Vì sao phải tái cơ cấu nông nghiệp?

07/10/2015

Tái cơ cấu (TCC) nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là mục tiêu chính của Đề án TCC nông nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10.6.2013.

Để hiểu rõ hơn về bối cảnh, quá trình cũng như cách thức thực hiện triển khai, từ số báo này, Dân Việt sẽ giới thiệu loạt bài của TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) với chủ đề “Nông dân Việt Nam với TCC nông nghiệp”.

Nông nghiệp Việt Nam dù đã đạt được những bước tăng trưởng tốt trong suốt giai đoạn dài từ sau đổi mới, song tăng trưởng GDP nông nghiệp Việt Nam đang có xu hướng chậm lại...

Tăng thu nhập nông dân

Mục tiêu của đề án TCC nông nghiệp là tập trung vào duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn và phát triển bền vững.

Các nội dung đột phá chính của TCC nông nghiệp tập trung vào tăng cường hàm lượng khoa học công nghệ (KHCN) thay vì khai thác tài nguyên, đổi mới thể chế sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo hướng tăng quy mô, thu hút đầu tư doanh nghiệp, phát triển liên kết chuỗi giá trị nối kết giữa sản xuất và thị trường trong nước và thế giới.

Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất của TCC nông nghiệp là nâng cao đời sống cho người nông dân. Đây là động lực quan trọng để phát huy toàn bộ tinh thần sáng tạo, năng lực của 11 triệu hộ nông dân tham gia cùng TCC.

Tuy nhiên, một điều không kém phần quan trọng là vai trò của người nông dân nằm ở đâu trong TCC nông nghiệp? Sinh kế của họ trong tương lai sẽ như thế nào? Đây là những vấn đề mấu chốt cần giải đáp về mặt lý luận để huy động toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó có nông dân tham gia vào TCC nông nghiệp, tạo chuyển biến trên thực tiễn.

Trước tiên, xin đi vào quá trình triển khai thực hiện đề án theo Quyết định 899. Sau khi Thủ tướng phê duyệt quyết định, đã có 14 quyết định và 1 chỉ thị của Bộ NNPTNT hướng dẫn triển khai đề án TCC ngành nông nghiệp với các nội dung như; rà soát điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất trên cơ sở phát huy lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ; hoạt động KHCN đã được chấn chỉnh, tập trung phục vụ TCC ngành…

Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện đề án, trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, Bộ NNPTNT đã nỗ lực và chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nội dung và giải pháp TCC, một số địa phương đã tích cực triển khai sớm giúp tăng hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân. Năm 2014, tăng trưởng ngành đạt tốc độ cao hơn: Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,9%, tốc độ tăng GDP ngành đạt 3,49%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra (3,27%) và cao hơn nhiều so với năm 2012, 2013 (tương ứng là 3,0% và 2,64%). Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013...

Nông dân thu hoạch lúa tại xã Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Nhận thức về tái cơ cấu chậm thay đổi

Tuy vậy, có thể khẳng định cho đến nay việc triển khai thực hiện đề án vẫn còn nhiều tồn tại mà nguyên nhân nằm ở chỗ:

Nhận thức về TCC ngành, cách tiếp cận trong nhiều lĩnh vực chậm thay đổi, tư duy cũ vẫn ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực của ngành. Cơ sở lý luận về TCC chưa rõ, nhất là về quan hệ giữa TCC ngành với TCC tổng thể nền kinh tế và với chương trình nông thôn mới đang được triển khai mạnh, dẫn đến lúng túng trong thực hiện TCC.

Triển khai thực hiện chủ trương TCC ngành chưa được đồng bộ, đồng đều ở các địa phương. Nhiều nơi chưa thực sự quan tâm, triển khai chậm, thậm chí còn lúng túng. Kết quả thực hiện trên thực tế chưa nhiều, tác động đến tăng trưởng ngành và thu nhập của nông dân còn ít.

Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; hình thức tổ chức sản xuất và phát triển các mô hình mới đã có kết quả khá rõ ở lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, nhưng trong chăn nuôi, lâm nghiệp còn chưa rõ.

Khu vực hợp tác xã (HTX) còn nhiều lúng túng trong việc thực hiện theo Luật HTX 2012; kinh tế hộ nhỏ lẻ, ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém; nông lâm trường quốc doanh chậm đổi mới; thu hút đầu tư tư nhân rất hạn chế. Việc triển khai thực hiện nhiều chủ trương chính sách đã ban hành còn chậm.

