Hiến kế tái cơ cấu nông nghiệp: Đồng Tháp “dò đá qua sông”

12/11/2014

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang giống như giải phương trình quá nhiều biến số. Thế nên, cần làm từng bước, gỡ dần các nút thắt./

Phương trình quá nhiều biến số

Tôi tham dự trong QH từ khóa 11 đến khóa 13 mới thấy, “trăm dâu đổ hết lên người đứng đầu của ngành nông nghiệp”. Nói công cho ngành nông nghiệp cũng được mà nói tội cho ngành nông nghiệp cũng được. Tôn vinh người nông dân cũng được mà đánh giá nông dân trì trệ, SX manh mún, tự phát, không theo quy hoạch, thị trường, không xây dựng được thương hiệu nông sản… cũng được.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (Ảnh: AGROINFO)

Tôi có suy nghĩ thế này, có lẽ một trong những nguyên nhân khiến nông nghiệp đang rất mắc trong tái cơ cấu, đó là quá nhiều tham số chiếu vào. Chúng ta đang mong muốn một sự kỳ vĩ là cùng một lúc giải phương trình nhiều biến số. Chúng tôi cho rằng, chưa nên đặt mục tiêu gì cao xa, mà phải gỡ từng bước, từng mối, bởi vì nó quá ngổn ngang. Bàn nhiều, bàn mãi rồi lại đụng tới liên kết vùng, rồi lại đụng tới thể chế. Ai cũng biết làm nông nghiệp hiệu quả cao thì phải liên kết vùng, rồi phân công, tạo ra quy mô SX… Nhưng mỗi tỉnh lại có một cơ chế, chính sách riêng. Để thống nhất với nhau rất khó.

Sau liên kết vùng, lại đến chuyện biến đổi khí hậu. Giải quyết việc này không phải cấp tỉnh làm được, phải Trung ương, tầm quốc gia, vĩ mô… Bởi thế, chúng tôi nghĩ rằng, thôi, chúng ta chấp nhận ở một giai đoạn nào đó có những biến số mà phải xem nó như một hằng số để giải phương trình từng bước một.

Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp chúng tôi đặt ra đến năm 2025 – 2030. Bà con nói sao mấy ông đặt gì xa vậy? Tôi nói đâu phải chuyện gì cũng có thể giải quyết được liền đâu. Nếu bàn tới chuyện tích tụ ruộng đất lại liên quan đến Luật Đất đai… Không biết 5 năm nữa có gỡ được không, chứ ai chả biết làm SX lớn phải tích tụ đất đai. Nếu giờ chưa giải quyết được những nút ấy, chẳng lẽ mình chưa tái cơ cấu. Vậy nên, mình vẫn làm, làm tới đâu tính tới đó theo kiểu “dò đá qua sông”.

Đề án tái cơ cấu của ngành nông nghiệp mà Thủ tướng phê duyệt rất rộng. Đối với Đồng Tháp, chúng tôi xin phép Trung ương làm theo đặc thù của địa phương. Có lẽ không ai hiểu nông dân Đồng Tháp, DN đầu tư vào địa bàn bằng chúng tôi, vì chúng tôi sống từng ngày ở đó mà. Những trăn trở, những điểm nghẽn của nông dân, DN, chúng tôi nắm được hết. Vì thế mà khi triển khai đề án, chúng tôi phải tiếp cận lại vấn đề, bởi trước kia chúng ta đã tiếp cận không đúng.

Ví dụ liên kết 4 nhà theo QĐ 80, làm gì có 4 nhà ở Đồng Tháp mà chỉ có 2 thôi: nông dân và DN. Nhà nước và nhà khoa học ẩn đi đâu đó trong chuỗi liên kết này. Và chính là câu trả lời vì sao DN không mặn mà đầu tư vào nông nghiệp.

