Tăng thuế nhập khẩu và áp dụng nhập khẩu tự động với phân bón: Nhà nông khó được lợi

12/11/2014

Việc Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu phân bón và từ 1.12 tới đây là áp dụng cơ chế nhập khẩu tự động với mặt hàng phân bón của Bộ Công Thương đang được dư luận đặt câu hỏi: Người nông dân có được lợi khi phân bón nhập khẩu bị hạn chế?

Không cạnh tranh nổi phân Trung Quốc…

Từ ngày 10.9.2014, Bộ Tài chính đã điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng phân bón urê từ 3% lên 6% với mục đích chính là bảo vệ sản xuất phân bón trong nước. Và từ ngày 1.12.2014, theo quyết định mới của Bộ Công Thương, thương nhân nhập khẩu phân bón sẽ phải thực hiện chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng phân bón như phân urê, phân khoáng hoặc phân hóa học có chứa ba nguyên tố cấu thành là nitơ, phốt pho và kali.

Thuế nhập khẩu phân bón sẽ kích thích sản xuất trong nước.

 

Không phải ngẫu nhiên mà hai bộ lại ban hành các quyết định nhằm hạn chế nhập khẩu phân bón. Bà Dương Phương Thảo- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Trung Quốc đang giảm thuế xuất khẩu phân bón vào Việt Nam nên giá phân bón nhập khẩu đang ở mức “rất cạnh tranh” so với các loại phân bón được sản xuất trong nước. Do đó, Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan cho rằng “cần có động thái để duy trì sản xuất trong nước”.

Cũng theo bà Thảo, các doanh nghiệp trong nước hiện đã đảm bảo đủ nguồn cung về phân urê, phân NPK và phân NPK còn có một phần xuất khẩu, hiện chỉ cần nhập khẩu một số loại phân như phân SA và kali (100%)…; trong khi đó, phân nhập từ Trung Quốc cũng lại chính là 2 loại phân chúng ta đã đáp ứng đủ là urê và NPK.

Với những căn cứ như vậy có lẽ chẳng có gì cần phải bàn về các động thái hạn chế việc nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc. Tuy nhiên, có một thực tế buồn là: Dù đã đáp ứng đủ một số phân bón cho nông dân song trên thực tế, giá phân bón trong nước (loại đã đáp ứng đủ) chưa bao giờ cạnh tranh được với giá phân bón Trung Quốc!

Nông dân luôn phải mua phân bón giá cao. Đầu tháng 9.2014, trên báo chí, lãnh đạo Vinachem (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) cho biết, giá phân bón DAP Trung Quốc xuất khẩu dao động từ 465 – 470 USD/tấn (giá giao đến tàu). Trong nước, giá DAP nâu Trung Quốc có giá 11.500 – 11.600 đồng/kg. Thời điểm này, giá DAP Đình Vũ không chênh lệch lớn với giá DAP Trung Quốc.

Còn giá bán lẻ phân bón DAP trên thị trường thời điểm này dao động trên dưới 12.000/kg, chênh lệch trên 3.000 đồng/kg so với giá bán ra của nhà sản xuất, bao gồm cả DAP Đình Vũ hoặc Trung Quốc. Việc tăng thuế nhập khẩu phân bón để bảo vệ sản xuất trong nước từ 10.9 đã khiến nông dân không mua được phân bón giá thấp.

Sau khi nâng thuế nhập khẩu phân bón gần 2 tháng, bảng so sánh thị trường phân bón tuần (ngày 25.10.2014) trên trang Vinanet của Bộ Công Thương ghi nhận: Tại chợ Trần Xuân Soạn (TP.HCM) ngày 22.10: Urê DPM 7.850 – 8.200 đồng/kg; urê Trung Quốc 7.400 đồng/kg; urê Cà Mau 7.600 – 7.630 đồng/kg; urê Ninh Bình 7.240 - 7250 đồng/kg.

Tại khu vực miền ĐBSCL, giá urê bán tại kho cấp 1, Phú Mỹ 7.900 – 8.000 đồng/kg; urê Ninh Bình 7.650 – 7.700 đồng/kg; urê Trung Quốc 7.650 – 7.700 đồng/kg... Điều này cho thấy rõ, tăng thuế phân bón đã “bảo vệ” cho phân bón trong nước lãi lớn và không cần phải giảm giá xuống mức thấp cần thiết (!?)

Làm sao giảm giá?

Ông Nguyễn Hạc Thúy-Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng rằng, do hệ thống cung ứng phân bón đang vận hành trong tình trạng chồng chéo, nhiều tầng nấc nên đã làm tăng giá bán phân bón, gây thiệt hại cho nông dân. Hệ thống phân phối ở đây là ai, khi mà các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đều đã và đang tự xây dựng phần lớn hệ thống phân phối cho mình?

Chính họ đã không làm được cho giá phân bón giảm xuống và giờ thuế nhập khẩu phân bón đã tăng thì họ chả có lý do gì để phải cạnh tranh hạ giá phân bón nữa. Và nếu từ 1.12 tới, việc nhập khẩu phân bón còn được cấp phép tự động thì khả năng phân bón nhập về Việt Nam còn bị hạn chế nữa, vì nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ khó có thể đáp ứng được yêu cầu để được cấp phép. Như vậy phân bón trong nước càng tha hồ mà giữ giá, khỏi phải lo bị cạnh tranh.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, vấn đề ở đây không phải là chúng ta nên để cho phân bón Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam, mà các biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước nêu trên phải giúp các doanh nghiệp phân bón trong nước cải thiện sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, phải làm cho giá phân bón trong nước giảm xuống để nông dân được hưởng lợi.

Theo ông Thắng, hiện tại, nước ta đã đáp ứng được 80% nhu cầu phân bón. Theo kế hoạch mở rộng công suất và xây dựng nhà máy mới, dự kiến đến năm 2015, sản lượng phân bón trong nước sản xuất cơ bản đáp ứng được nhu cầu với 100% lượng urê, lân và NPK; 70-80% lượng phân DAP và 30% lượng SA. Kênh phân phối ở đây chính là những nhà sản xuất phân bón trong nước.

Hiện, cả nước chỉ có vài doanh nghiệp tự nhập khẩu phân bón để bán. Nhưng chính những doanh nghiệp này cũng là đại lý cấp 1 cho các nhà sản xuất lớn. “Chúng ta đã đầu tư hàng tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất phân bón trong nước không phải để rồi buộc nông dân phải mua phân bón với giá cao”-ông Thắng nói.

Cả nước hiện có đến 500 doanh nghiệp sản xuất phân vô cơ và hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh phân hữu cơ, vi sinh. Việc chủ động được nguồn cung phân bón có ý nghĩa quan trọng bình ổn giá thị trường trong nước cũng như tránh được những rủi ro từ chính sách xuất khẩu ở các nước, đặc biệt là Trung Quốc (cung ứng khoảng 80% lượng nhập phân bón của Việt Nam thời gian qua).

Rõ ràng mong mỏi của nông dân là chúng ta đã sản xuất được nhiều loại phân bón thì cũng phải quản lý làm sao để giá trong nước có thể giảm, giúp giảm gánh nặng chi phí sản xuất của bà con, đồng thời dễ dàng “đánh bật” phân nhập khẩu mà không cần những giải pháp hành chính.

Về thông tư quy định cấp phép nhập khẩu tự động phân bón của Bộ Công Thương, theo ghi nhận của NTNN, nhiều doanh nghiệp cho rằng không thể đáp ứng nổi các điều kiện. Tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây của Bộ Công Thương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Dương Phương Thảo cho biết: Thông tư này chỉ quy định chế độ cấp phép nhập khẩu tự động, có nghĩa là doanh nghiệp phải có đủ hồ sơ chứng từ theo đúng quy định của Thông tư 35 thì trong thời gian 7 ngày làm việc có thể được cấp phép. Chúng tôi hoàn toàn không tạo ra rào cản. Tất cả những văn bản chứng từ đều là những văn bản chứng từ xuất nhập khẩu cơ bản...  

Theo Nông thôn ngày nay


Tin khác