Tái cơ cấu kinh tế bắt đầu từ Luật

12/11/2014

Ngày 11/11, thảo luận về Luật Quản lý Đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh, nhiều ĐB Quốc hội đề nghị Luật phải thể hiện được những cải cách đột phá về thể chế và định hướng đầu tư.

Bàn tay nhà nước

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM)

“Cần ghi thẳng vào Luật đích danh doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” là ý kiến được ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đặc biệt nhấn mạnh khi góp ý vào dự thảo Luật Quản lý Đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh.

Theo ông, các doanh nghiệp ngoài nhà nước thường đầu tư vào những lĩnh vực thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận cao như giao thông, nhà ở. Nhưng riêng lĩnh vực nông nghiệp rất ít doanh nghiệp vào, vì khó vay vốn, lợi nhuận thấp, rủi ro cao. Nên ở đây, để đột phá được trong nông nghiệp cần có bàn tay của nhà nước.

Dẫn chứng sâu hơn về sự thiếu quan tâm đầu tư bài bản vào ngành nông nghiệp, ĐB Đương cho biết ở đồng bằng sông Cửu Long, có những tỉnh thu hoạch hàng triệu tấn lương thực hằng năm nhưng vẫn không có nổi một nhà máy chế biến lương thực để tăng giá trị xuất khẩu. Tương tự, sản phẩm hạt điều của nước ta xuất khẩu đứng đầu thế giới nhưng vẫn là xuất khẩu thô.

Trong lĩnh vực ngư nghiệp, hải sản, hiện nay Trung Quốc đóng tàu 200.000 tấn khai thác, chế biến ngay trên biển còn ngư dân của ta vẫn sử dụng tàu gỗ nhỏ. Trong lúc này vừa là để khai thác tài nguyên trên biển, bảo vệ ngư trường và gắn liền với bảo vệ chủ quyền đất nước thì ít nhất cũng đóng tàu 50.000-100.000 tấn, để không thua kém TQ.

“Nhưng việc đó doanh nghiệp tư nhân có làm được không? Doanh nghiệp ngoài nhà nước có làm được không?”, ĐB Đương đặt câu hỏi.

Chắc chắn phải có bàn tay nhà nước đầu tư gây dựng để lôi kéo doanh nghiệp ngoài nhà nước cùng tham gia. Theo ĐB Đương, để tạo động lực phát triển đột phá cho nông nghiệp, ngư nghiệp thì nhà nước cần phải đầu tư doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phải ghi thẳng vào Luật.

“Chiến lược định hướng phát triển của Quốc hội vào ngành nào, lĩnh vực nào thì Quốc hội quyết định sẽ đầu tư vào đó. Quyết để lại tiền cho anh hay là tôi lấy về đầu tư mới, thậm chí bổ sung tiền cho anh, bán cổ phần, không bán cổ phần ... chứ quy định như hiện tại thì Quốc hội chỉ làm việc rất bình thường như lâu nay làm, rất là tiếc”.

ĐB Trần Du Lịch phát biểu về việc quản lý vốn Nhà nước tại các DNNN.

Tách quản lý nhà nước với doanh nghiệp

Quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư vốn nhà nước, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, cần cân nhắc để quy định ngay trong Luật việc thành lập một cơ quan chuyên trách ngang bộ làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước.

Đây là việc cần thiết trong bối cảnh hiện nay đất nước chúng ta đang tiến hành mạnh mẽ việc cải cách thể chế nói chung và cải cách thể chế tài chính công nói riêng. Theo ông, nếu thực hiện phương án này sẽ tạo được sự đột phá thay đổi cơ bản trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, tách biệt chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp.

Từ đó các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có điều kiện để tập trung hơn vào việc xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược cho doanh nghiệp hoạt động. Thực hiện công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm cá nhân, tổ chức đối với việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

“Tôi cho rằng đây là thời điểm đã chín muồi, là đòi hỏi khách quan từ thực tiễn đang đặt ra nhằm khắc phục những lỗ hổng trong quản lý và khắc phục tình trạng không rõ địa chỉ trách nhiệm để xử lý vi phạm như những đổ vỡ, mất mát nghiêm trọng về vốn, tài sản nhà nước ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, gây mất lòng tin trong nhân dân đối với doanh nghiệp nhà nước đã diễn ra trong thời gian qua”.

Đồng quan điểm trên, ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) đề nghị Luật nên quy định cho thành lập Tổng cục Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện nay.

Với đầy đủ nội dung quy định về quyền hạn, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Quản lý vốn nhà nước là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong việc quản lý toàn bộ vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, cả hai cấp gồm các doanh nghiệp Trung ương và các doanh nghiệp địa phương.

Ông Hùng cho biết mô hình này đang thực hiện tại nhiều nước trên thế giới nhằm tránh cơ hội nảy sinh lạm dụng quyền lực để chi phối cả chế tài quản trị tài chính, nhân sự, can thiệp thao túng mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Đôi khi còn làm lệch lạc định hướng phát triển, ảnh hưởng đến thực thi các mục tiêu hiệu quả kinh doanh, thậm chí cản trở, khống chế sai trái, không đúng, hạn chế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dễ sinh ra lợi ích nhóm.

Doanh nghiệp tập đoàn do Quốc hội quản lý?

Đưa ra một góc nhìn mở hơn, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) lại đề xuất Luật phải có chế định để trong tương lai hình thành những tập đoàn kiểu như Telsa của Úc, như Petronas của Malaysia ... hoạt động dưới sự quản lý của Quốc hội.

Ông nói: "Theo luật định này, coi như toàn bộ đại diện chủ sở hữu vốn sở hữu toàn dân là giao hết cho Chính phủ. Quốc hội đứng ngoài cuộc, chỉ còn giám sát này nọ thôi. Như tôi đã phát biểu nhiều lần, tại sao ta không mở luật theo nghĩa, trong tương lai sẽ có 5 hay 3 tập đoàn kinh tế nhà nước lớn hằng năm báo cáo trực tiếp Quốc hội như các nước đã làm, chứ không phải giao hết cho Chính phủ?”.

Quan điểm của ĐB Lịch, doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn… mà đại diện sở hữu là Chính phủ thì vẫn không có nhiều thay đổi và cuối năm báo cáo vẫn như Quốc hội nhận được thường niên.

Ông Lịch đánh giá cao vai trò, công cụ doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước nhưng theo ông muốn thực hiện được các chức năng của mình thì doanh nghiệp nhà nước phải được gắn liền với chiến lược, kế hoạch kinh tế, xã hội mà Quốc hội quyết qua 5 năm, hằng năm. Do đó không tách rời quyền Quốc hội về vấn đề sử dụng nguồn nào vào trong toàn bộ tổng thể định hướng phát triển kinh tế.

Theo Nông nghiệp Việt Nam


Tin khác