Cho vay nông nghiệp công nghệ cao đã đáp ứng nhu cầu trung, dài hạn

16/11/2017

Chiều nay (16/11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đăng đàn trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, khoá XIV.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) chất vấn: Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Chính phủ đưa ra chính sách gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng để cho vay, nhưng thực tế doanh nghiệp rất khó tiếp cập nguồn vốn này. Xin Thống đốc cho biết nguyên nhân và giải pháp sắp tới để chính sách đi vào cuộc sống?

Trả lời chất vấn, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thực tế quá trình triển khai chính sách tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch mới chỉ triển khai được 6 tháng.

Cho đến nay, dư nợ đã đạt 36.000 tỷ đồng trong gói 100.000 tỷ đồng, trong đó, kỳ hạn dài chiếm xấp xỉ 60%. Như vậy, tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao đã đáp ứng được nhu cầu đầu tư nguồn vốn lớn trung và dài hạn. 

“Tôi cho rằng, quá trình triển khai chỉ mới một thời gian ngắn, tốc độ tăng trưởng và quy mô tín dụng như vậy cũng khá cao”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

Khối lượng doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn này đã có khoảng 6.000 khách hàng cá nhân và 400 doanh nghiệp. Một chính sách mới triển khai đòi hỏi sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, đặc biệt giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và PTNT, thì “chúng tôi cũng đã phối hợp chặt chẽ theo chỉ đạo của Chính phủ”. 

Tuy nhiên, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng thừa nhận, trên thực tế cũng còn những vấn đề hạn chế như đại biểu nêu. Việc khó tiếp cận nguồn vốn có một số lý do. Thứ nhất, so với nhu cầu thì số lượng khu vực, vùng nông nghiệp công nghệ cao và các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao còn hạn chế. Điều này cũng là một yếu tố khiến cho ngân hàng thận trọng khi cho vay. Thứ hai, vấn đề tiêu thụ sản phẩm, đây là yếu tố quyết định để các ngân hàng xem xét cho vay. Thứ ba, giấy chứng nhận tài sản trên đất để thế chấp vay vốn ngân hàng còn khó khăn nhất định.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ đẩy mạnh chuyển dịch tái cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao, để tạo lập những vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch”, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác