Hiến kế tái cơ cấu nông nghiệp

11/11/2014

Ngày 9/11, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) phối hợp Báo NNVN tổ chức Hội thảo tham vấn Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo nội dung Quyết định 899/Q Đ-TTg ngày 10/6/2013 của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có nhiều chuyên gia trong và ngoài ngành nông nghiệp như TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ và đại diện các địa phương Đồng Tháp, Vĩnh Phúc, các tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), Ngân hàng Thế giới, Chương trình phát triển LHQ (UNDP)…

Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị (ảnh: AGROINFO)

Giải bài toán tư duy và thị trường

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp sau hơn một năm triển khai đã nhận được sự trợ giúp của cộng đồng thế giới, các địa phương đã xây dựng các đề án tổng thể, nhiều địa phương đã xây dựng đề án điều chỉnh và thúc đẩy phát triển, ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp đã tác động và tạo nên sự khác biệt về tăng trưởng nông nghiệp trong năm nay.

Mặc dù vậy, Bộ NN-PTNT nhận thấy vẫn còn vướng mắc ở khâu nhận thức và cách tiếp cận. Đề án tái cơ cấu được xây dựng trên nền tảng lý thuyết nên cần được làm rõ hơn các cơ sở lý luận để đạt được hiệu quả. Việc làm rõ lý luận sẽ giúp tạo nhận thức chung trong xã hội, các cơ quan liên quan và người nông dân.

Mục đích hội thảo lần này của IPSARD và Báo NNVN nhằm xin ý kiến chuyên gia để làm rõ thêm cơ sở lý luận. Báo NNVN sẽ chuyển tải, tạo diễn đàn chung, nhận thức chung về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Và có nên chăng, sẽ đưa ra một bộ tiêu chí giống như nông thôn mới về tái cơ cấu để địa phương định hướng được việc triển khai?

Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, hầu hết các chuyên gia, đại diện địa phương, các cơ quan, tổ chức đều có những tham luận, phát biểu hết sức tâm huyết nhằm mục đích hiến kế cho quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

TS Đặng Kim Sơn sử dụng mô hình “ngôi nhà nông nghiệp” cho tham luận về đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của mình tại hội thảo. Trong "ngôi nhà" ấy, tư duy định hướng phát triển là nền móng, hệ thống tổ chức sản xuất là cột kèo, còn nóc nhà chính là các hệ thống chính sách pháp luật. Từ đó TS Sơn mổ xẻ và kết luận: Vấn đề mấu chốt là cần phải thay đổi tư duy và định hướng phát triển của “ngôi nhà” nông nghiệp.

Cụ thể, về phần “móng”, TS Đặng Kim Sơn cho rằng, cần phải có tư duy đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp, phát huy lợi thế khả năng cạnh tranh, áp dụng KHCN và cải tiến quản lý, triệt để theo cơ chế thị trường, sản xuất hàng hóa quy mô lớn và hiệu quả, SX nâng cao chất lượng và ATTP…

Ở phần “nóc nhà”, hệ thống chính sách pháp luật liên quan cần tuân thủ theo quy luật thị trường, theo cam kết quốc tế. Cần dài hạn và minh bạch, phân cấp, trao quyền…

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ cũng khẳng định: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp không thể tách rời tái cơ cấu nền kinh tế nhưng cần có những bước đi riêng. Thể chế phải thay đổi thì thị trường mới vận hành tốt hơn.

Nói cách khác, cần phải có tư duy, nhất định phải làm thị trường tốt hơn trong lĩnh vực nông nghiệp. Chỗ nào chưa có thị trường phải tạo thị trường, chỗ nào méo mó, sai lệch thì phải sửa.

Theo TS Cung, việc từ trước đến nay chúng ta sử dụng nguồn lực không hiệu quả đã dẫn đến thực trạng nền kinh tế không tạo ra được tăng trưởng lớn. Tái cơ cấu kinh tế là phải phân bố lại nguồn lực quốc gia theo cơ chế thị trường.

