Nông nghiệp công nghệ cao: Doanh nghiệp là “đầu tàu” của chuỗi giá trị

17/07/2017

Trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần có chính sách tăng cường phổ biến kiến thức, năng lực quản trị cho người nông dân.

Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển nền kinh tế nông nghiệp là một chủ trương lớn của Chính phủ để tạo động lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam cất cánh.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, làm nông nghiệp công nghệ cao rất cần thiết phải có nhà đầu tư tham gia vào chuỗi giá trị. Nếu không sẽ chỉ đơn thuần là xây dựng một nhà máy hàng nghìn tỷ mà không biết bán hàng ở đâu, đầu ra như thế nào… khi đó sẽ trở thành gánh nặng cho chính sách này.

Doanh nghiệp sẽ là “đầu tàu” của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có sự tham gia của người dân. 

Theo ông Thành, với chính sách này, người nông dân muốn tiếp cận tín dụng công nghệ cao không phải là câu chuyện đơn giản, thậm chí sẽ rất khó vì làm công nghệ cao sẽ hoàn toàn khác xa với khái niệm làm vườn thông thường. Trong đó, việc trồng trọt hay chăn nuôi đều phải đầu tư các giải pháp công nghệ tối ưu như nhà màng, hệ thống tưới tiêu hiện đại, các dây chuyền sản xuất sạch…với chi phí rất tốn kém.

Trong khi phần lớn nông dân hiện nay đều làm nông nghiệp đúng theo nghĩa “người làm vườn”, làm theo kinh nghiệm cha ông, có gì sản xuất đấy rất manh mún, nhỏ lẻ và đơn độc.

“Thực lòng mà nói, nông dân muốn tiếp cận tín dụng công nghệ cao là vô cùng khó. Vậy chỉ còn một cách khả thi hơn đó là tổ chức nông dân phải theo chuỗi giá trị. Doanh nghiệp sẽ là “đầu tàu” của chuỗi giá trị đó, phải đi làm thị trường giúp nông dân”, ông Thành nêu rõ.

Lấy ví dụ ở 1 nhà máy sản xuất lương thực ở Tây Ninh với quy mô 10.000 ha, ông Thành cho biết, ở đây nhà máy đã nhóm các hộ nông dân lại với nhau, hỗ trợ bà con về giống, phân bón nhưng và họ gánh lãi suất cho nông dân. Người nông dân chỉ việc sản xuất ra sản phẩm. “Trong chuỗi sản xuất này đó, đáng lẽ nông dân phải vay 1 tỷ đồng để sản xuất, đầu tư thì nay họ chỉ phải vay 100 triệu đồng”, ông Thành nêu ra ưu điểm.

Tuy nhiên, ông Thành cũng lưu ý, khi người nông dân tham gia vào chuỗi giá trị, nhất thiết phải có cam kết, có hợp đồng kinh tế đàng hoàng để đảm bảo chuỗi giá trị đó không bị phá vỡ.

Cũng theo khuyến nghị của ông Thành, do người nông dân ngoài khó khăn về tiền vốn còn rất khó khăn về thông tin thị trường. Do đó, ở trong chuỗi giá trị này, doanh nghiệp chính là đơn vị nắm bắt thị trường, định hướng sản xuất cho người nông dân.

Bên cạnh đó, trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và hợp tác trong chuỗi giá trị, cần có chính sách tăng cường phổ biến kiến thức, năng lực quản trị cho người nông dân. Quản trị nông nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng nên cần đưa ra các chính sách để đào tạo bà con nông dân về trình độ quản trị, năng lực sản xuất, về công nghệ, sổ sách...

Một vấn đề hết sức quan trọng khác theo ông Thành là phải lưu ý có chính sách đào tạo nông dân về trách nhiệm cam kết. “Lâu nay, nền kinh tế nông nghiệp vẫn bỏ ngỏ để bà con nông dân tự bơi, nếu người nông dân sẽ tự do trồng trọt, chăn nuôi theo cảm hứng khi nó chắc chắn họ sẽ dễ dàng hủy hợp đồng để quay sang làm việc với thương lái, trung gian”, ông Thành đánh giá và nhận định rằng, khi tính cam kết càng mạnh, trách nhiệm của người nông dân tăng lên, khi đó giá trị sản xuất hàng hóa trong chuỗi nông nghiệp công nghệ cao mới thực sự bền vững ./.

Theo VOV.VN


Tin khác