Đưa cánh đồng mẫu lớn ra Bắc: Vẫn là bình mới rượu cũ

14/11/2014

Mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) được xem là chìa khóa đưa ngành sản xuất lúa gạo nước ta phát triển bền vững theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho người trồng lúa; tuy nhiên, đối với các tỉnh miền Bắc, việc thực hiện mô hình này đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải, nhất là trong bối cảnh mối liên kết giữa các nhà còn rất lỏng lẻo.

Năm 2012, các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định bắt đầu triển khai thí điểm mô hình CĐML, sang năm 2013, rất nhiều địa phương hào hứng tham gia với kỳ vọng CĐML sẽ đem lại thu nhập khá cho nông dân, nhưng chỉ sau vài vụ, những khó khăn, bất cập bắt đầu nảy sinh.

Việc triển khai cánh đồng mẫu lớn ở huyện Trực Ninh (Nam Định) đang gặp rất nhiều khó khăn, do diện tích “xôi đỗ”...  

Làm đủ ăn là chính

Vụ mùa năm 2014, phóng viên có dịp về thăm mô hình CĐML của HTX Đại Thành, xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh, Ninh Bình). Nếu không có lời giới thiệu của lãnh đạo địa phương, chúng tôi không thể nhận ra đây là cánh đồng lúa sản xuất theo mô hình CĐML. Bởi cánh đồng này rộng khoảng 10ha nhưng có tới cả trăm hộ cùng sở hữu, một số chỗ các hộ đánh dấu diện tích lúa nhà mình bằng cách chừa ra mấy hàng không cấy. Tương tự, mô hình CĐML ở xã Khánh Vân (huyện Yên Khánh) quy mô 100ha thì được chia ra cho 2 HTX quản lý, với 620 hộ tham gia, bình quân mỗi hộ sở hữu 0,62ha.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Kim – Chủ nhiệm HTX Đồng Xuân Tiến, xã Khánh Thành cho biết, 2 năm nay HTX triển khai thực hiện 2 CĐML sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm, quy mô 100ha/cánh đồng, với khoảng 500 hộ cùng tham gia. Mặc dù cánh đồng mẫu ở đây liền vùng, liền thửa, nhìn hết tầm mắt nhưng bà con cũng vẫn gieo cấy 5 – 6 loại giống, chủ yếu là bắc thơm 7, LT2, Việt hương, thiên ưu 8, nếp hương...

“Ban đầu chúng tôi cũng mất khá nhiều thời gian vận động, tuyên truyền các hộ tham gia vào CĐML và gieo cấy cùng giống. Vụ đầu tiên cũng chỉ có khoảng 20 – 30% hộ chấp hành nghiêm túc quy trình, về sau thấy hiệu quả, các hộ cũng quen dần với mô hình sản xuất mới nên đến vụ vừa rồi thì cánh đồng đã cơ bản đồng trà, đồng giống, sản phẩm đạt chất lượng. Tuy vậy, hiện nay mô hình vẫn được Nhà nước hỗ trợ một phần, HTX lo khâu dịch vụ vật tư, áp dụng cơ giới hóa, nếu không được hỗ trợ nữa e rằng sẽ có nhiều khó khăn nảy sinh”.

Tương tự, tại xã Tân Thịnh (huyện Nam Trực, Nam Định), mặc dù là nơi hưởng ứng rất nhiệt tình phong trào CĐML, song đến nay xã cũng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Ông Phạm Văn Cống – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Nam Thịnh cho biết, năm 2011 HTX bắt đầu triển khai mô hình CĐML trên diện tích 30ha, với 145 hộ tham gia, trung bình mỗi hộ có từ 2 – 5 sào và hiện nay đã nhân rộng ra 125ha.

“Tuy nhiên, xét về mục tiêu triển khai CĐML để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, thu nhập cho người dân thì chưa đạt. Bởi diện tích của mỗi hộ quá ít, việc gom ruộng thành vùng để áp dụng máy móc, khoa học kỹ thuật gặp nhiều khó khăn. Cũng do chỉ có vài sào ruộng nên các hộ cũng chỉ đủ thóc ăn chứ làm gì có dư mà bán để thành hàng hóa” – ông Cống nói.

