Các HTX kiểu mới ở ĐBSCL chuyển mình

16/10/2017

Mới đây, tại TP Cần Thơ, đã diễn ra Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển HTX gắn với sơ kết 1 năm thực hiện đề án thí điểm về củng cố và phát triển HTX kiểu mới vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020”, do Liên minh HTX Việt Nam, Bộ NN-PTNT, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức.

Ký kết ghi nhớ giữa 2 DN và 12 HTX ở ĐBSCL

Tham dự có 175 giám đốc HTX và đại diện các tổ hợp tác, 10 chi nhánh ngân hàng thương mại, các DN có liên kết với các HTX của 13, tỉnh, TP tại ĐBSCL.  

Thực trạng

Như vậy đã tròn 1 năm triển khai thực hiện quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020, trong đó giai đoạn 1 (2016 - 2017) tập trung tiên ưu tiên củng cố, tổ chức lại hoạt động của các HTX nông nghiệp phù hợp với Luật HTX năm 2012.

Đồng thời vận động kết nạp thêm thành viên, tăng vốn góp của các thành viên. Khuyến khích thành lập mới các HTX lúa gạo, trái cây, thủy sản. Ưu tiên thí điểm các HTX, liên hiệp HTX tham gia các chuỗi giá trị nông sản. Các tỉnh đã có liên hiệp HTX thì lựa chọn liên hiệp cùng các HTX thành viên làm thí điểm.

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết, kết quả sau khi hướng dẫn, triển khai thực hiện đề án thí điểm (tính đến tháng 8/2017) ở 13 tỉnh, TP vùng ĐBSCL đã lựa chọn được 175 HTX và 19 tổ hợp tác (THT). Các địa phương đã lên kế hoạch chi 6,8 tỉ đồng hỗ trợ thí điểm, củng cố phát triển các HTX, đồng thời triển khai công tác tuyên truyền quảng bá chương trình thí điểm.

Về đào tạo nhân lực, năm 2017 Bộ NN-PTNT bố trí kinh phí 3 tỷ đồng cho đầu mục này. Đến nay đã tổ chức tập huấn được 2 lớp với 95/110 cán bộ quản lý nhà nước ở các Chi cục PTNT và Liên minh HTX tỉnh; hoàn thành 9/19 lớp đào tạo kiến thức về HTX và kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý HTX nông nghiệp, các cộng tác viên khuyến nông; mở 11/13 lớp bồi dưỡng kế toán HTX.

Tuy nhiên theo các địa phương, các HTX tham gia thí điểm còn gặp nhiều khó khăn do có số lượng góp vốn ít, điều kiện cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng hạn chế, năng lực và trình độ giám đốc HTX thấp, liên kết giữa HTX và DN chưa chặt chẽ nên khó đáp ứng các tiêu chí của Bộ NN- PTNT đề ra…

Sản phẩm của các HTX làng nghề ở ĐBSCL

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của HTX đề xuất cần có sự hỗ trợ ban đầu từ chính quyền địa phương như đất đai, nhân lực ban điều hành, nhà kho, nhất là tháo gỡ vốn vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại cho HTX.  

Hướng đi

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh mục tiêu làm thế nào hướng các HTX tăng doanh thu, nâng cao thu nhập cho các thành viên. Hiện nay điểm yếu nhất của các HTX là xây dựng phương án SX kinh doanh. Qua 1 năm thực hiện quyết định 445/QĐ-TTg của Thủ tướng, điểm nổi bật là sự quan tâm các cấp chính quyền ĐBSCL, các tỉnh, TP đã bố trí kinh phí hơn 6,8 tỉ cho các chương trình phát triển HTX kiểu mới.

Với sự phối hợp và tham mưu giữa các Bộ, ngành cùng với chính quyền địa phương đã tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các HTX hoạt động phát triển đúng hướng, kết quả hoạt động HTX giai đoạn 1 ĐBSCL đã thành lập thêm 175 HTX, 19 THT, trong đó 12 THT đã nâng lên thành lập HTX. Đó là minh chứng cho sự chuyển biến tích cực...

“Để yểm trợ quá trình liên kết, phát triển HTX kiểu mới cần tập trung đào tạo năng lực đội ngũ cán bộ thành viên HTX (Hội đồng thành viên, Ban giám đốc, xã viên HTX…), mở lớp tập huấn HTX trong từng khu vực, phân công sắp xếp đối tượng học tập và mở chương trình tập huấn phù hợp. Mời các chuyên gia tư vấn, giảng dạy hỗ trợ các HTX việc xây dựng phương án SX kinh doanh", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

+ TS Christian Henckes, Phó Giám đốc Quốc gia GIZ Việt Nam:

HTX là mô hình nông nghiệp cần sự lãnh đạo thống nhất. Bên cạnh đó phải thu hút được các DN, tổ chức dịch vụ cung ứng nhằm tạo hiệu ứng tương tác tốt để phát triển HTX có quy mô rộng lớn hơn, thúc đẩy liên kết SX theo chuỗi giá trị. Làm thế nào để các thành phần tham gia liên kết gắn kết chặt chẽ; tăng cường hiệu lực thực hiện hợp đồng giữa nông dân và DN thu mua nông phẩm. Mặt khác chú ý liên kết với các cơ sở SX nhỏ lẻ.

Về năng lực của HTX cần thu hút nguồn nhân lực trẻ để phát huy tư duy điều hành HTX.

+ Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ:

Qua 1 năm, 15 HTX của Cần Thơ được chọn tham gia chương trình thí điểm, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực SX chính như lúa gạo, thủy sản, trái cây. Quá trình thực hiện có lồng ghép cùng các chương trình, đề án khác. Vừa qua, TP Cần Thơ thực hiện liên kết Trung tâm giống, các HTX với Viện lúa ĐBSCL thực SX lúa giống trên diện tích 150ha bắt đầu từ vụ ĐX 2017 - 2018, đồng thời kết nối các HTX với DN SX 10.000ha lúa sạch.

Tuy nhiên phải thừa nhận rằng HTX nông nghiệp vốn hoạt động còn ít, năng lực quản trị khá hạn chế. Các HTX và DN chưa kết nối chặt chẽ, chi phí trung gian còn lớn.

Theo Nông nghiệp Việt Nam


Tin khác