Thật ra, trong hội nghị mới đây, Thủ tướng đặt câu hỏi tại sao các tổng cty lớn như Vinafood 1, Vinafood 2… lại không nghiên cứu ra một giống lúa gì chất lượng cao? Tôi nói rằng, với cơ chế thế này không bao giờ có được, bởi DN cứ đến mùa vụ là đi thu mua, sơ chế rồi XK, chứ mắc mớ gì người ta đầu tư. Đấy là DN nhà nước.

Còn DN tư nhân, vừa rồi, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đi thăm một số DN đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn Đồng Tháp và nghe họ kiến nghị. Chúng tôi ngồi làm việc rất nhiều lần với các bộ, ngành và nhận ra rằng, động lực chính dẫn dắt tái cơ cấu là DN chứ không phải ai khác.

Tái cơ cấu muốn thành công phải theo thị trường. Mà tín hiệu thị trường thì thông qua tín hiệu DN thôi. DN họ tìm thị trường, họ mang giống về thuê nông dân SX theo nhu cầu của thị trường. Ví dụ Trung Quốc ăn gạo hạt tròn thì DN phải SX gạo hạt tròn, chứ hạt dài bán cho ai.

Đùng một cái, trong hội nghị một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói rằng, rất ủng hộ DN, nhưng vốn ngân hàng chỉ rót về cho DN nhà nước, vì độ rủi ro ít. Tôi toát mồ hôi. Bao nhiêu công sức, chính sách thu hút DN tư nhân đầu tư vào nông nghiệp đổ đi hết. Bởi DN cho rằng, chính sách đã phân biệt đối xử họ với DN nhà nước, và việc tỉnh mời gọi, ưu đãi họ chỉ mang tính… lý thuyết.

“Có 10 ông nông dân trồng quýt ngồi cam kết là mỗi ngày chỉ được mang 1 xe lên chợ đầu mối để bán, bởi nếu mang cả 10 xe, hàng nhiều, giá sẽ rẻ. Họ cam kết, ký biên bản. Thế rồi hôm sau, vẫn thấy 10 xe của 10 ông nông dân chở quýt lên. Nông dân chúng ta “dễ thương” thế đấy!”, ông Lê Minh Hoan.

Làm chính sách kiểu “sợ một người gian làm ngàn người khó”

Đấy chính là “sự phập phù” của chính sách. Nếu ta làm chính sách tốt, ổn định, thì nguồn lực từ DN tư nhân rất lớn. DN Cẩm Nguyên ở Đồng Tháp đầu tư cả 500 tỷ đồng cho nông nghiệp, ấy thế mà họ đã được ưu đãi gì từ chính sách đâu.

Tôi nói ngay như nguồn vốn ngân hàng. Tất nhiên, ở bất cứ quốc gia nào, việc DN đầu tư vào nông nghiệp đều ít, vì thu hồi vốn chậm, rủi ro cao. Nhưng cộng vào đó một sự phập phù chính sách như VN thì khó lắm. Hiện chúng ta ban hành chính sách kiểu sợ “một người gian làm ngàn người khó”. Mình “rào” hết, cứ sợ DN ăn gian với nhà nước.

Khi thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, tôi thấy mấy cái lợi: Một là họ dẫn dắt thị trường, tự nghiên cứu KHCN và áp dụng nó vào thực tiễn. Thứ hai là chính DN vào sẽ giải được bài toán kinh tế hợp tác. Trước đây ĐBSCL cũng như cả nước không ai muốn vào HTX. Nhưng nay, nông dân đã biết tự hợp tác lại, làm đối trọng với DN để tiêu thụ nông sản. Thứ ba là khuyến nông, bản thân DN làm khuyến nông rất tốt. Mô hình FF (Farmer Friends – Bạn của nông dân) của Cty CP BVTV An Giang là một ví dụ.

Tất nhiên, năng lực quản trị của nông dân khi hợp tác SX còn hạn chế. Việc này, Đồng Tháp đã khắc phục bằng cách đào tạo hệ thống quản trị HTX cho các phó chủ nhiệm, là những cử nhân, kỹ sư trẻ, và tỉnh trả lương cho họ trong vài năm đầu để họ tích lũy kinh nghiệm và học hỏi trình độ.

