Tái cơ cấu nông nghiệp đừng bỏ quên thân phận nông dân

27/09/2017

Chuyên gia trong nước nhắc lại các chuyện tưởng đã cũ, còn chuyên gia nước ngoài khuyên rằng trong tái cơ cấu nông nghiệp đừng quên vai trò của nông dân, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Một cánh đồng lúa tại xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) bị thiệt hại nặng do hạn, mặn kéo dài 

Những người chịu tác động sớm nhất, nhiều nhất và bị động nhất của biến đổi khí hậu cũng như hoạt động khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế ở ĐBSCL đầu tiên và lớn nhất là nông dân.

Chính vì thế, cần sớm có những chính sách để phát triển ĐBSCL trong việc ứng phó, thích ứng với tác động bên ngoài trong thời gian tới, theo các chuyên gia trong hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL đang diễn ra tại Cần Thơ. 

Ông Loren, chuyên gia đến từ Hà Lan, cho rằng, việc xây dựng lại kế hoạch phát triển ở ĐBSCL cần cần làm việc trực tiếp với nông dân, các cấp chính quyền địa phương khác nhau.

Với mỗi chương trình cần phải xem xét việc chuyển đổi có giúp cải thiện sinh kế của nông dân hay không.

Người dân phải được tham gia vào quá trình ra quyết định vì họ là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược nông nghiệp nông thôn (IPSARD), cho biết, việc tập trung quá mức vào sản xuất lúa thâm canh, chuyển sang hệ thống canh tác 3 vụ lúa/năm đã tạo ra những hệ lụy đáng báo động về sinh thái, môi trường, đa dạng sinh học và hiệu quả sử dụng tài nguyên. 

Việc lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm và kháng sinh dẫn đến hệ lụy là chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của nông sản chưa đảm bảo, thiếu bền vững, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh. 

Những điểm yếu này cản trở nông sản ĐBSCL trong việc tiếp cận các thị trường xuất khẩu có giá trị cao, khó đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật cao.

Theo ông Tuấn, một trong những nút thắt của phát triển nông nghiệp vùng chính là tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị nông sản.

Phần lớn các hộ nông dân ĐBSCL có quy mô nhỏ, không có kho trữ, ít vốn, dễ bị các thương lái ép giá và thường chịu nhiều rủi ro nhất khi có biến động bất lợi trên thị trường về giá đầu vào và đầu ra.

Sự phát triển thiếu bền vững của ngành nông nghiệp ĐBSCL đã bộc lộ trong những năm gần đây khi tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp của vùng đã chậm lại, từ mức 7,15%/năm giai đoạn 2001-2010, xuống còn khoảng 5%vào giai đoạn 2011-2016. 

Cùng với đó là việc đóng góp của ngành nông nghiệp ĐBSCL vào GDP nông nghiệp toàn quốc cũng giảm dần từ mức 52,8% vào năm 2000, xuống còn 37% năm 2015.

Dù là vựa lúa, vựa nông sản nhưng phần lớn nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... vẫn nhập từ ngoài vào, còn xuất ra thì chủ yếu ở dạng thô, thiếu đa dạng về chủng loại. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị

Xem ĐBSCL chịu đựng được đến đâu

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, để có những kịch bản cụ thể và hiệu quả trong tái cơ cấu và phát triển của vùng ĐBSCL cần phải có nghiên cứu xem xét rõ tác động từ bên ngoài và bên trong đối với vùng này. 

Ông Dũng cho rằng trên cơ sở những tác động đó xem ĐBSCL "chịu đựng được đến đâu, cái gì không chịu đựng được, cái gì rủi ro" để đưa ra các kịch bản ứng phó với sạt lở bờ biển, bờ sông, hạn chế nước mặn, thiếu nước ngọt… 

"Quan trọng trong quy hoạch là liên kết vùng để có sự phân chia và hợp tác phát triển", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng, trong thời gian tới cần giải quyết ba vấn đề về nông nghiệp của ĐBSCL.

Thứ nhất là tái cơ cấu nông nghiệp, tìm ra các mô hình, các mặt hàng phù hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu để phát triển. 

Thứ hai là khắc phục và ứng phó với tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân.

Thứ ba là các công tác thủy lợi chuyển trục thích ứng tái cơ cấu nông nghiệp và đời sống nông dân.

Mục tiêu của tái cơ cấu nông nghiệp là tạo động lực tăng trưởng bền vững nhằm đưa ĐBSCL thành vùng nông nghiệp hàng đầu Châu Á, có giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và năng suất lao động cao tương đương với các vùng nông nghiệp tiên tiến của khu vực.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 4-2017, ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, và 36,5% lượng trái cây cả nước.

Vùng cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, chiếm 20% thị phần gạo thương mại toàn cầu, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD năm 2016.

Hầu như toàn bộ xuất khẩu cá tra đến từ ĐBSCL với sản lượng cá tra hơn 1 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD năm 2016.

Sản xuất tôm của vùng chiếm 80% sản lượng, đóng góp 60% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước, với kim ngạch xuất khẩu 3,15 tỷ USD năm 2016.

Xuất khẩu trái cây của đồng bằng tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua với kim ngạch từ năm lên khoảng 329 triệu lên khoảng 1,1 tỷ USD trong giai đoạn 2010 - 2016.

Theo Tuổi trẻ


Tin khác