“Bốc thuốc” cho triệu người trồng chè: Lời giải của ông Viện trưởng

25/12/2014

Rất nhiều con số thống kê trong nước và trên thế giới khẳng định: Ngành chè Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về năng suất, sản lượng, xuất khẩu…, tuy nhiên chất lượng, giá trị lại thấp và bấp bênh.

TS Nguyễn Văn Toàn, Viện trưởng Viện KH Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) ví von rằng, sứ mệnh cây chè ở vùng miền núi phía Bắc giống như một bài toán khó, cho dù đã có lời giải rồi nhưng vấn đề nằm ở chỗ có biết cách vận dụng hay không mà thôi. Đáp án phải là thu nhập của người dân Bao năm nay, những công trình nghiên cứu và các con số thống kê đều đã chỉ ra rằng, vùng trung du và miền núi phía Bắc chiếm 70% diện tích chè cả nước, và không thể có loại cây trồng nào phù hợp, hiệu quả hơn cây chè. Nói cách khác, nơi đây, nếu không sống dựa vào cây chè thì không biết dựa vào gì cả. Những năm tháng miệt mài với cây chè, TS Toàn có thể tự tin khẳng định bản thân ông và nhiều nhà khoa học khác đã tìm ra đáp án cho bài toán về sứ mệnh cây chè ở MNPB. “Muốn nâng cao giá trị cây chè thì điều cốt lõi phải giải quyết là vấn đề chất lượng và ATVSTP. Phải nâng cao chất lượng chè và đảm bảo ATVSTP trong suốt qui trình sản xuất, canh tác”, TS Toàn khẳng định. Ở vấn đề thứ nhất, trong nhiều nghiên cứu của các chuyên gia ngành chè trong nước và trên thế giới, điều kiện tự nhiên như khí hậu, độ cao ở vùng miền núi phía Bắc luôn nằm trong tốp dẫn đầu về khả năng sản xuất ra những loại chè chất lượng hảo hạng, tuy nhiên chất lượng chè Việt đang gặp nhiều rào cản. Theo TS Toàn, vấn đề nằm ở giống. Giống là yếu tố quyết định. Nếu không có giống tốt, giống chất lượng thì không thể nào có sản phẩm chè chất lượng được. Đã qua rồi cái thời chúng ta ồ ạt trồng giống chè PH1 với năng suất lên tới 25-30 tấn/ha để chế biến chè đen, bởi vì sản lượng cao thật đấy, nhưng “đáp án” là người trồng chè vẫn cứ nghèo. Những con số thống kê cũng rất biết nói, giá chè bình quân của Việt Nam thấp, chỉ khoảng 60% so với giá chè bình quân thế giới (1,6-1,7 đô la/kg so với 2,5 đô la/kg). Sản lượng đã nằm tốp đầu thế giới rồi, bây giờ là thời của chè chất lượng cao, chè xanh, chè ô long, chè đặc sản… Những loại chè có thể bán với giá 10 đô la/kg ở những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản… thay vì tập trung cạnh tranh ở những thị trường cấp thấp, giá rẻ. Đến những năm 2030, nhất định giống chè chất lượng cao phải chiếm ít nhất 50%, lúc đó người trồng chè có thể làm giàu. Thực tế đã chứng minh, trong những năm vừa qua vai trò giống mới thể hiện tương đối rõ. Ví dụ ở Yên Bái giống mới chiếm trên 50%, Phú Thọ trên 60%, Thái Nguyên 40%... Cái cần bây giờ là qui hoạch giống từ các địa phương. Ví dụ ở Phú Thọ có thể sản xuất chè đen, năng suất 7-8 tấn/ha, thu khoảng 200 triệu đồng, nhưng lên Yên Bái, Hà Giang thì không thể làm chè đen như thế. Phải chuyển sang chè Shan, chè ô long chất lượng cao, năng suất chỉ cần 4 tấn/ha nhưng vẫn thu được chừng ấy tiền. “Vấn đề ATVSTP cũng là sinh tử. Cần loại bỏ ngay tư tưởng trồng chè kiểu “đem thuốc BVTV trên lúa để phun cho chè”. Chúng ta đã có những lô hàng bị trả về vì không đảm bảo chất lượng, đã có những lúc thị trường giảm liên tục vì không khẳng định được thương hiệu, uy tín. Cần kiểm soát, điều chỉnh toàn bộ quá trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao. Qui trình, công nghệ canh tác, chế biến hiện nay của chúng ta chưa đảm bảo. Giá thấp là vì các DN chỉ chú trọng vào những thị trường cấp thấp, dễ dãi. Giá bán thấp đã chi phối thu nhập người dân.

Thu hoạch chè ở vùng miền núi phía Bắc

Chúng ta đã có những mô hình vài trăm triệu mỗi ha. Điều kiện thuận lợi, lợi thế khí hậu tiểu vùng, độ cao rất tốt để hình thành chè đặc sản. Chỉ cần giá chè Việt Nam ngang với với giá chè bình quân của thế giới thì người trồng chè sống rất thoải mái”, TS Toàn khẳng định. Kết quả từ Văn Chấn Giám đốc Cty CP Chè Liên Sơn (Văn Chấn - Yên Bái), ông Phan Văn An gật lia lịa khi tôi nhắc lại bài toán và lời giải của ông Viện trưởng Viện KHNLN Miền núi phía Bắc. Và để phụ họa thêm, người đang rất nổi trong ngành chè cả nước này khẳng định: Giống là cuộc cách mạng, đời sống người làm chè là mục tiêu, còn ATVSTP là bắt buộc. Giống như nhiều đơn vị khác, Cty CP Chè Liên Sơn, tiền thân là một nông trường chè từng đứng bên bờ vực phá sản, định giải thể khi chuyển sang cổ phần hóa vào năm 2000. Lúc ấy, toàn bộ vùng chè nguyên liệu xuống cấp nghiêm trọng, hầu như chẳng còn gì. Lớp lớp công nhân, người dân chán cây chè đến tận mang tai. Họ đốn hạ chè để chuyển sang cây trồng khác hoặc bỏ hoang mặc cho cỏ gianh mọc che khuất hết cả đồi chè.