Một trong những tiêu chí của CĐML là phải thực hiện đồng bộ các khâu từ giống, phân bón, thuốc BVTV đến việc làm đất, cấy, gặt…, song các địa phương vẫn đang thực hiện theo kiểu “xôi đỗ”. Ông Nguyễn Văn Toàn, xã viên HTX Nam Thịnh cho biết: “Hầu như phương thức sản xuất không khác trước là bao, vẫn ruộng nhà ai người đó cấy, bón phân, phun thuốc cũng vậy. Chỉ khác ở chỗ sử dụng máy móc nhiều hơn và cánh đồng được treo biển CĐML”.

Tham gia cho có

Ông Đinh Văn Vọng – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết, Yên Khánh bắt đầu triển khai mô hình CĐML từ năm 2012 trên diện tích 700ha, bố trí thành 7 vùng sản xuất ở 7 xã. Sau hơn 1 năm thực hiện, đến nay hầu như xã nào cũng có CĐML, trong đó 11 xã có cánh đồng từ 100ha trở lên, còn lại từ 50ha, một số nơi dưới 50ha.

Theo ông Vọng, thực tế sản xuất đã cho thấy những lợi ích của CĐML như giúp nông dân sản xuất cùng lịch thời vụ, dễ áp dụng cơ giới hóa, giảm chi phí, năng suất lúa tăng lên khoảng 10%,... song mô hình cũng bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập. “Thứ nhất, nhiều hộ vẫn ngại thay đổi tập quán sản xuất.

Yên Khánh đã thực hiện dồn điền đổi thửa và mỗi hộ chỉ có 1 – 2 thửa ruộng, nhưng khi cấy, bà con lại muốn làm 2 – 3 giống lúa với mục đích giống chất lượng cao thì để ăn hoặc bán, còn giống bình thường thì nấu rượu, chăn nuôi..., dẫn đến trong CĐML có nhiều giống lúa khác nhau.

 Thứ hai, kể cả nếu làm được CĐML chỉ 1 giống lúa thì cũng vẫn bấp bênh không dám ăn chắc, do trồng lúa phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu làm 2 – 3 giống thì mất chỗ này còn chỗ khác, chứ cấy 1 giống mất là mất tất. Thứ ba, quá trình triển khai CĐML đã nảy sinh vấn đề thiếu lao động, dẫn đến tình trạng nhiều hộ không chăm sóc đúng quy trình, phun thuốc đúng lịch...” – ông Vọng phân tích.

Khảo sát của phóng viên tại một số địa phương cho thấy, không ít hộ tham gia vào CĐML chủ yếu là theo phong trào, còn bản thân họ không quan tâm nhiều đến những lợi ích lâu dài như thay đổi thói quen sản xuất, tiến tới sản xuất hàng hóa có sự liên kết với doanh nghiệp…

Bà Hồ Thị Toan, xã Đông Quý (Tiền Hải, Thái Bình) cho biết: “Nghe cán bộ HTX nói tham gia CĐML lúa sẽ năng suất hơn, được các doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón trả chậm, được hướng dẫn kỹ thuật miễn phí nên chúng tôi làm. Nông dân bây giờ cứ được hỗ trợ cái gì là hay cái đó, tham gia cho có phong trào...”.

Với 3 sào ruộng trong CĐML, ông Hoàng Hữu Quý, nông dân xã An Mỹ (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết, so với lúa ở cánh đồng thường, năng suất tại mô hình CĐML cũng chỉ tăng thêm 10 – 20kg/sào nên vừa đủ ăn. Mục tiêu của CĐML phải là tăng lợi nhuận ít nhất 30% và sản phẩm bà con tạo ra phải là sản phẩm hàng hóa, trong khi theo ông Quý, lợi nhuận gia đình ông có được (khoảng 7 – 10%) chủ yếu nhờ tiết kiệm tiền công máy cày, máy gặt do cả cánh đồng làm đồng loạt.

“Giờ có máy móc làm thay nên chúng tôi cũng nhàn hơn, nhưng lại gò bó về thời gian, phải tuân thủ theo quy trình chứ thực tế, năng suất thu nhập cũng không thay đổi mấy” – ông Quý nói.

 “Ruộng đất mỗi hộ quá ít là một chuyện, nhưng thật khó để thay đổi thói quen sản xuất hàng hóa cho nông dân ở miền Bắc, nhất là khi số hộ tham gia vào CĐML quá lớn. Mỗi người một ý nên khó triển khai công việc, khó quản lý theo quy trình” - ông Đinh Văn Vọng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh.
 

Theo Nông thôn ngày nay


Tin khác