Vấn đề hôm nay: Nông nghiệp lần đầu tăng trưởng âm

14/07/2016

Trong những tháng cuối năm, dự báo toàn ngành nông nghiệp sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai và cả sự cạnh tranh từ quốc tế. Không chỉ phục hồi sản lượng mà còn nâng cao thương hiệu hàng hóa để gia tăng giá trị sản xuất.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT Cao Đức Phát mới đây đã nói rằng, bây giờ  giá trị của 1kg tôm bằng 20kg lúa thì chúng ta có nhất thiết cứ phải làm lúa hay không? Rõ ràng, bài toán tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị đang cần được ưu tiên trong ngành nông nghiệp để hỗ trợ nông dân và ổn định khu vực nông thôn.

Chương trình Vấn đề hôm nay trên kênh truyền hình VTV1 đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT về vấn đề Nông nghiệp lần đầu tăng trưởng âm.

PV: Hiện tượng nông dân di cư khỏi Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất cả nước vì không thể kiếm sống ngay trên mảnh đất quê hương. Lý do của hiện tượng này có phải do thiên tai, hạn mặn, môi trường ô nhiễm..? Theo ông, lý do mấu chốt ở đây là gì?

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn:

Tôi nghĩ đây là câu chuyện của tìm kiếm cơ hội kinh tế. Bình thường chúng ta vẫn thấy đã có những hiện tượng di cư như vậy. Nếu nông nghiệp sản xuất theo quy mô nhỏ, lãi ít, cơ hội kinh tế ít hơn so với các công việc khác nên nông dân di cư ra đô thị để tìm kiếm việc làm tại khu vực phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, thiên tai, thiệt hại trong nông nghiệp và không có phương tiện khác kiếm sống sẽ thúc đẩy việc di cư này.

Việc sụt giảm thu nhập một cách bất thường, di cư một cách ồ ạt bởi những cú sốc thiên tai nếu chúng ta không có cách định hướng, tổ chức quản lý cẩn thận rất dễ dẫn đến bất ổn xã hội.

PV: Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT Hồ Xuân Hùng nói: “Tổng nguồn lực xã hội đầu tư chỉ 6%, một con số rất nhỏ bé so với đóng góp của ngành nông nghiệp cho nền kinh tế (khoảng 20% GDP) và bản thân ngành nông nghiệp cần thay đổi cơ cấu đầu tư của ngành khi 80% nguồn lực đầu tư dành cho thủy lợi”. Việc đầu tư có phải là chìa khóa và yếu tố then chốt để chuyển hướng ngành nông nghiệp thành công, quan điểm của ông là gì?

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn:

Tôi nghĩ đây là một yếu tố mang tính then chốt, nền nông nghiệp nước ta từ trước tới nay tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, đất, nước, lao động giá rẻ. Trong khi tài nguyên không thể tự thêm được nữa, năm nay vấn đề nước không dồi dào… nên chúng ta cần hướng tới nên nông nghiệp thông dụng vốn, khoa học công nghệ , tri thức nhiều hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc cần có đầu tư.

Đầu tư trong nông nghiệp hiện nay còn thấp từ đầu tư Nhà nước đến đầu tư tư nhân.Trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng ta rất muốn kéo tư nhân, coi các doanh nghiệp là động lực để thành laajo chuỗi giá trị, kéo nông dân vào chuỗi giá trị đó tạo sản phẩm ra thị trường. Và Nhà nước đống vai trò “bà đỡ” rất quan trọng, đặc biệt với những hạ tầng và dịch vụ công cơ bản thì mới lôi kéo được khối tư nhân.

Câu chuyện đầu tư từ Nhà nước hiện nay vẫn là thiếu nguồn do nợ công, muốn tăng nguồn đầu tư phải làm thế nào? Với một giai đoạn đang phát triển như hiện nay tại Việt Nam, so với kinh nghiệm các nước phát triển khác thì họ đã đánh thuế khu vực công nghiệp đô thị để hỗ trợ bớt cho nông nghiệp. Ví dụ như ở Hàn Quốc là thuế đặc biệt cho phát triển nông thôn đánh vào ngành công nghiệp, đô thị để có một quỹ nhất định mặc dù tỷ lệ không cao nhưng đủ để trang trải cho khu vực nông nghiệp nông thôn.

Khi có thêm tiền thì cần xét lại cơ cấu đầu tư. Từ trước tới nay, chúng ta tập trung quá nhiều vào lúa, mặt hàng có giá trị thấp, sử dụng tốn nhiều nước nhất trong lúc hạn hán xuất hiện ngày càng nhiều. Nên phần đầu tư tăng thêm cần chuyển dần sang thủy sản, cây trồng trên cạn, tập trung đầu tư khoa học công nghệ, đầu tư sau thu hoạch, dịch vụ công… Đây chính là cú huých cùng với đầu tư cơ bản (hệ thống đường, điện, cung cấp nước) để kéo đầu tư tư nhân vào cùng với Nhà nước tạo động lực mới cho tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam.

PV: Người nông dân vẫn là đối tượng chính trong quá trình thay đổi và cũng chịu ảnh hưởng chính. Như vậy cơ chế đối với họ sẽ phải như thế nào thưa ông?

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn:

Người nông dân trong tương lai, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phối hợp xây dựng Nông thôn mới.. họ phải có thu nhập tăng lên, đời sống tăng lên, tích lũy tốt hơn để họ đủ sức chống lại các cú sốc thì thiên tai, thị trường.

Với những nông dân giỏi, chúng ta cần giúp cho họ biến thành nông dân chuyên nghiệp, đào tạo bài bản, hỗ trợ tích tụ ruộng đất, hỗ trợ thành lập hợp tác xã, kết nối với doanh nghiệp để biến thành chuỗi giá trị hoàn hảo trên thị trường.

Với những nông dân chưa giỏi có nhu cầu tìm kiếm công ăn việc làm mới cần có các tổ chức đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm một cách bài bản trong việc di cư ra khu vực đô thị, có cơ chế bảo đảm quyền lợi của họ.

Việt Nam có dư địa rất tốt cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến, công nghệ hỗ trợ cho nông nghiệp nông thôn, vừa tạo ra giá trị mới cho khu vực nông nghiệp, vừa tạo ra rất nhiều việc làm cho khu vực nông thôn. Đồng thời, cần có cơ chế bảo hiểm, quản lý rủi ro cho người nông dân để họ ứng phó với các cú sốc có thể gặp phải.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long đã nói, trong tiêu chí Nông thôn mới tại ĐBSCL phải có tiêu chí ứng phó với biến đổi khí hậu.

PV: Xin trân trọng cám ơn ông./.

https://www.youtube.com/watch?v=Fa1sH2SjOQ8&feature=youtu.be

Theo VTV1


Tin khác