Theo TS Nguyễn Văn Toàn, một vấn đề quan trọng là qui hoạch. Thành công của Cty CP Chè Liên Sơn chứng minh rõ nét. Sau nhiều năm quản lý, cấp phép cho các cơ sở SX kinh doanh chè rất lộ cộ, nhốn nháo thì có lẽ tỉnh Yên Bái đã nhận ra cần phải thay đổi. Từ chỗ có thời điểm tỉnh này lên đến 96 cơ sở SXKD thì bây giờ số lượng đã bị hạn chế rất nhiều. Giám đốc An tiết lộ: Từ khi vùng chè Văn Chấn của Cty Liên Sơn phát triển, cũng có nhiều DN trình lãnh đạo tỉnh Yên Bái xin vào nhưng không được.

Thời điểm cổ phần hóa, mỗi ha chè được định giá cao nhất cũng chỉ 2,5 triệu,  còn khó bán. Sau 15 năm, cầm chừng 200 triệu lên Văn Chấn mua đồi chè có khi không mua nổi. Trong giới trồng chè thường lấy mốc 15 tấn/ha để chia mức sống. Qua mức ấy đã được xem là sống khỏe. Và sản lượng bình quân ở Liên Sơn là 20 tấn/ha, giá bán bình quân 3,5-4 nghìn đồng/kg. Giám đốc An nói chắc như đinh đóng cột: Ở đây, không có bất cứ loại cây trồng nào có thể sánh được với cây chè. Đã có một thời, có một số nơi hào hứng chuyển sang cây cao su, cây cam, huyện Văn Chấn cũng đã qui hoạch 3.000 ha nhưng rồi cao su chết rét. Đúc kết, chỉ có cây chè là nhất. Ông An nói rằng, đúng như lời giải của TS Toàn, giống chắc chắn là một cuộc cách mạng. Sau khi cổ phần hóa, lãnh đạo Cty Chè Liên Sơn từng đưa ra một quyết định gây rúng động ngành chè lúc bấy giờ là chặt bỏ 80,9 ha chè “sống dở chết dở” ở Văn Chấn để đưa giống mới vào canh tác. Thậm chí còn có cả những ý kiến khẳng định, Liên Sơn chắc chắn sẽ phá sản nếu chặt diện tích chè lớn như thế vì không thể lấy gì để phục hồi, đầu tư trồng mới… Bây giờ, nếu lên Văn Chấn nhìn diện tích vùng nguyên liệu vào khoảng 500 ha của Liên Sơn thì chắc chắn những người ý kiến ngày xưa phải xấu hổ lắm. Từng bước chuyển đổi giống chè theo kiểu cuốn chiếu, 500 ha chè ở Liên Sơn bây giờ hầu hết trồng giống chè mới chất lượng cao, năng suất có thể đạt 25 tấn/ha. “Đáp án” đều đặn hàng năm, sau khi trừ đi chi phí, mỗi hộ trồng chè lãi từ 35-40 triệu đồng/ha. Những con số quá ổn ở một vùng đất rất khắc nghiệt. Tương tự là vấn đề ATVSTP. Hôm tôi đến Liên Sơn, nơi này đang tổ chức một lớp học về việc đảm bảo ATVSTP trên cây chè do Cục BVTV tổ chức. Nội dung không chỉ hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV trên cây chè mà còn cam kết sử dụng đúng cách. Đâu đó cuối lớp có người nói nhỏ: Không cam kết thì chúng tôi cũng chẳng dại gì làm sai, dại gì tự mình đi giết mình. Đội trưởng đội sản xuất số 2 ở Liên Sơn, chị Nguyễn Thanh Vân dẫn tôi vào gia đình bà Nguyễn Thị Chín. Nghe bảo, chỉ mấy năm trước thôi, gia đình bà Chín thuộc loại nghèo nhất nhì trong vùng, thậm chí từng lâm cảnh đói ăn. Sau khi nhận khoán 1,3 ha đất trồng chè, bây giờ, dù diện tích chè có thể thu hoạch mới hơn một nửa, nhưng mỗi năm gia đình bà thu gần 14 tấn chè tươi, bán khoảng 50 triệu đồng. Rồi trường hợp ông Hoàng Văn Trà, ông Hoàng Văn Xuyên, ông Bùi Đức Tân…, những người từng tiên phong chặt bỏ cây chè ở mảnh đất này bây giờ lại ngồi rung đùi, lắc đầu nguầy nguậy mỗi khi có người đến hỏi mua. “Trồng chè khỏe lắm. Mỗi năm ngủ nghỉ từ 3-4 tháng. Nặng nhất là hái thì bây giờ máy móc hết rồi. Một ha hái trong vòng một ngày là xong. Đầu tư không nhiều mà thời gian thu hoạch lại lâu, giá cả ổn định. Mỗi năm túc tắc cũng kiếm vài ba chục triệu mỗi ha. Ai dại gì mà bán”, người trồng chè ở Văn Chấn nói thế. Chắc chắn họ đã tìm ra “đáp án” của bài toán cây chè.

Theo Nông nghiệp Việt Nam


Tin khác