“Mục đích của tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tôi cần phải khắc phục thất bại của Nhà nước và làm cho thị trường tốt hơn. Nội dung tái cơ cấu phải đi vào ngành, đi vào từng sản phẩm, tìm xem thử thị trường của sản phẩm đó đang méo mó ở chỗ nào để mà khắc phục.

Ví dụ như lúa gạo chẳng hạn. Chúng ta có những DN Nhà nước làm méo mó thị trường gạo do có bàn tay can thiệp của Nhà nước, khiến chúng ta không thể chuyển đổi thị trường lúa gạo Việt Nam. Bản thân tôi tin vào thị trường. Nếu có sự can thiệp của Nhà nước thì nhất thiết phải làm cho thị trường vận hành tốt hơn chứ không phải biến thị trường trở nên méo mó được.

Câu chuyện tích tụ đất đai cũng thế. Hiện nay chúng ta không có thị trường đất đai do thị trường méo mó bởi sự can thiệp hành chính. Không có thị trường thì không thể tích tụ, không thể tập trung phát triển lớn. Đất phải là tài sản của nông dân, là bệ đỡ đưa họ ra làm ngành nghề khác.

Đằng này, không có thị trường đất đai nên người dân không có động lực đầu tư dài hạn, tạo thành những điểm nghẽn không thể bứt phá. Nếu chúng ta tiếp tục duy trì thì có nghĩa càng sản xuất nhiều sẽ càng thất bại, giá trị gia tăng càng thấp. Phải thay đổi tư duy để bứt phá về thể chế, khắc phục các điểm nghẽn hiện nay”, TS Cung phân tích.

Đồng ý với quan điểm của TS Cung, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: “Cải cách kinh tế thực chất là tạo điều kiện để thị trường hoạt động. Đã có lúc tôi phải chỉ đạo kiềm chế sản xuất lúa gạo, kiềm chế sản xuất hồ tiêu”.

Ông Nguyễn Tiến Phong, đại diện UNDP (ngồi giữa)

Ông Nguyễn Tiến Phong, đại diện UNDP phân tích thêm: "Nhìn chung tôi thấy ngành nông nghiệp chúng ta đang buông thị trường nhiều quá chứ không hẳn là thiếu thị trường. Nói cách khác là một thị trường thiếu vai trò điều tiết và định hướng của Nhà nước. Thị trường phân bón, thị trường thuốc BVTV gần như buông lỏng, không quản lý nổi là một ví dụ.

Ví dụ khác, tại sao các DN nước ngoài chiếm thị trường trong lĩnh vực TĂCN nhiều như thế? Tôi nghĩ là do họ được Chính phủ hỗ trợ để có thể lo đầu vào, đảm bảo đầu ra cho người chăn nuôi. Còn Chính phủ Việt Nam dường như không có vai trò “bà đỡ” như vậy".

* TS Trần Đình Thiên:"Chiếm đất nông nghiệp để xây dựng các KCN nhưng rồi bỏ hoang là xúc phạm nông dân. Nhưng ai phải chịu trách nhiệm? Chúng ta cần định vị lại nguồn lực, bởi nếu không thay đổi thì chắc chắn là... sập tiệm".

* TS Đặng Kim Sơn: "Sẽ thành lập một tổ tác chiến trong quá trình tái cơ cấu bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp, các cơ quan thông tin... Từ cuộc thảo luận hôm nay sẽ bàn bạc và giới thiệu về định hướng lý luận cho người dân trên Báo NNVN".

Cần vai trò trụ cột của các DN

Hầu hết các tham luận, phát biểu tại hội thảo đều chỉ ra rằng, một trong những vấn đề cốt lõi của tái cơ cấu nông nghiệp là tư duy và thị trường. Vậy chính sách nào để có thể giải bài toán ấy? Vai trò của các DN có phải là lời giải?