Bốn giai đoạn chuyển đổi

Chuyển đổi cấu trúc cũng mang tính quy luật đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn mặc dù chiều hướng và tốc độ có thể khác nhau giữa các quốc gia. Xu hướng chung thường là tăng quy mô ruộng đất, tăng quy mô sản xuất, giảm lao động, tăng cơ giới hóa và tăng việc mua các đầu vào cho sản xuất, thay đổi cơ cấu mùa vụ, tăng thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp trong khu vực nông thôn, thay đổi cơ cấu sản phẩm nông nghiệp.

Phần lớn nước có tăng trưởng nông nghiệp trên 3%/năm thì cũng đạt tăng trưởng kinh tế trên 5%/năm. Ngược lại, những nước có tăng trưởng nông nghiệp dưới 1%/năm thì tăng trưởng chung chỉ ở mức dưới 3%/năm, trừ những nước phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, khoáng sản thô.

Tổng kết kinh nghiệm của 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 300 năm vừa qua cũng cho thấy chỉ có dưới 40 nước chuyển đổi cấu trúc nông nghiệp, nông thôn thành công và kèm theo đó là thành công trong chuyển đổi cấu trúc kinh tế nói chung. Nghiên cứu của các học giả hàng đầu thế giới cho thấy chuyển đổi cấu trúc nông nghiệp có thể chia làm 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1 – Nền kinh tế thuần nông: Phần lớn dân số làm nông nghiệp đặc trưng bởi kinh tế tự cấp, tự túc, quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng hạn chế, năng lực KHCN yếu, khả năng gắn kết thị trường yếu. Giai đoạn này kết thúc với tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm xuống còn 30% và tỷ trọng nông nghiệp trong tổng lao động xuống còn 70%.

Giai đoạn 2 – Nền kinh tế tiền chuyển đổi: Lao động nông nghiệp vẫn chiếm trên 50% nhưng đã bắt đầu chuyển sang sản xuất hàng hóa, năng suất nông nghiệp tăng mạnh tạo điều kiện chuyển lao động thặng dư từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp trong giai đoạn này theo hướng đa dạng cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường cùng với tăng đầu tư tư nhân trong nông nghiệp.

Triển khai thực hiện chủ trương TCC ngành chưa được đồng bộ, đồng đều ở các địa phương. Nhiều địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm, triển khai chậm, thậm chí còn lúng túng. Kết quả thực hiện trên thực tế chưa nhiều, tác động đến tăng trưởng ngành và thu nhập của nông dân còn ít. 

Trọng tâm chính sách giai đoạn này là tăng cường cơ sở hạ tầng cho đa dạng nông nghiệp ngoài sản xuất lương thực, phát triển dịch vụ quản lý chất lượng, đảm bảo VSATTP, mở cửa thị trường hàng hóa và thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp. Giai đoạn này kết thúc với tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm xuống còn 15% và tỷ trọng nông nghiệp trong tổng lao động giảm xuống còn 50%.

Giai đoạn 3 – Nền kinh tế chuyển đổi và đô thị hóa: Đây là giai đoạn quan trọng và khó khăn nhất đối với chuyển đổi cấu trúc nông nghiệp, chuyển từ tăng trưởng theo số lượng sang chất lượng cùng với chuyển đối cấu trúc kinh tế nói chung để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Thương mại hóa nông nghiệp được đẩy mạnh với đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, quy mô sản xuất lớn, áp dụng cơ giới hóa, KHCN, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Trọng tâm chính sách tập trung vào các vấn đề liên ngành liên quan đến tự do hóa các thị trường đầu vào, hỗ trợ đầu tư của doanh nghiệp xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp... Giai đoạn này kết thúc với tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm xuống còn 5% và tỷ trọng nông nghiệp trong tổng lao động giảm xuống còn 10-15%.

Giai đoạn 4 – Nền kinh tế công nghiệp phát triển: Các nước ở giai đoạn này đã hoàn thành công nghiệp hoá. Nông nghiệp không còn đóng vai trò quan trọng về mặt kinh tế mà chuyển sang các vai trò khác về chính trị, xã hội, môi trường và an ninh lương thực. Vốn và tài nguyên điều tiết về nông nghiệp, nông thôn thường do Chính phủ  bảo hộ đầu tư.

Theo khung phân tích nêu trên, thì nông nghiệp Việt Nam đã đi gần hết giai đoạn 2 và chuẩn bị bước vào vào giai đoạn 3 đầy khó khăn và thách thức. Tốc độ chuyển đổi của Việt Nam khá nhanh, chỉ mất khoảng 15 năm để đi từ giai đoạn thuần nông (khoảng năm 1995) sang giai đoạn chuyển đổi (khoảng năm 2010), nhanh hơn nhiều so với Thái Lan, Indonesia hay Philippines (thường mất khoảng hơn 20 năm). Tốc độ chuyển đổi của Việt Nam tương đương với Trung Quốc, nhưng đi sau Trung Quốc khoảng 10 năm.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT


Tin khác