinh doanh VTNN nhưng chỉ có vỏn vẹn 900 người làm công tác thanh, kiểm tra. Vì vậy, cải thiện công tác quản lý, giám sát, đảm bảo tốt chất lượng VTNN là để ND yên tâm sản xuất, thể hiện trách nhiệm của Hội NDVN, MTTQ VN, các ngành quản lý đối với hội viên, ND…

Ông có thể chia sẻ những nội dung trong chương trình phối hợp giữa 4 đơn vị?

- Chương trình phối hợp tập trung vào 4 nội dung. Thứ nhất là giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN. Thứ 2, giám sát việc ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN.

Thứ 3, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân tham gia giám sát; tuyên truyền, phổ biến những sản phẩm VTNN đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng... Thứ 4, Xây dựng các mô hình điểm về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực giám sát cho đội ngũ cán bộ Hội NDVN, UB MTTQ VN các cấp và hội viên, ND…

Để chương trình giám sát, hoạt động giám sát có hiệu quả, các cơ quan cần phối hợp “đều tay”; nỗ lực làm triệt để, tránh tình trạng cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN có sai phạm mà không phát hiện được hoặc phát hiện ra sai phạm mà không xử lý dứt điểm, ảnh hưởng tới niềm tin của hội viên, ND…”.

Việc phân công trách nhiệm cho các cơ quan trong chương trình phối hợp như thế nào, Hội NDVN có trách nhiệm gì, thưa ông?

- Để thực hiện có hiệu quả, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, chương trình phối hợp đã phân công trách nhiệm rõ đối với từng cơ quan, từng ngành.

Chẳng hạn, UB T.Ư MTTQ VN có trách nhiệm vận động các hiệp hội ngành nghề (Hội Người bảo vệ người tiêu dùng, các hội chuyên ngành về VTNN…) cung cấp thông tin, tham gia tuyên truyền, phổ biến và giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN.

Bộ NN PTNT chủ trì, phối hợp chọn địa bàn xây dựng mô hình điểm; nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; biên soạn, in ấn tài liệu tuyên truyền, tập huấn về quy định của pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại VTNN…

Hội NDVN có trách nhiệm chủ trì đề xuất chương trình, kế hoạch phối hợp giám sát hàng năm; tuyên truyền, vận động hội viên, ND tham gia giám sát, tố giác, đấu tranh, ngăn chặn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng VTNN giả, kém chất lượng, ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc; đề nghị cơ quan thẩm quyền xem xét, xử lý…

Ông có thể chia sẻ quan điểm của Hội NDVN trong việc thực hiện chương trình phối hợp về giám sát việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN?

- Chương trình phối hợp này là đúng, đáp ứng trúng tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu của hội viên, ND. Tuy nhiên, do đây là việc làm mới, lần đầu tổ chức thực hiện nên quan điểm chỉ đạo là làm từ nhỏ đến lớn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Để thực hiện, trước mắt cần xây dựng quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo chương trình phối hợp, tổ giúp việc; xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn…Trước khi tiến hành giám sát, cán bộ phải nghiên cứu kỹ tài liệu, được tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ…

Để chương trình giám sát, hoạt động giám sát có hiệu quả, các cơ quan cần phối hợp “đều tay”; nỗ lực làm triệt để, tránh tình trạng cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN có sai phạm mà không phát hiện được hoặc phát hiện ra sai phạm mà không xử lý dứt điểm, ảnh hưởng tới niềm tin của hội viên, ND…

Xin cảm ơn ông! 

 

Theo Dân Việt


Tin khác