Tôi có nghe GS Trần Văn Thọ từ Nhật Bản về kể một câu chuyện: Sau Thế chiến thứ II, quan chức Chính phủ, lãnh đạo các bộ, tập đoàn của Nhật Bản ngồi lại với nhau, đóng cửa phòng, mặc quần xà lỏn, ăn mỳ tôm để nghiên cứu các chính sách phát triển kinh tế. Tức là, tất cả các cơ chế, chính sách phải có sự tham gia của xã hội, của những người thụ hưởng. Nếu chúng ta chỉ ngồi nghĩ ra chính sách cho xã hội thì chúng ta sẽ thất bại. Muốn đưa chính sách vào cuộc sống, trước tiên phải đưa cuộc sống vào chính sách. Muốn đưa tái cơ cấu vào đồng ruộng phải biết suy nghĩ của nông dân như thế nào, suy nghĩ của DN ra sao… Nếu chúng ta giải quyết các việc đó rốt ráo thì tái cơ cấu chắc chắn thành công.

Vừa rồi tôi có đi gặp ông Lê Văn Lam, người nông dân viết thư cho Thủ tướng, ông nói rất hay. Đó là tại sao không phá bỏ bờ vùng, bờ thửa, chỉ để sợi dây căng ra phân chia ranh giới? Làm được việc này sẽ có thêm diện tích đất lớn, mà lại dễ đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, và tích tụ cũng dễ hơn. Ông nói câu tôi rất bất ngờ: Tôi nghe bà con mình cứ đòi giá lúa phải cao, tôi nói với bà con là giá không thể cao được, vì cả thế giới bán gạo chứ đâu riêng mình. Làm sao mình phải hợp tác lại để giảm giá thành SX, giảm chi phí đầu vào thì lợi nhuận sẽ tăng lên, chứ đừng trông mong giá cao. Mình có quyết định được giá đâu.

Tôi cho rằng có 2 cái bẫy mà truyền thông và nông dân hay mắc, đó là câu “được mùa mất giá”. Về mặt kinh tế, được mùa thì sản lượng tăng nhưng cầu không tăng, giá giảm. Đây là điều bình thường. Như vậy, hướng tiếp cận của chúng ta là, không phải tăng giá, mà là làm tăng giá trị gia tăng, tức là tăng lợi nhuận, giảm chi phí đầu vào.

Tôi vẫn nói với bà con trồng xoài, trồng quýt Lai Vung, là tại sao bà con cứ đề nghị nhà nước làm thế nào để giá bán cao? Nhưng thử hỏi, bây giờ quýt Trung Quốc, quýt Thái Lan mang đến sát nhà mình rồi, giá của họ còn rẻ hơn, thì mình phải làm thế nào? Đấy là do mình SX manh mún, nhỏ lẻ, không biết hợp tác tạo thành vùng SX quy mô lớn.

Cái bẫy thứ hai là khi giá nông sản xuống thấp, hầu hết đều đổ lỗi cho DN, thương lái ép giá. Điều này sai hoàn toàn. Giá cả do thị trường quyết định. Bà con cứ muốn nhà nước phải định giá nông sản cao, nhưng tôi nói ví dụ, định giá lúa 5 nghìn đồng/kg, khi giá thị trường chỉ 4,5 nghìn, ông bán cho ai? Thương lái, DN họ cũng phải làm tất cả các chiêu trò, mẹo mực mới mang được nông sản đi XK, vượt qua bao rào cản chính thức và phi chính thức mới đưa được nông sản lên kệ của siêu thị nước ngoài. Tất cả do thị trường quyết định.

Do đó, tôi đề nghị, khi làm chính sách, chúng ta hướng đến sự ổn định, và có cơ chế ưu đãi, thu hút DN, hợp tác SX cho nông dân để giảm giá thành, nâng cao giá trị gia tăng, đó chính là đích của tái cơ cấu nông nghiệp.

Theo Nông nghiệp Việt Nam


Tin khác