Nhiều loại phí, lệ phí trong nông nghiệp được cắt giảm

13/04/2016

Luật Phí và Lệ phí sẽ có hiệu lực với kỳ vọng mang lại nhiều sự “cởi trói” cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Để chuẩn bị cho sự đổi mới này, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa phí, lệ phí trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong năm 2015, trước những phản ánh của người dân xung quanh vấn đề quá nhiều loại phí, lệ phí tồn tại trong khâu kiểm dịch thú y, ATTP trở thành gánh nặng cho sản xuất, Bộ NN&PTNT đã có động thái khá tích cực. Qua ra soát lĩnh vực thú y, Bộ đã đề nghị bãi bỏ 14 mục lệ phí và 21 mục phí. Đối với lĩnh vực nông lâm thủy sản đề nghị bãi bỏ 59 danh mục, 554 danh mục phí chuyển sang cơ chế giá và tổng hợp 18 danh mục phí đề nghị dự thảo Dự án Luật Phí, Lệ phí. Về lệ phí, từ 91 danh mục đã giảm xuống còn 36 danh mục… Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo triển khai cơ chế một cửa quốc gia nhằm giảm bớt phiền hà cho người dân và DN khi tiến hành các thủ tục hành chính (TTHC).

Mặc dù vậy, so với yêu cầu thực tế, việc cắt giảm trên vẫn chưa thực sự triệt để. Thống kê cho thấy, dù có chuyển sang cơ chế giá, song trong nông nghiệp vẫn khá nhiều loại phí. Cụ thể, ngành nông nghiệp vẫn còn trên 100 loại phí, lệ phí lớn và một số danh mục phí, lệ phí nhỏ, tập trung chủ yếu ở hai lĩnh vực là thú y và bảo vệ thực vật. Ông Nguyễn Sông Thao - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN&PTNT) cũng nhìn nhận, một số đơn vị trong ngành còn thiếu quyết liệt trong nhiệm vụ xây dựng văn bản pháp quy, các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Một số văn bản ban hành nhưng hiệu lực, hiệu quả thực thi thấp do chưa sát với thực tiễn. Tại cuộc họp với các đơn vị trực thuộc của Bộ mới đây, một lãnh đạo Bộ NN&PTNT phàn nàn: “Nhiều DN nước ngoài phản ánh rằng đã gửi hồ sơ đăng ký từ rất lâu vẫn chưa được xem xét, hồi âm”.

Tạo thuận lợi cho sản xuất

Xuất phát từ yêu cầu thực tế, năm 2016, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu cải cách mạnh mẽ thể chế, TTHC nhằm tạo điều kiện thông thoáng thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Phạm Văn Hưng – Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ NN&PTNT) cho biết, với những loại phí, lệ phí chuyển sang cơ chế giá sẽ áp dụng theo Luật Giá. Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và DN, bởi các cơ quan, DN được Nhà nước giao nhiệm vụ cũng có thể ban hành cơ chế giá. Như vậy, sẽ có sự cạnh tranh sòng phẳng của cơ quan Nhà nước và đơn vị bên ngoài trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và người dân, DN sẽ được hưởng lợi.

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, cơ chế giá sẽ có hai hình thức, một là áp dụng theo giá thị trường và hai là Nhà nước sẽ quản lý một phần. Cùng với việc chuyển đổi cơ chế đó, khi Luật Phí và Lệ phí có hiệu lực, điều cần thiết là phải sửa đổi lại các Thông tư đã ban hành liên quan đến phí và lệ phí. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ NN&PTNT đề ra trong thời gian tới là phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, bãi bỏ những Thông tư không còn phù hợp liên quan đến phí, lệ phí trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng với đó, cung cấp các dịch vụ công tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư phát triển, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục, cắt bỏ phí, lệ phí thì cần tập trung cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN. 

Theo Omard


Tin khác