TS Trần Đình Thiên -Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

TS Trần Đình Thiên phân tích: "Tại sao thị trường cứ lệch lạc, khấp khểnh như vậy? Chính là do cách chúng ta phát triển hệ thống thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp rất ú ớ. Một thị trường mà đầu vào mỗi thứ một kiểu làm cho nông dân không có năng lực phản ứng.

Tất cả là do ngành nông nghiệp chúng ta vẫn đang đi theo chính sách “nhỡ mà”. Nhỡ mà đói, nhỡ mà mất mùa… Chúng ta chỉ lo cung, lo năng suất, lo sản lượng chứ không để ý cốt lõi là giá trị gia tăng. Vì vậy cần thay đổi ngay nhận thức, tầm nhìn, thay đổi, định vị lại cấu trúc nguồn lực".

Theo TS Thiên, có 3-4 tuyến cấu trúc cần làm. Cần sản phẩm gắn với đẳng cấp công nghệ, gắn với quy mô sản xuất, phải theo chuỗi. DN cần trở thành lực lượng tiên phong, trụ cột trong nông nghiệp, chính họ mới đưa nông dân ra thị trường, mới đưa được công nghệ cao vào sản xuất.

Mặc dù đồng tình với quan điểm đề cao vai trò DN, tuy nhiên TS Nguyễn Đình Cung lại cho rằng: "Với thể chế hiện tại DN tư nhân không lớn lên được. Việc mở cửa kinh doanh như hiện nay đang tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài. Thể chế và động lực hiện nay kìm hãm vô cùng, các DN chỉ có nước làm ăn phi chính thức mới làm được".

Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp 

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp cũng khẳng định: “Bộ trưởng hỏi tại sao các DN không mặn mà đầu tư nông nghiệp? Đó là do các DN tư nhân chưa có niềm tin và các chính sách dành cho họ còn phập phù. Các DN tư nhân ngại ngần đầu tư vì Nhà nước đang bảo vệ các DN Nhà nước quá.

Tôi từng nghe một lãnh đạo ngành Ngân hàng tuyên bố trong một cuộc họp là chỉ hỗ trợ các DN Nhà nước mà thôi. Xin khẳng định, việc đưa các DN đầu tư nông nghiệp sẽ tốt vì họ nắm rõ thị trường, thấy nhu cầu thị trường và sẽ chủ động nghiên cứu khoa học khi thấy lợi nhuận. Tái cơ cấu cần phải nâng sự gắn kết của nông dân với DN”.

Sau khi lắng nghe đầy đủ các ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận: Mục tiêu của tái cơ cấu không chỉ xây dựng nền nông nghiệp vững mạnh mà còn nâng cao đời sống, nâng cao thu nhập nhanh hơn cho nông dân và toàn xã hội.

“Trước hết, cần phải thay đổi cách tư duy và thúc đẩy phát triển thị trường, làm tốt hơn vai trò của Nhà nước đối với thị trường, khắc phục các thị trường méo mó và thay đổi cách phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường.

Cũng cần thay đổi cơ chế chính sách, rà soát các nhóm thị trường chính (đất đai, lao động, sở hữu trí tuệ, hàng hóa) để đảm bảo chuỗi thị trường hoạt động tốt, rà lại chuỗi thị trường sản phẩm. Thay đổi môi trường cho DN hoạt động, để DN có thể đóng vai trò dẫn dắt…

Đối với việc cải cách thể chế cần phải có trọng tâm. Tập trung cải cách thể chế để tạo sự thay đổi, hình thành hoạt động của tổ chức nông dân và DN. Các đơn vị Nhà nước có thể nghiên cứu phát triển lý thuyết, tạo cơ sở cho chương trình tái cơ cấu hoạt động, nhưng trọng tâm trong việc tạo ra thay đổi phải là các DN”, Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận.

Theo Nông nghiệp Việt Nam


Tin khác